Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị cấp làm việc chuẩn bị cho Hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển châu Á lần thứ 7 (HACGAM 7) tại Hà Nội, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng) cho biết, Cảnh sát biển Việt Nam đang được trang bị ngày càng hiện đại nhằm gia tăng sự có mặt thường xuyên hơn, duy trì trật tự, an ninh trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
-Trước thực tế ngư dân Việt Nam hoạt động trên chính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gặp những rủi ro như bị nước ngoài bắt giữ…, cảnh sát biển Việt Nam có những phương án như thế nào để bảo vệ họ?
- Chúng tôi đã tổ chức lại phương thức hoạt động để duy trì sự có mặt của cảnh sát biển trên biển càng nhiều ngày càng tốt, đặc biệt là các vùng biển giáp ranh và chồng lấn giữa các nước. Việc này giúp các ngư dân yên tâm hơn vì thấy họ được bảo vệ và khi cần thì được giúp đỡ, ứng cứu kịp thời. Trường hợp bà con vô tình vượt sang vùng biển nước khác, chúng tôi cũng kịp thời nhắc nhở bà con quay lại vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
- Vậy còn đối với việc bảo đảm cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam thì nhiệm vụ của cảnh sát biển như thế nào, thưa Trung tướng?
- Cảnh sát biển có trách nhiệm phối hợp hoạt động với các lực lượng chức năng. Trong trường hợp phát hiện sự cố trên biển, chúng tôi có trách nhiệm thông báo cho đơn vị có chức năng chính và sau đó phối hợp cùng giải quyết.
- Cảnh sát biển Việt Nam gặp những khó khăn gì khi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển chủ quyền Việt Nam?
- Với đường bờ biển dài và vùng biển chủ quyền rộng, cảnh sát biển chưa thể đi hết và duy trì sự có mặt thường xuyên, nhất là ở những vùng biển xa. Một phần do trang bị còn hạn chế, chưa bảo đảm hoạt động trong thời tiết phức tạp như gió cấp 9, cấp 10 hoặc đi dài ngày trên biển. Hiện chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, cả về chủng loại phương tiện và số lượng phương tiện để hoạt động trên biển. Vì nhiệm vụ chính trị và an ninh, hiện chính phủ rất chú trọng đầu tư cho cảnh sát biển mặc dù kinh tế khó khăn. Đề án phát triển giai đoạn hai xây dựng mô hình hoàn chỉnh của cảnh sát biển đang được xây dựng, trong đó bao gồm việc tăng cường trang, thiết bị cho cảnh sát biển.
- Cụ thể như thế nào, thưa Trung tướng?
- Trước hết là ưu tiên trang bị tàu, máy bay trực thăng và tăng cường nhân lực. Về tàu thì sẽ được trang bị dần, từng bước theo hướng ngày càng lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, hiện đại hơn có khả năng hoạt động xa bờ, dài ngày và trong điều kiện thời tiết phức tạp. Sẽ có trong trang bị cả tàu có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, có sàn đỗ cho máy bay, buồng quân y, nhiều giường bệnh cùng lúc cấp cứu được 120 người.
Dự kiến đầu năm tới, cảnh sát biển sẽ được trang bị tàu đi được 40 ngày đêm, trong điều kiện gió cấp 12, sóng cấp 9.
- Xin Cục trưởng cho biết, chương trình nghị sự của hội nghị lần này là gì?
- Hội nghị lần này thảo luận chung về bảo vệ an ninh, trật tự và duy trì môi trường hòa bình trên biển. Chúng tôi xác định, phải tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển các nước nhằm đối phó với các thách thức chung như chống ô nhiễm môi trường, ứng phó thảm họa, tìm kiếm cứu nạn trên biển, chống tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, buôn bán vận chuyển ma túy trên biển, buôn người, vận chuyển chất nổ…
- Việc phối hợp hoạt động và hợp tác quốc tế giữa cảnh sát biển Việt Nam với các nước hiện được thực hiện ra sao?
- Chúng tôi đã đề nghị chính phủ cho phép cảnh sát biển lập đường dây nóng giữa cảnh sát biển Việt Nam với Trung Quốc. Nếu chưa được toàn bộ thì trước mắt giữa các tỉnh có liên quan. Đường dây nóng nếu được thiết lập, chúng tôi sẽ có quy chế hoạt động chung. Qua đó, hai bên sẽ thông báo cho nhau nếu có vấn đề gì xảy ra trên biển. Hai bên sẽ đưa ra những quy định tốt nhất để tạo điều kiện cho ngư dân, tránh những việc giải quyết đơn phương chưa phù hợp. Trước mắt, chúng tôi sẽ đề xuất với lực lượng biên phòng của khu tự trị Choang Quảng Tây và Hải Nam của Trung Quốc. Còn các khu vực khác, chúng tôi chưa đặt vấn đề.
- Xin cảm ơn Trung tướng!
(Theo website Phùng Quang Thanh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét