Nhờ hệ thống vệ tinh, Bộ Quốc phòng có thể quan sát được tình hình Trường Sa ngay từ Hà Nội.
“Các đồng chí phải làm thế nào để hằng ngày tôi có thể nhìn thấy, nói chuyện trực tiếp với từng đồng chí đảo trưởng và chỉ huy nhà giàn DK” - Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thôi thúc các cán bộ, kỹ sư thuộc Trung tâm Kỹ thuật thông tin Công nghệ cao (Binh chủng Thông tin liên lạc) vượt mọi sóng gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lắp đặt 39 trạm VSAT thành phần Bộ Quốc phòng tại 15 nhà giàn và 24 đảo, điểm đảo thuộc sự quản lý của Quân chủng Hải quân.
Suốt mấy tháng nay, phòng làm việc của Đại tá Nguyễn Duy Hiền, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao đóng cửa im ỉm. Đại tá Phạm Văn Thẩm, Chính trị viên Trung tâm tiết lộ, anh Hiền cùng 3 kỹ sư của Trung tâm đang “ăn sóng, nằm gió” trên các nhà giàn DK, đảo chìm, đảo nổi của Quần đảo Trường Sa để lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật sử dụng các trạm VSAT thành phần Bộ Quốc phòng cho các đơn vị.
Trung úy, kỹ sư Vũ Văn Dũng, người vừa có gần 2 tháng công tác trên các đảo, điểm đảo Trường Sa tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ tổ chức lắp đặt 39 trạm VSAT tại 15 nhà giàn và 24 đảo, điểm đảo thuộc Quân chủng Hải quân, chúng tôi hiểu đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không những góp phần vào quá trình thực hiện xây dựng hệ thống thông tin quân sự hiện đại mà còn là tấm lòng của những người lính thông tin hướng về Trường Sa thân yêu”.
“Lắp đặt các trạm VSAT trên Biển Đông có gì khó?”. Đại tá Đặng Đức Đông, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Khó khăn đầu tiên đến ngay trong quá trình làm công tác chuẩn bị, với quỹ thời gian ngắn, yêu cầu kỹ thuật cao, địa bàn hoạt động rộng, lại phải phối hợp với nhiều lực lượng trong Binh chủng và Quân chủng Hải quân.
Chúng tôi đã gặp không ít trở lực, có lúc tưởng chừng không thể thực hiện được. Có những khâu như dự toán thiết kế, trong điều kiện không được tiếp cận với thực địa, mà mọi tính toán đều thông qua các bản vẽ thiết kế của các nhà giàn DK và thông tin mà các đồng chí cán bộ nhà giàn gọi điện về thông báo. Yêu cầu thiết kế là không được ảnh hưởng đến kết cấu chung của các nhà giàn và chịu được sự tác động của điều kiện thời tiết khí hậu biển, đảo”.
Gọi điện cho chúng tôi khi đang ở trên một nhà giàn, Đại tá Nguyễn Duy Hiền báo tin: “Chúng tôi đã chuẩn bị hết sức chu đáo và tỉ mỉ, từ những con ốc vít, bộ đồ cơ công, đến những điều kiện bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội hoạt động dài ngày trên biển, đảo. Thế nhưng, ra đây mới thấy cái khó nhất là vận chuyển thiết bị từ tàu lên nhà giàn. Nhiều lần đến sát nhà giàn nhưng sóng to, gió lớn, không thể đưa thiết bị lên được. Có lúc, chuyển được một cái máy nổ từ tàu lên nhà giàn, chúng tôi cảm động đến phát khóc”.
Đến Trung tâm vào những ngày này, ai cũng cảm nhận được bầu không khí khẩn trương, mỗi người làm việc bằng hai, không kể ngày đêm. Cả Trung tâm như công xưởng lớn, với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”. Đại tá Phạm Văn Thẩm cho biết: “Chỉ trong thời gian một tuần, với khối lượng công việc lớn, cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã làm nên một kỷ lục mới trong công tác chuẩn bị là tiếp nhận, tiến hành đồng bộ, khai báo luồng, tổ chức đóng gói, vận chuyển hàng trăm tấn trang thiết bị thông tin, trên quãng đường hàng nghìn ki-lô-mét đến khu vực tập kết phục vụ cho lắp đặt 39 trạm VSAT thành phần Bộ Quốc phòng tại các nhà giàn và đảo, điểm đảo bảo đảm an toàn tuyệt đối”.
Cùng với công tác chuẩn bị, Đảng ủy, Ban giám đốc Trung tâm đã lựa chọn những đồng chí cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn, sức khỏe tốt và có ý thức trách nhiệm cao để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, trực tiếp chỉ huy, lắp đặt.
Đại tá Nguyễn Duy Hiền, Phó giám đốc Trung tâm cùng 3 kỹ sư: Thượng úy Phạm Văn Ba, Thiếu úy Trương Khánh Tùng và Thiếu tá Nguyễn Trung Tuấn là những người trực tiếp làm nhiệm vụ tại các nhà giàn. Mỗi người đều có hoàn cảnh khó khăn riêng.
Người thì đang phải đi thuê nhà, người thì vợ con ở xa, nhưng điểm chung là tất cả đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thiếu úy Trương Khánh Tùng bày tỏ: “Tôi nghĩ mình còn thanh niên độc thân, ra Trường Sa không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm mơ ước. Nhưng như anh Phạm Văn Ba, quê ở tận Quảng Ngãi, vợ thì ở mãi Sơn Tây. Chưa kể là ra Trường Sa mà ngay trong công tác bình thường, anh ấy đã thường xuyên đi công tác nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa. Vậy mà anh ấy vẫn hăng hái, nói mọi khó khăn đều có thể khắc phục được, còn vinh dự nào lớn hơn việc đưa Trường Sa và các nhà giàn DK “về gần” hơn với thủ đô Hà Nội”.
Khi chúng tôi nhấc điện thoại gọi cho Phạm Văn Ba thì anh vừa hoàn thành một cuộc “thám hiểm” chính khả năng trèo bám của mình bằng dây thừng từ tàu lên nhà giàn. Các nhà giàn trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc giờ đây đã rất gần đất liền.
Để minh chứng, Phạm Văn Ba bảo chúng tôi mở sẵn email rồi anh gửi cho chúng tôi xem tấm hình chụp các anh vừa di chuyển mà nếu nhìn, hẳn ai cũng nghĩ đây là hình ảnh của các diễn viên xiếc.
Đáp lại nỗi lo âu của chúng tôi là nụ cười chiến thắng của các anh từ phía nhà giàn: “Chúng tôi đang lắp những trạm VSAT cuối cùng. Mọi việc đều rất tốt đẹp. Bộ đội trên các nhà giàn rất thông minh, tiếp nhận chuyển giao công nghệ rất nhanh, sử dụng máy móc rất thành thạo. Tin tưởng rằng, với sự góp mặt của 39 trạm VSAT thành phần Bộ Quốc phòng trên Biển Đông, những cánh sóng thông tin sẽ mãi mãi bay cao, bay xa và những người lính Trường Sa từ nay sẽ rất gần gũi với đất liền, hợp thành nguồn sức mạnh cùng với toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc”.
Hồng Hải – Văn Thẩm
(Theo website Phùng Quang Thanh)