Tăng cường phối hợp phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ


Trước tình hình bão số 5 (NESAT) chuẩn bị đổ bộ vào miền Bắc, lũ lụt diễn ra ở diện rộng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), để chuẩn bị tốt công tác phòng chống, giảm thiệt hại và khắc phục hậu quả do bão lũ, Tổng cục Chính trị (TCCT) đã gửi công điện khẩn tới Bộ tổng Tham mưu (BTTM), Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ Thuật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; Quân khu 1,2,3,4,9; Quân đoàn 1,2; Quân chủng Hải quân, PK-KQ; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Thủ đô Hà Nội; Cục Cảnh sát biển và Binh chủng Công binh, Thông tin, Hóa học, do Phó chủ nhiệm TCCT, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng ký.

Các đơn vị quân đội chuẩn bị sẵn sàng giúp dân chống bão

Các đơn vị quân đội chuẩn bị sẵn sàng giúp dân chống bão

Trong công điện nói trên, TCCT yêu cầu Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt công điện của: Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo PCLBTW – UBQG – TKCN, Điện số 90/TK ngày 28-9-2011 của BTTM và chính quyền các cấp trong việc phối hợp phòng chống, giảm thiệt hại về người và của, khắc phục hậu quả do cơn bão số 5, lũ ở ĐBSCL và cơn bão số 6 có thể sẽ đổ bộ vào đất liền trong những ngày tới.

Công điện cũng yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tích cực phối hợp với nhân dân tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và chuẩn bị tốt các phương án tìm kiếm-cứu hộ trước, trong và sau bão, lũ (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…); tích cực sơ tán người và của và giúp nhân dân nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống sau bão, lũ.

Ngoài ra, các đơn vị cũng tích cực thông tin, tuyên truyền, động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, dũng cảm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước và quân đội trong cơn bão số 5 và lũ ở ĐBSCL; thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về TCCT (qua Cụ Dân vận).

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đến 7 giờ sáng 30-9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định khoảng 100km về phía Đông Đông Nam. Bão số 5 với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117km/giờ), giật cấp 12, cấp 13, gây mưa dông mạnh và biển động dữ dội. Dự kiến, tới 16 cùng ngày, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực ven biển Bắc bộ từ Quảng Ninh-Thanh Hóa và sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tuấn Sơn (Theo QNDN)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Tham mưu trưởng LLVT Philippines thăm chính thức Việt Nam


Chiều 28-9, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta, đã tiếp thân mật Đại tướng Eduardo San Lorenzo Oban, Tham mưu trưởng LLVT Philippines đang có mặt tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức nước ta theo lời mời của Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đến chào xã giao.

Trước đó, Lễ đón chính thức Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Philippines được tổ chức trọng thể tại Trụ sở Bộ Quốc phòng. Sau lễ đón, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao nước ta do Trung tướng Đỗ Bá Tỵ làm trưởng đoàn đã hội kiến với Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Philippines do Đại tướng E-đu-a-đô Xan Lô-ren-dô Ô-ban làm trưởng đoàn.

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ và Đại tướng Eduardo San Lorenzo Oban duyệt Đội danh dự QĐND Việt Nam tại lễ đón

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ và Đại tướng Eduardo San Lorenzo Oban duyệt Đội danh dự QĐND Việt Nam tại lễ đón

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ hoan nghênh Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Philippines thăm chính thức Việt Nam; tin tưởng chuyến thăm của đoàn sẽ góp phần tăng cường, thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa quân đội và nhân dân hai nước. Trong không khí thân mật, cởi mở, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ bày tỏ sự cảm ơn tới nhà nước Philippines trong việc ra quyết định thả 122 ngư dân Việt Nam, cũng như việc hải quân Philippines đã thông báo, cứu giúp 12 ngư dân khác của Việt Nam bị nạn trên biển ngày 1-9-2011. Trung tướng Đỗ Bá Tỵ chia sẻ với Đại tướng E-đu-a-đô Xan Lô-ren-dô Ô-ban trước những thiệt hại, mất mát mà nhân dân Philippines phải hứng chịu do các cơn bão gây ra thời gian qua.

Thay mặt các thành viên đoàn, Đại tướng E-đu-a-đô Xan Lô-ren-dô Ô-ban  cảm ơn Trung tướng Đỗ Bá Tỵ cùng các tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao QĐND Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, hữu nghị; đồng thời đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh mà nhân dân, QĐND Việt Nam giành được trong những năm qua, tin tưởng những thành tựu đó sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tổng Tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ và Tham mưu trưởng E-đu-a-đô Xan Lô-ren-dô Ô-ban đều cho rằng, trong thập kỷ qua mặc dù quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước đã có bước phát triển tốt, nhưng quân đội hai nước vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác được đề cập trong Bản Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Philippines được ký vào tháng 10 năm 2010. Do vậy, thời gian tới quân đội hai nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trao đổi đoàn, thiết lập đường dây nóng cấp cao, chia sẻ thông tin tình báo, tuần tra chung trên biển, diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giao lưu hải quân và những vấn đề cùng quan tâm, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Philippines.

Theo TTXVN


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Việt Nam, Philippines đẩy mạnh tuần tra chung trên biển


Quân đội Việt Nam và Philippines sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tuần tra chung trên biển trong thời gian tới.

Đây là một trong những lĩnh vực mà Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, và Đại tướng Eduardo San Lorenzo Oban, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines nhất trí cho rằng quân đội hai nước Việt Nam-Philippines cần tăng cường hợp tác.

Trong buổi hội kiến chiều 28/9, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước Việt Nam và Philippines cho rằng, trong thập kỷ qua mặc dù quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước đã có bước phát triển tốt, nhưng quân đội hai nước vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác được đề cập trong Bản Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Philippines ký vào tháng 10/2010.

Tư lệnh hải quân Philippines Alexander P Pama bắt tay Tư lệnh hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến tại Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN hồi tháng 7 tại Hà Nội.

Tư lệnh hải quân Philippines Alexander P Pama bắt tay Tư lệnh hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến tại Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN hồi tháng 7 tại Hà Nội.

Do vậy, thời gian tới quân đội hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trao đổi đoàn, thiết lập đường dây nóng cấp cao, chia sẻ thông tin tình báo, diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giao lưu hải quân và những vấn đề cùng quan tâm, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Cũng trong buổi hội kiến, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ đã cảm ơn Chính phủ Philippines trong việc ra quyết định thả 122 ngư dân Việt Nam, cũng như việc hải quân Philippines đã thông báo, cứu giúp 12 ngư dân khác của Việt Nam bị nạn trên biển ngày 1/9/2011 đồng thời chia sẻ với Đại tướng Eduardo San Lorenzo Oban trước những thiệt hại, mất mát mà nhân dân Philippines phải hứng chịu do các cơn bão gây ra thời gian qua.

(Theo TTXVN)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, lòng dân mới yên


Chiều 28/9, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), đề cập tới việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cán bộ, đảng viên gương mẫu thì lòng dân sẽ yên.

Tổng Bí thư khẳng định cần gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày, cần chấm dứt những việc làm hình thức, lãng phí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe ý kiến của cử tri

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe ý kiến của cử tri

Bên cạnh đó, công tác cán bộ có vai trò hết sức quan trọng, Tổng Bí thư cho biết Ban chấp hành Trung ương sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề bàn về vấn đề này, nhằm có cơ chế hữu hiệu nhất cả về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ cho trước mắt và cho lâu dài.

Ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng cử tri sẽ đóng góp nhiều hơn nữa những ý kiến, kiến nghị xác đáng với Quốc hội; chất lượng công tác tiếp xúc cử tri sẽ tiếp tục được nâng cao hơn, đúng tầm hơn.

Tổng Bí thư chia sẻ các ý kiến của cử tri, tập trung phán ánh, kiến nghị về nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến quản lý đô thị; quản lý sử dụng đất đai; cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; công tác điều hành, ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; công tác cán bộ…

Tổng Bí thư nêu rõ, là kỳ họp cuối năm nên kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII sẽ bàn thảo, quyết định nhiều nội dung quan trọng, như tiến hành giám sát chuyên đề về quản lý các khu công nghiệp, bàn về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và giai đoạn 5 năm tới, về các quyết sách trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay, thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, xem xét các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…

Tổng Bí thư hoàn toàn nhất trí, cần cải tiến hơn nữa công tác tiếp xúc cử tri, mở rộng thành phần tham gia để cử tri đóng góp nhiều hơn nữa các ý kiến có chất lượng với Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao của Quốc hội .

Trước sự quan tâm của cử tri về tình hình giáo dục hiện nay, Tổng Bí thư khẳng định chủ trương đổi mới toàn diện, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể đối với giáo viên, đầu tư trang bị cơ sở vật chất…, bảo đảm đầu ra của giáo dục, đó là đào tạo ra những nhân tài, những người chủ tương lai của đất nước.

Cũng tại hội nghị tiếp xúc cử tri trên, cử tri quận Ba Đình đã được nghe giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII; nghe trả lời các ý kiến, kiến nghị mà cử tri nêu trong cuộc tiếp xúc cử tri lần trước; đồng thời nêu nhiều ý kiến, kiến nghị với Quốc hội.

Nguyễn Thị Sự (Theo Vietnam+)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Bộ trưởng Trần Đại Quang tiếp Giám đốc điều hành Nhà in quốc gia CHLB Đức


Chiều 27/9, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp ông Joerg Baumgartl, Giám đốc điều hành Nhà in quốc gia CHLB Đức (Bundes Druckerei) đang làm việc tại Việt Nam. Cùng dự buổi tiếp của đồng chí Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo một số Tổng cục, Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Công an Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu tại buổi tiếp

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu tại buổi tiếp

Tại buổi tiếp, ông Joerg Baumgartl đã giới thiệu sơ bộ về việc sản xuất hộ chiếu điện tử, một số thiết bị bảo mật mà Bundes Druckerei sản xuất. Ông Giám đốc điều hành Bundes Druckerei bày tỏ mong muốn cùng trao đổi kinh nghiệm, quan hệ hợp tác với phía Việt Nam trong nghiên cứu cũng như sản xuất các sản phẩm nêu trên với tinh thần hai bên cùng có lợi, thiết thực phục vụ yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Đại Quang đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – CHLB Đức trong thời gian qua, đồng chí nêu rõ đây là cơ sở thuận lợi để hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Đồng chí Bộ trưởng đánh giá cao công nghệ cũng như kinh nghiệm của Bundes Druckerei, mong muốn Bundes Druckerei trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan chức năng của Bộ Công an Việt Nam. Về những nội dung hợp tác mà phía Bundes Druckerei đề xuất, đồng chí Bộ trưởng giao cho các đơn vị chức năng phối hợp xem xét, xây dựng kế hoạch hợp tác trên cơ sở đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên, tích cực góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp…

Minh Thuý (Theo CAND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Hai tàu hải quân Hàn Quốc thăm TP Hồ Chí Minh


Sáng 27-9, hai tàu hải quân Hàn Quốc, Gang Gam Chan và Chun Ji sẽ cập cảng TP Hồ Chí Minh vào, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tại TP Hồ Chí Minh.

Đại diện Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam, Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, Cục Đối ngoại – Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh sẽ tham dự lễ đón tàu tại cảng TP Hồ Chí Minh.

Tàu Gang Gam Chan

Tàu Gang Gam Chan

Trong thời gian chuyến thăm, các sĩ quan chỉ huy và thủy thủ hai tàu sẽ đến đặt vòng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào xã giao lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Hải quân ở phía Nam và tham quan một số địa danh, thắng cảnh của Thành phố. Ngoài ra, thủy thủ hai tàu sẽ thi đấu giao hữu bóng chuyền với học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân.

Theo kế hoạch, hai tàu Gang Gam Chan và Chun Ji sẽ rời cảng TP Hồ Chí Minh, kết thúc chuyến thăm Việt Nam vào ngày 29-9.

Báo Quân đội Nhân dân Điện tử sẽ cập nhật thông tin về sự kiện này.

Minh Cường (Theo Chinhphu)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh hội đàm với Đoàn đại biểu Quân sự Hà Lan


Nhận lời mời của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Vương quốc Hà Lan do ngài Hans Hillen, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn sang thăm chính thức Việt Nam, đã đến Hà Nội sáng 25/9.

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Sáng 26/9, sau lễ đón, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh làm trưởng đoàn đã hội đàm với Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Vương quốc Hà Lan do ngài Hans Hillen làm trưởng đoàn.

Đại tướng Phùng Quang Thanh hoan nghênh Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Vương quốc Hà Lan lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam; tin tưởng chuyến thăm của đoàn sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Ngài Hans Hillen chúc mừng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 4 (ADMM-4); cảm ơn Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng các tướng lĩnh, sỹ quan cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, hữu nghị.

Tại buổi tiếp, hai bên thống nhất trong thời gian tới tăng cường trao đổi đoàn các cấp; trao đổi kinh nghiệm đối phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai; kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và thiết lập quan hệ giữa doanh nghiệp quân đội hai nước, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Hà Lan.

Sau buổi hội đàm, hai bên đã ký kết bản Ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam-Hà Lan.

Khổng Minh Khánh (Theo Vietnam+)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

General Phung Quang Thanh concluded Commanders and Political Commissars Competition


The five-day Commanders and Political Commissars Competition concluded on September 23rd at the Mieu Mon Training Centre in the presence of General Phung Quang Thanh, Politburo Member, Deputy-Secretary of the Military Central Commission and Defence Minister.

Defence Minister Phung Quang Thanh

Defence Minister Phung Quang Thanh

During the competition, competitors well performed their talents in consultancy and dealing with any situations.

At the closing ceremony, General Thanh stressed that the competition was a good forum for officers to exchange and learn experiences on managing, directing and monitoring units to implement assigned tasks in the coming period.

General Thanh also asked 126 participating Commanders and Political Commissars of Military Headquarters of central cities and provinces to bring good results and knowledge gained in the competition into full play, contributing to the building of a stronger army.

At the competition, Military Zone 4 ranked the first, followed by Military Zone 3, 1 and 2.

In the category of talented pairing of Commander and Political Commissar, the first prize went to Military Headquarters in Ha Tinh Province. The second and third prizes went to Military Headquarters in Hai Duong and Lai Chau Provinces, respectively.

Best individuals were also presented awards to honour their talent.

Source QDND


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh dự bế mạc, động viên, chỉ đạo cán bộ dự thi


Sáng 23-9, tại Trung tâm huấn luyện Miếu Môn (Cục Quân huấn, Bộ tổng tham mưu), Bộ Quốc phòng đã tổ chức bế mạc Hội thi Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu chỉ đạo tại buổi bế mạc Hội thi

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu chỉ đạo tại buổi bế mạc Hội thi

Hội thi Chỉ huy trưởng, Chính uỷ  Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra từ ngày 19 đến 23-9. Chuẩn bị cho Hội thi, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức đã quán triệt nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức Hội thi; chuẩn bị nội dung thi cả phần lý luận và phần thực hành chặt chẽ, sát với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ dự thi; đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 141 giám khảo; các Quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều tổ chức tập huấn nghiêm túc cho các cán bộ dự thi; công tác bảo đảm các mặt cho Hội thi đều được tiến hành chặt chẽ, chu đáo.

Trong quá trình thực hành thi, nhiều cán bộ dự thi đã nắm chắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp quy của Nhà nước, Chính phủ về quốc phòng-an ninh; công tác làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về xây dựng và bảo vệ khu vực phòng thủ, nhất là việc vận hành cơ chế để xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Nhiều cán bộ đã vận dụng, liên hệ sát với thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang của địa phương. Trong xây dựng quyết tâm tác chiến khu vực phòng thủ, các cán bộ đã nắm chắc nội dung, thứ tự công tác chỉ huy tham mưu phòng thủ khu vực tỉnh, thành phố; vận dụng tốt nguyên tắc lý luận nghệ thuật quân sự, điều lệ công tác tham mưu tác chiến QĐND Việt Nam để xây dựng quyết tâm phù hợp với đầu bài. Các đồng chí Chính uỷ dự thi soạn thảo dự thảo nghị quyết, chỉ thị công tác Đảng, công tác chính trị đã bám sát quyết tâm của người chỉ huy, sát với tình hình nhiệm vụ, ý định của trên. Trong phần báo cáo quyết tâm tác chiến khu vực phòng thủ, dự thảo nghị quyết và chỉ thị công tác Đảng, công tác chính trị, các cán bộ dự thi đã báo cáo đúng trình tự, đảm bảo thời gian quy định. Nhiều đồng chí đã nắm chắc lý luận, phân tích làm rõ quyết tâm sử dụng lực lượng. Trong phần này, có những đồng chí có phương án có tư duy độc lập, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn.

Từ những kết quả của Hội thi, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, việc tổ chức Hội thi đã thể hiện chủ trương đúng của Bộ Quốc phòng, trong việc rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, ngoài việc trang bị kiến thức toàn diện cho các cán bộ dự thi, Hội thi còn là nơi để các cán bộ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tạo nên động lực thi đua giữa các tập thể, cá nhân trong thực hiện các nội dung của Hội thi cũng như trong tổ chức quản lý, chỉ huy, điều hành đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao thưởng cho các tập thể đạt thành tích cao

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao thưởng cho các tập thể đạt thành tích cao

Tiếp đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh thông báo với các cán bộ dự thi kết quả thực hiện nhiệm vụ của quân đội trong thời gian qua. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Công tác huấn luyện của các đơn vị trong toàn quân vẫn tiếp tục được duy trì có nền nếp, chất lượng, qua đó không ngừng nâng cao khả năng SSCĐ; quân đội đã phối hợp có hiệu quả với các lực lượng khác, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn và kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; tiềm lực quốc phòng ngày càng được củng cố vững chắc, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; công tác đối ngoại quốc phòng được triển khai có hiệu quả; Đảng bộ quân đội tiếp tục được xây dựng đoàn kết, thống nhất…

Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu, phát huy kết quả đã đạt được tại Hội thi, Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố cần vận dụng những kiến thức đã được trang bị từ Hội thi vào thực tiễn hoạt động tại đơn vị, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh.

Kết thúc Hội thi, Quân khu 4 đạt giải nhất toàn đoàn, Quân khu 3 đạt giải nhì toàn đoàn và Quân khu 1, Quân khu 2 cùng đạt giải 3 toàn đoàn. Đối với giải cặp Chỉ huy trưởng, Chỉnh uỷ giỏi toàn năng: Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh giành giải nhất, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương giành giải nhì và Bộ CHQS tỉnh Lai Châu giành giải ba. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải cá nhân giỏi toàn năng, giỏi các môn thi cho nhiều cá nhân khác.

Phạm Hoàng Hà (Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Bắc Ninh tổ chức Lễ tiếp nhận 21 tảng đá chủ quyền Trường Sa


Tối 20/9, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã long trọng tổ chức Lễ tiếp nhận 21 tảng đá chủ quyền Trường Sa, do Bộ Tư lệnh Hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng.

Tại buổi lễ, các đại biểu được xem phóng sự về đời sống của người chiến sĩ trên đảo Trường Sa, đan xen các chương trình văn nghệ đặc sắc với làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đoàn Nghệ thuật Hải quân… biểu diễn.

Đá san hô Trường Sa

Đá san hô Trường Sa

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân đã trao tặng 21 tảng đá san hô – đá chủ quyền Trường Sa cho Ban Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Để bày tỏ tình cảm của nhân dân tỉnh Bắc Ninh hướng về Trường Sa thân yêu, tỉnh Bắc Ninh đã trao tặng 500 triệu đồng cho nhân dân huyện đảo và trao tặng một chiếc xuồng trị giá 3,5 tỷ đồng cho Bộ Tư lệnh Hải quân.

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận đá chủ quyền, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy bày tỏ: Với sự hiện diện của đá chủ quyền Trường Sa tại Bắc Ninh, người Bắc Ninh có thêm niềm tự hào mới. Mặc dù là địa phương không nằm giáp biển nhưng vẫn được chiêm ngưỡng, gần gũi, gìn giữ đá chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với tình cảm biển là nhà – đảo là quê hương, làm cho Trường Sa không xa, càng gần với Bắc Ninh hơn.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Ninh nhận thức sâu sắc hơn về chiến lược biển Việt Nam; biển, đảo là phiên dậu của quốc gia, cùng chung tay góp sức, cả nước vì biển, đảo của Tổ quốc. Nhân dân tỉnh Bắc Ninh gửi tới chiến sỹ và nhân dân đảo Trường Sa tình cảm thân thiết nhất.

Nhân dịp này, tỉnh Bắc Ninh trao tặng phần quà cho 11 gia đình có con em là người Bắc Ninh đang công tác tại Quần đảo Trường Sa. Những tảng đá chủ quyền Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng sẽ được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh để phục vụ nhân dân đến tham quan, nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Thái Hùng (Theo TTXVN)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng tiếp tục làm việc tại các đơn vị phía Nam


Ngày 22-9, Trung tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Nguyễn Huệ, Trung đoàn 935 (Sư đoàn Không quân 370), Nhà máy A42 ( Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội-Chi nhánh tỉnh Đồng Nai.

Trung tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên học viên Trường Đại học Nguyễn Huệ

Trung tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên học viên Trường Đại học Nguyễn Huệ

Những năm qua, Trường Đại học Nguyễn Huệ đã thực hiện tốt công tác giáo dục-đào tạo và hậu cần, tài chính; đến nay trường đã đào tạo 62 khóa học với hơn 50.000 học viên; đào tạo học viên sĩ quan Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia.

Trung tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên phi công Trung đoàn 935 đang thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ

Trung tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên phi công Trung đoàn 935 đang thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ

Kiểm tra công tác huấn luyện, SSCĐ, trực chiến của Trung đoàn 935 và khu kỹ thuật sửa chữa máy bay của Nhà máy A42, Trung tướng Lê Hữu Đức đánh giá cao tinh thần cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ  của cán bộ, chiến sĩ. Trung đoàn 935 đã thực hiện gần 1.200 giờ bay, đạt hơn 83% kế hoạch năm.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo chi nhánh chú trọng đến công tác tuyển chọn, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ công nhân viên và mở rộng thị trường kinh doanh.

Cường Minh (Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh gửi tham luận đến Hội thảo “Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển”


Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011), ngày 22/9, tại Hải Phòng, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu tham luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi tới Hội thảo.

 Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới thăm và kiểm tra đường tuần tra biên giới tại Sơn La năm 2008.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới thăm và kiểm tra đường tuần tra biên giới tại Sơn La năm 2008.

Cách đây tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của lực lượng vận tải quân sự chiến lược trên biển. Từ đây mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; con đường thể hiện của ý chí, khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc ta. Tuyến đường với những con tàu không số đã gắn liền với tên tuổi, địa danh và biết bao chiến công hiển hách của các anh hùng, liệt sĩ, của quân và dân các địa phương, đặc biệt là Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. 50 năm đã qua, nhưng Đường Hồ Chí Minh trên biển đã và sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với Bộ đội Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải, nơi tuyến đường đi qua.

Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi bày tỏ sự tri ân và tôn vinh đối với những đóng góp và hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

    Một con tàu không số của Đoàn 125 hành trình trên biển vào miền Nam.

Một con tàu không số của Đoàn 125 hành trình trên biển vào miền Nam.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trang vàng chói lọi, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, của lòng dũng cảm, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam. Chiến thắng đó còn đi vào lịch sử thế giới như một trong những chiến công vĩ đại nhất của thế kỷ XX – một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Có được thành quả cách mạng vĩ đại ấy, dân tộc ta phải trải qua những chặng đường đấu tranh đầy gian nan, thử thách; đã kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, giá trị văn hóa và nền nghệ thuật quân sự đặc sắc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi mà dân tộc ta giành được là sự hội tụ, kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó Đường Hồ Chí Minh trên bộ xuyên dãy Trường Sơn và Đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò quan trọng. Đây thực sự là một sáng tạo độc đáo về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương trong cuộc đấu trí, đấu lực với các âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức mạnh của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Dựa vào viện trợ và điều hành của Mỹ, chính quyền Diệm đã ra sức chống phá Hiệp định Giơ-ne-vơ, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Nam – Bắc; tiến hành chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát hàng vạn đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam.

Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 15 (khóa 2), xác định con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 đã mở ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, tạo nên bước nhảy vọt, mà đỉnh cao là Phong trào Đồng khởi (1959-1960).

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 15, các cấp ủy Đảng ở miền Nam đã nhanh chóng lãnh đạo, chuyển phương châm đấu tranh, phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đưa phong trào cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, giành quyền làm chủ ở vùng nông thôn và ven đô thị. Cùng với quá trình đấu tranh cách mạng, LLVT cách mạng miền Nam không ngừng lớn mạnh, từ những đội vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền đã phát triển thành các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực; bắt đầu hình thành ba thứ quân bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Hệ thống chỉ huy quân sự cũng được hình thành đến cấp huyện, xã.

Nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam trực tiếp chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau đổi tên là Đoàn 559), có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tiếp đó, tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Để giữ bí mật, tiểu đoàn hoạt động dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.

Do vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với các loại vũ khí, thiết bị tối tân hiện đại nhất của nền khoa học – công nghệ quân sự Mỹ để đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường tiếp viện của ta trên biển. Những con đường, các bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch. Trên con đường vận chuyển ấy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt” đã xác định quyết tâm, âm thầm hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, biết rằng ra đi là cảm tử, vẫn chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, sóng gió. Và vượt lên tất cả là chiến thắng chính bản thân mình, đòi hỏi cao ý chí kiên định, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh.

Những ngày đầu hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, chúng ta lại chưa có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về tình hình cụ thể tại các tỉnh duyên hải phía Nam, nên chuyến vượt biển đầu tiên bằng thuyền buồm của Tiểu đoàn 603 không thành công. Thuyền gặp gió mùa, sóng lớn, bị trôi dạt và không về được tới đích; cả 6 thuyền viên đều bị địch bắt. Tiểu đoàn 603 phải tạm ngừng hoạt động trên biển để tìm giải pháp và phương thức vận chuyển phù hợp. Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759. Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam trên biển là sự kiện hết sức có ý nghĩa. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2) đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các LLVT trên chiến trường miền Nam.

Sau thất bại trong “Cuộc chiến tranh một phía” (1954-1960), đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), ráo riết thực hiện các cuộc hành quân tìm diệt, tiến hành bình định để nắm đất, nắm dân theo kiểu “tát nước bắt cá”, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng biệt kích và phong tỏa biên giới, vùng biển để ngăn chặn chi viện của miền Bắc. Nhằm đáp ứng nhu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam ngày một lớn, trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt vận chuyển vũ khí vào Nam. Đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Cà Mau. Ngày 19-10, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, toàn bộ vũ khí được cơ sở tiếp nhận đúng kế hoạch. Sau chuyến đi thành công đó, Đoàn 759 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện động viên, biểu dương cán bộ, chiến sĩ và căn dặn cần rút kinh nghiệm chuyến đi, tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam-Bắc sớm sum họp một nhà.

Với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã mở ra một hướng chi viện mới, hết sức quan trọng, đưa hàng chi viện của miền Bắc đến với các chiến trường xa mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa có điều kiện vươn tới được. Tháng 8-1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và quân chủng trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân. Trong hơn 3 năm hoạt động (1962-1965), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ 89 chuyến tàu, với gần 5000 tấn vật chất, chủ yếu là vũ khí, đạn dược.

Tuy nhiên, từ sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2-1965), địch tăng cường hoạt động tuần tiễu ngăn chặn, chống xâm nhập. Đoàn 125 phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu đi theo đường hàng hải quốc tế và bí mật bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Đến tháng 2-1968, do sự ngăn chặn, chống xâm nhập của địch ngày càng gay gắt, Đường Hồ Chí Minh trên biển phải tạm dừng hoạt động. Trong 4 năm (1965-1968), Đoàn 125 đã tổ chức 27 chuyến tàu, trong đó chỉ có 7 chuyến tàu tới đích, giao được hơn 400 tấn hàng quân sự cho các chiến trường.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển được một khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến, sau đó Đoàn 559 vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vũ khí, đạn dược ngày càng tăng cho chiến trường miền Nam, ta còn tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia). Bằng cách này, Đoàn 125 đã đưa vào chiến trường miền Nam hơn 90.000 tấn hàng hóa, trong đó có hơn 20.000 tấn vũ khí, đạn dược. Từ cuối năm 1970, sau khi tuyến đường vận chuyển qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia) bị cắt đứt, theo sự chỉ đạo của Đảng ủy-Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 đã chủ động tìm đường vận chuyển mới bằng cách men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển Đông Bắc Ma-lai-xi-a, qua Vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Nam Du để đưa tàu cập các bến bãi miền Tây Nam Bộ. Tuy phải đi vòng rất xa và phải dự trữ đủ lượng xăng dầu, lương thực cần thiết cho một chuyến đi dài ngày; phải đối mặt với bao thách thức, cam go, nhưng Đoàn 125 đã giao được hơn 300 tấn vũ khí, đạn dược cho Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Đây là một cố gắng lớn của Đoàn 125 trong điều kiện địch tăng cường bao vây, ngăn chặn và đánh phá ác liệt.

Hiệp định Pa-ri được ký kết (năm 1973), thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đoàn 125 tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, các đội tàu của Đoàn 125 lại tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam, đặc biệt đã kịp thời chi viện cho các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho các chiến trường miền Nam. Mặc dù số lượng vũ khí và hàng hóa Đoàn 125 vận chuyển bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển còn khiêm tốn so với lượng hàng hóa, vũ khí vận chuyển qua Đường Hồ Chí Minh trên bộ, nhưng có ý nghĩa rất lớn. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành mũi thọc sâu, vu hồi lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ chưa thể vươn tới được. Vận tải biển rất gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương sứ mệnh rất quan trọng, đó là đưa đón hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Đoàn 125 còn vận chuyển nhiều loại vũ khí, trang bị đặc biệt, có tầm quan trọng sống còn đối với cuộc kháng chiến của quân và dân ta.

Những chiến công của các lực lượng tuyến chi viện chiến lược trên biển là minh chứng cụ thể của sự chỉ đạo sát sao và tài thao lược của Đảng. Để từng bước hình thành, phát triển tuyến đường chiến lược trên biển, chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho các chiến trường đánh thắng quân xâm lược, Đảng ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn. Nhân dân các địa phương luôn sẵn sàng đóng góp của cải và công sức cho tuyến vận tải chiến lược trên biển được thông suốt. Các nước anh em, bè bạn trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vật chất và ủng hộ tinh thần hết sức lớn lao và hiệu quả.

Sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những chiến công của lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng minh về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa thuận lợi, vừa có những thách thức mới. Xu thế toàn cầu hóa đang tác động sâu sắc, toàn diện trên bình diện quốc tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khách quan trước mỗi quốc gia. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động, nhưng còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng phức tạp. Nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam là tiếp tục làm nòng cốt cùng với toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển kinh tế, xã hội và quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và trên thế giới, xứng đáng là lực lượng nòng cốt làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển trước đây cũng như hiện nay.

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

PV

(Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)