Hiển thị các bài đăng có nhãn Quân - Dân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quân - Dân. Hiển thị tất cả bài đăng

Khẩn trương cứu hộ nạn nhân vụ nổ bình gas ở Hà Nội


Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực khoan cắt bê tông, tiếp tục đào bới tìm kiếm để đưa cháu bé bị mắc kẹt trong vụ nổ bình gas tại Hà Nội ra ngoài.

Vụ nổ bình gas lúc 6 giờ 10 phút ngày 3/11 tại số nhà 27 ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội đã làm sập căn nhà 2 tầng cùng 1 tum, 4 người bị thương và vùi trong đống đổ nát.

NNK 6438 Khẩn trương cứu hộ nạn nhân vụ nổ bình gas ở Hà Nội

Xác bé gái được đưa ra ngoài

Nạn nhân được xác định là vợ chồng anh Trần Nhật Minh (SN 1968), chị Nguyễn Thu Ngân (SN 1974) và hai con (một cháu học lớp 1 và một cháu học lớp 10, chưa rõ danh tính).

Đến 10 giờ cùng ngày, đội cứu hộ đã cứu được 2 vợ chồng ra khỏi ngôi nhà sập và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Xanh pôn. Theo VNA, bác sĩ cho hay cả hai vợ chồng đều đã qua cơn nguy kịch và đang được chăm sóc tích cực.

Đến 10 giờ 40 phút, lực lượng cứu hộ đã giải cứu được một cháu bé và đưa ra ngoài, chuyển lên xe cứu thương vào viện. Hiện, lực lượng cứu hộ đang nỗ lực khoan cắt bê tông, tiếp tục đào bới tìm kiếm cháu còn lại.

sap nha Khẩn trương cứu hộ nạn nhân vụ nổ bình gas ở Hà Nội

Khoảng 20 người tham gia cứu hộ.

Các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Thanh Hằng (Theo Chinhphu)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chính quyền nỗ lực hơn giúp bà con thoát nghèo


Nhân dịp triển khai tháng cao điểm vì người nghèo, ngày 16/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và kiểm tra công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội tại xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm xã Xuân Đài (Phú Thọ)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm xã Xuân Đài (Phú Thọ)

Xuân Đài là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn với hơn 5.700 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Mường, Kinh, Dao sinh sống. Hiện xã còn 4/14 khu chưa có điện lưới.

Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, xã đã gây dựng được quỹ “vì người nghèo” với mức đóng góp 4-5 triệu đồng/năm, xây dựng được 201 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ cho vay 8,6 tỷ đồng từ nguồn vốn chính sách xã hội.

Tuy nhiên tình trạng tái nghèo tại các cụm thôn bản vùng sâu vẫn còn phổ biến. Là một trong 4 xã triển khai chương trình nông thôn mới của huyện, Xuân Đài mới đạt 4/15 tiêu chí, trong đó các tiêu chí diện tích xây dựng khuôn viên nhà văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động chưa đạt.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm hỏi bà con về tình hình sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, vai trò của các đoàn thể phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân trong giúp nhau phát triển kinh tế.

Chủ tịch nước biểu dương Đảng bộ, chính quyền xã đã thống nhất cao trong nhận thức về cuộc vận động “Vì người nghèo,” từ đó lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 50% giai đoạn 2000-2005 xuống còn 20% hiện nay.

Những nỗ lực đó đã làm chuyển biến đời sống kinh tế xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ở nơi bà con dân tộc chung sống.

Chủ tịch nước căn dặn Xuân Đài là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn, Đảng bộ, chính quyền xã cần quan tâm sâu sát để có hình thức trợ giúp bà con hiệu quả.

Những tấm gương điển hình cùng những kinh nghiệm hay cần được phổ biến, tuyên truyền vận động để nhân rộng; những hộ nghèo thiếu vốn làm ăn cần được tiếp cận nguồn kinh phí; những hộ chưa có kinh nghiệm sản xuất cần được hướng dẫn, cung cấp thông tin.

Ngoài ra, liên kết giữa nhà nông với nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong việc chung tay hưởng ứng cuộc vận động “Vì người nghèo” cần được thúc đẩy chặt chẽ hơn.

Chủ tịch nước lưu ý trong mười năm tới, tốc độ công nghiệp hóa, mức sống và hạ tầng ở các đô thị sẽ tăng nhanh, cần có những giải pháp hiệu quả trợ giúp người dân vùng nông thôn, góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo…

Chủ tịch nước tin tưởng được sự giúp đỡ của chính quyền và các cấp hội, với tinh thần hăng hái tăng gia sản xuất, năng động sáng tạo, cuộc sống của bà con xã Xuân Đài sẽ ngày càng ấm no, tình hình kinh tế xã hội miền núi Tân Sơn, Phú Thọ sẽ ngày càng khởi sắc.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Gấm và một số gia đình thuộc đối tượng chính sách, làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã./.

Hoàng Giang (Theo Vietnam+)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, lòng dân mới yên


Chiều 28/9, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), đề cập tới việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cán bộ, đảng viên gương mẫu thì lòng dân sẽ yên.

Tổng Bí thư khẳng định cần gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày, cần chấm dứt những việc làm hình thức, lãng phí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe ý kiến của cử tri

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe ý kiến của cử tri

Bên cạnh đó, công tác cán bộ có vai trò hết sức quan trọng, Tổng Bí thư cho biết Ban chấp hành Trung ương sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề bàn về vấn đề này, nhằm có cơ chế hữu hiệu nhất cả về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ cho trước mắt và cho lâu dài.

Ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng cử tri sẽ đóng góp nhiều hơn nữa những ý kiến, kiến nghị xác đáng với Quốc hội; chất lượng công tác tiếp xúc cử tri sẽ tiếp tục được nâng cao hơn, đúng tầm hơn.

Tổng Bí thư chia sẻ các ý kiến của cử tri, tập trung phán ánh, kiến nghị về nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến quản lý đô thị; quản lý sử dụng đất đai; cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; công tác điều hành, ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; công tác cán bộ…

Tổng Bí thư nêu rõ, là kỳ họp cuối năm nên kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII sẽ bàn thảo, quyết định nhiều nội dung quan trọng, như tiến hành giám sát chuyên đề về quản lý các khu công nghiệp, bàn về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và giai đoạn 5 năm tới, về các quyết sách trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay, thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, xem xét các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…

Tổng Bí thư hoàn toàn nhất trí, cần cải tiến hơn nữa công tác tiếp xúc cử tri, mở rộng thành phần tham gia để cử tri đóng góp nhiều hơn nữa các ý kiến có chất lượng với Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao của Quốc hội .

Trước sự quan tâm của cử tri về tình hình giáo dục hiện nay, Tổng Bí thư khẳng định chủ trương đổi mới toàn diện, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể đối với giáo viên, đầu tư trang bị cơ sở vật chất…, bảo đảm đầu ra của giáo dục, đó là đào tạo ra những nhân tài, những người chủ tương lai của đất nước.

Cũng tại hội nghị tiếp xúc cử tri trên, cử tri quận Ba Đình đã được nghe giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII; nghe trả lời các ý kiến, kiến nghị mà cử tri nêu trong cuộc tiếp xúc cử tri lần trước; đồng thời nêu nhiều ý kiến, kiến nghị với Quốc hội.

Nguyễn Thị Sự (Theo Vietnam+)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn hy sinh dũng cảm khi xử lý đạn


Sáng thứ hai (19-9), sau lễ chào cờ đầu tuần, Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn cùng tổ kỹ thuật tháo gỡ và xử lý đạn (Trạm Bảo dưỡng sửa chữa vũ khí đạn Kho K55 – Cục Kỹ thuật, Quân khu 5) bắt tay vào tiếp tục công việc dang dở: Tháo gỡ và xử lý đạn M72 do quân đội Mỹ để lại từ thời chiến tranh, phục vụ công tác nghiên cứu, chế tạo của ngành công nghiệp quốc phòng. Được các kỹ sư của Học viện Kỹ thuật Quân sự và cán bộ Phòng Quân khí Quân khu 5 hướng dẫn quy trình kỹ thuật, xác định đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, có thể phải hy sinh cả tính mạng, song Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn và đồng đội vẫn vui vẻ nhận và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và coi trọng các biện pháp bảo đảm an toàn, trong hai ngày 15 và 16-9, các anh đã xử lý 200 quả đạn. Sáng 19-9, sau khi xử lý thành công 20 quả M72 thì bất ngờ một quả đạn phát nổ.

Là người trực tiếp đảm nhận khâu mở ngòi nổ, Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn đã hy sinh dũng cảm, một số quân nhân khác bị thương.

Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn

Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn

Nguyễn Văn Trấn sinh ngày 14-1-1974 tại xã Tam Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tháng 4-1992, anh được tuyển dụng công nhân viên quốc phòng và tham gia lớp đào tạo nhân viên bảo quản vũ khí tại Trường Sơ cấp Kỹ thuật Quân khu 5. Từ tháng 8-1992 đến nay, công tác tại Kho K55, anh luôn tích cực, năng nổ, tận tụy trong công việc, sống chan hòa, đoàn kết với mọi người, được cấp trên tin tưởng, đồng đội quý trọng. Sự ra đi của anh để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình và đơn vị. Trung tá Mai Thanh Loan, Trạm trưởng Trạm Bảo dưỡng sửa chữa vũ khí đạn Kho K55 đau đớn nói: “Trấn mất đi là một mất mát to lớn của đơn vị. Làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, lại có nhiều kinh nghiệm, từng đoạt giải cao tại hội thi bảo quản viên giỏi nên giao cho Trấn đảm nhận bất cứ việc gì, chỉ huy đơn vị cũng rất yên tâm. Nguyễn Văn Trấn còn là một tấm gương về tinh thần trách nhiệm. Ngay cả lúc vợ đau ốm, hai con còn nhỏ, dù phải đi công tác xa, nhưng chưa bao giờ Trấn thoái thác nhiệm vụ”.

Hai ngày nay, chị Hồ Thị Thoa (Thượng úy QNCN, nhân viên nuôi quân Kho K55) đã khóc đến cạn nước mắt. Anh chị quen nhau và bén duyên cũng tại vùng kho này. Chị bảo, tính anh lành lắm, lại rất mực chu toàn. Thương vợ sức khỏe yếu, công việc chuyên môn bận rộn, nên hết giờ làm việc anh đi đón hai con (cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ vào lớp 1) rồi cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… Gia đình nội ngoại đều ở xa, đồng lương công chức hạn hẹp, cuộc sống kinh tế còn chật vật, song chưa bao giờ anh kêu ca phàn nàn. Sáng 19-9, trước khi đi làm, anh dặn: “Trưa nay anh không về, em nhớ lo cơm nước cho các con”. Nào ngờ đó cũng là lời từ biệt cuối cùng…

Chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của gia đình, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi vòng hoa viếng và hỗ trợ 50 triệu đồng; Bộ tư lệnh Quân khu 5 bước đầu hỗ trợ 10 triệu đồng (ngoài ra còn ủng hộ 18 triệu đồng cho các đồng chí bị thương), đồng thời yêu cầu các đơn vị trong LLVT Quân khu phát động đợt thi đua sâu rộng học tập tấm gương hy sinh dũng cảm của Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn, đoàn kết nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đỗ Thị Ngọc Diệp

(Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh Mai Xuân Châu


Ngày 12-9, Học viện Lục quân phối hợp với cấp ủy, chính quyền thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức lễ trao tặng nhà tình nghĩa trị giá hơn 70 triệu đồng cho gia đình thương binh Mai Xuân Châu ở phường 8, TP Đà Lạt. Thương binh Mai Xuân Châu nhập ngũ năm 1969, đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, Cam-pu-chia và biên giới phía Bắc. Ông đã mất năm 2009 do bệnh nặng. Vợ ông là bà Trần Thị Quý phải hiến thận để cứu con gái nên sức khỏe yếu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà ở tạm bợ, hư hỏng không có khả năng làm mới.

Thiếu tướng Trần Văn Bộ, Phó chính ủy Học viện Lục quân trao quyết định tặng nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Quý.

Thiếu tướng Trần Văn Bộ, Phó chính ủy Học viện Lục quân trao quyết định tặng nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Quý.

Tại buổi lễ, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phường 8, TP Đà Lạt và Học viện Lục quân đã trao tặng nhiều phần quà, sổ tiết kiệm cho bà Trần Thị Quý. Đây là căn nhà tình nghĩa thứ 3 Học viện Lục quân xây tặng thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ ở TP Đà Lạt trong năm 2011.


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh: Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ


Hiện nay chúng ta đã nghe nói nhiều đến nhiều cụm từ, trong đó gắn liền với từ “văn hoá” như: “văn hoá ứng xử”, “văn hóa đọc”, “văn hóa giao thông” … nhưng “văn hoá xấu hổ” có lẽ chỉ nghe lần đầu.

Nghe thì lạ tai nhưng khi được ông Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, nói tại một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố thì rất chí lý và thấm thía.

Ông Nguyễn Bá Thanh

Ông Nguyễn Bá Thanh

Chuyện xuất phát từ việc một số vị cán bộ, mặc dù biết mình không làm được nhưng cứ hứa với dân, với cấp dưới, mà không phải hứa một lần, ấy vậy mà chẳng cảm thấy xấu hổ!? Ông Bí thư nói, cán bộ bây giờ phải biết “tập xấu hổ”.

Điều đó có nghĩa là, đối với những cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức.

Nhìn lại trong thực tế vẫn còn những người, dù có địa vị xã hội cao, có học thức nhưng không biết xấu hổ là gì. Thực tế là, tính tự trọng của những vị quan chức này còn ‘hơi bị thiếu”! Làm sai, không một lời xin lỗi lại còn nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ!? Có vị, bản thân nhà cao cửa rộng, xe hơi đời mới, điện thoai loại xịn giá gần trăm triệu đồng…, bằng mắt thường cũng biết là không có được nhờ đồng lương thuần tuý.

Họ không phải là nhà kinh doanh cũng không trúng số độc đắc nhưng đáng buồn thay lại lớn tiếng hô hào chống tham nhũng, chống lãng phí. Sự mâu thuẫn đó có thể thấy rất rõ trong cuộc sống đời thường. Và những vị quan chức này có lẽ, cũng cần nghiên cứu về “Văn hoá xấu hổ”. Ở đây chỉ nói tới khía cạnh “xấu hổ”, về lòng tự trọng. Có thể cấp dưới hay người dân không lên tiếng phê bình, tố cáo những vị cán bộ “không biết xấu hổ” nêu trên, vì ngại, vì sợ bị trù dập… nhưng chắc chắn là họ không được mọi người “tâm phục khẩu phục”. Làm sao mà nể phục được khi, một cán bộ chưa giải quyết việc cho dân, cho cơ sở đã gợi ý “bỏ bì”, gợi ý đi nhà hàng nào, thậm chí phải có kèm khoản này khoản nọ mới chịu.

Tôn trọng sao được khi có vị đi hội họp, chưa lo chuyện nội dung đã đề nghị phải có “bì thư”, thậm chí không đi nhưng vẫn đánh tiếng để cơ sở gửi bì thư tiền, quà cho mình… Ngoài xã hội hiện nay đang lan truyền câu nói vui là, dạo này đã có những người đổi họ thành họ “Hứa” để ám chỉ những vị chỉ giỏi hứa hẹn mà quên thực hiện lời hứa. Càng có thêm nhiều người “họ Hứa” như vậy thì sự phát triển của đất nước sẽ bị kìm hãm, lòng tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước sẽ bị xói mòn. Cần dũng cảm nhìn vào sự thật, đấu tranh một cách kiến quyết đối với những người có phương châm sống: “quyền phải đi đôi với lợi”, dù có “mất mặt” đến đâu cũng không cảm thấy xấu hổ. Để những đối tượng đó tồn tại càng lâu, càng nhiều sẽ càng làm yếu đi bộ máy nhà nước vốn đang cần sự trong sạch, vững mạnh.

Mới đây báo chí rộ lên chuyện cảnh sát giao thông công khai nhận “mãi lộ” trên tuyến Quốc lộ 1A, gây bức xúc trong dư luận. Những cán bộ, chiến sĩ này cũng cần phải học về “Văn hóa xấu hổ”, bởi vì họ đã thản nhiên đi vòi vĩnh, làm tiền nhân dân mà không cảm thấy xấu hổ. Không biết lòng tự trọng của họ ở đâu khi bản thân mình là người đi thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật một cách công khai, hay nói dân dã là “làm luật”, một thứ Luật riêng rất đáng bị lên án. Thật là xấu hổ thay cho những người mang danh là Công an nhân dân mà lại đi “trấn lột” của dân. Những “con sâu” đã làm rầu nồi canh; đã xúc phạm đến những chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chân chính, những người đang ngày đêm không quản hiểm nguy, nắng mưa để giữ gìn sự bình yên của nhân dân, của đất nước thậm chí là đổ máu hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, trong đó có cả những chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Cuối cùng cũng cần đề cập đến chuyện “Văn hoá xấu hổ” trong cuộc sống thường nhật. Những người “vô tư” vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, phóng uế giữa thanh thiên bạch nhật…, mà chúng ta vẫn bắt gặp đây đó trên phố phường …cũng nên được học thêm về “Văn hoá xấu hổ”. Và cũng không thể làm ngơ trước hình ảnh các em học sinh, đồng phục chỉnh tề, huy hiệu Đoàn cài trên ngực áo, khăn quàng đỏ thắm trên trên vai và… cười nói tự nhiên cùng nhau… vượt đèn đỏ. Không làm cho các em “biết xấu hổ” từ bây giờ thì sau này khi trưởng thành, các em sẽ “đứt dây thẹn” trong cuộc sống, để rồi xã hội sẽ đối mặt với nhiều chuyện tiêu cực, nhiều kết cục không mong muốn mà bậc cha anh hiện nay đang ra sức đấu tranh, ngăn chặn. Phải có nhiều người biết xấu hổ, có lòng tự trọng cao, dám nhận khuyết điểm, dám xin lỗi… từ những chuyện nhỏ rất đời thường đến những chuyện lớn ở cấp vĩ mô, thì xã hội ta, đất nước ta mới có điều kiện tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển, sớm hoà nhập cùng khu vực và thế giới.

Dân Hùng (theo Vnexpress)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân ngày khai giảng năm học


Ban biên tập truongtansang.net giới thiệu toàn văn thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân ngày khai giảng năm học 2011-2012:

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy; coi trọng giáo dục lịch sử, đạo đức; đầu tư phát triển giáo dục ở biên giới, hải đảo… là thông điệp nhân ngày khai giảng năm học 2011-2012 của Chủ tịch nước.

Học sinh mầm non hân hoan chào đón năm học mới.

Học sinh mầm non hân hoan chào đón năm học mới.

Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến,

Các bé lớp 1 hào hứng chào năm học mới.

Các bé lớp 1 hào hứng chào năm học mới.

Các em Trường tiểu học Yên Tĩnh, xã biên giới Yên Tĩnh, Tương Dương, Nghệ An trong ngày khai giảng năm học mới 2011-2012.

Các em Trường tiểu học Yên Tĩnh, xã biên giới Yên Tĩnh, Tương Dương, Nghệ An trong ngày khai giảng năm học mới 2011-2012.

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012 và ngày “Toàn dân đưa trẻ tới trường”, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Các em Trường tiểu học Yên Tĩnh, xã biên giới Yên Tĩnh, Tương Dương, Nghệ An trong ngày khai giảng năm học mới 2011-2012.

Tiết mục văn nghệ mừng năm học mới tại trường THPT Nội trú tỉnh Nghệ An.

Năm học 2010-2011, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, tiến bộ. Quy mô và mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên; giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên được chú trọng; công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đạt kết quả tốt; cơ sở vật chất của nhà trường được tăng cường.

 Các nữ sinh trường THPT Việt Đức, một trong những ngôi trường nổi tiếng của thủ đô làm lễ khai giảng sớm một ngày.

Các nữ sinh trường THPT Việt Đức, một trong những ngôi trường nổi tiếng của thủ đô làm lễ khai giảng sớm một ngày.

Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả của ngành giáo dục, nhất là các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các thầy giáo, cô giáo tâm huyết, tận tụy với công việc, các em học sinh nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã vượt khó vươn lên trong học tập.

 Thời tiết Hà Nội sáng 4/9 mát mẻ, các em vui vẻ chờ đón giờ phút chính thức bước vào năm học mới.

Thời tiết Hà Nội sáng 4/9 mát mẻ, các em vui vẻ chờ đón giờ phút chính thức bước vào năm học mới.

Năm học 2011-2012, có ý nghĩa rất quan trọng, là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Để thực hiện tốt sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam” cùng với sự góp sức của toàn xã hội, ngành giáo dục cần đổi mới căn bản, toàn diện, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học; đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt;” nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lịch sử, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh sinh viên giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở vùng khó khăn.

Hình ảnh cờ đỏ sao vàng và những chùm bóng bay rực rỡ trên sân trường.

Hình ảnh cờ đỏ sao vàng và những chùm bóng bay rực rỡ trên sân trường.

Tôi mong muốn và tin tưởng các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, nỗ lực phấn đấu vươn lên, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người,” tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em chúng ta được học tập, rèn luyện đạt kết quả tốt.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thân ái,

Trương Tấn Sang


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Cảnh sát biển: Bảo vệ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim


Tại lễ tiếp nhận đá chủ quyền Trường Sa vừa diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội, Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh, Chính ủy Cục Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã trao đổi với PV về nhiệm vụ của CSB trong tình hình hiện nay, cũng như những việc xây dựng lực lượng CSB đủ khả năng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

phung quang thanh

Cảnh sát biển là lực lượng quan trọng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và bảo vệ ngư dân.

- Được tin chi nhánh Tây Ban Nha của Hãng Airbus đã bàn giao chiếc máy bay trinh sát đa năng CASA C212-400 đầu tiên cho CSB Việt Nam. Đồng chí có thể cho biết khi nào phương tiện này sẽ được đưa vào hoạt động và những thông số kỹ thuật của loại máy bay này?

-

CASA C212-400 là máy bay trinh sát đa năng hiện đại, tầm hoạt động rộng, bán kính lên đến hàng nghìn kilômét, thời gian bay khoảng 8 – 9 tiếng, đủ sức hoạt động trên vùng biển của Việt Nam. Năm 2012, việc bàn giao chiếc máy bay đầu tiên mới được thực hiện. CSB Việt Nam đã chuẩn bị để khai thác và sử dụng hiệu quả loại máy bay này vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, quản lý an ninh trật tự và an toàn trên các vùng biển nước ta.

- Ngoài việc trang bị máy bay trinh sát đa năng đầu tiên, CSB Việt Nam dự định đầu tư, hiện đại hóa lực lượng ra sao trong tương lai để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới?

- Việc trang bị phương tiện phải tùy thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước. Trước mắt, CSB Việt Nam sẽ được trang bị 3 chiếc máy bay trinh sát và một số tàu. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện dự án xây dựng lực lượng CSB Việt Nam giai đoạn 2001-2010 mà Chính phủ đã cho kéo dài đến năm 2012 và xây dựng dự án mới nối tiếp dự án nói trên đến năm 2020. Mục tiêu phấn đấu là xây dựng lực lượng CSB mạnh, đủ sức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao với nhiều phương tiện cùng những trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ dài ngày, ở vùng biển xa. Cùng với hiện đại hóa trang thiết bị, yếu tố con người cũng phải tương xứng, nên chúng tôi sẽ đào tạo cán bộ chuyên môn nhiều ngành và ngày càng chuyên sâu hơn.

- Ngư dân Việt Nam khi vi phạm vùng biển một số nước thì bị xử lý rất nặng. Trong khi đó, đối với ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, mức xử phạt lại rất nhẹ. Thực tế có đúng như vậy?

- Vừa qua, một số nước quản lý biển theo chính sách mới hết sức khắt khe, nếu so với Việt Nam là quá nặng. Đối với tàu nước ngoài vi phạm, chúng tôi chủ yếu dùng biện pháp xua đuổi và giải thích. Những vi phạm sẽ được quay phim, chụp ảnh, lập biên bản làm tài liệu phục vụ đấu tranh ngoại giao. Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng chúng ta cũng xử lý mạnh. Nếu tàu nước ngoài đánh bắt hải sản hoặc đi vào vùng biển của Việt Nam như vùng đặc quyền kinh tế, vùng tiếp giáp, vùng nội thủy thì trước hết, chúng tôi nhắc nhở, xua đuổi. Trường hợp tiếp tục vi phạm, vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ lập biên bản bắt giữ, đưa về cảng, xác minh rõ các yếu tố vi phạm và xử phạt hành chính. Những trường hợp mà CSB Việt Nam xử phạt chưa có trường hợp nào chống đối.

- Ngoài nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát vùng biển, CSB Việt Nam giúp đỡ ngư dân ra sao trong tình huống bị tàu nước ngoài đe dọa tính mạng, tài sản trên vùng biển chủ quyền của ta?

- Khi phát hiện ngư dân bị tàu nước ngoài có những hành động làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng trong tọa độ thuộc vùng biển Việt Nam, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng và chủ động, trực tiếp đến tọa độ đó để ứng cứu ngư dân. Cứu dân là mệnh lệnh của trái tim và là nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi. Còn trường hợp tàu ngư chính, hải giám của nước ngoài đi vào vùng biển của Việt Nam chúng tôi sẽ xua đuổi ngay. Khi họ xâm phạm vùng biển của mình, CSB sẽ có mặt, trước hết là thông báo cho họ biết về vi phạm của họ, khẳng định chủ quyền của ta. Thông thường thì họ sẽ rời khỏi khu vực vi phạm, trường hợp nghiêm trọng mới phải đẩy đuổi.

- Để duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông hiện nay cũng như bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ ngư dân, việc hợp tác với các nước trong khu vực rất cần thiết. CSB Việt Nam đã hợp tác với các lực lượng CSB trong khu vực như thế nào?

Hợp tác quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Mình sẽ học hỏi được kinh nghiệm, trao đổi nghiệp vụ, phối hợp thực hiện một số nghiệp vụ chung như chống ô nhiễm môi trường chẳng hạn. CSB Việt Nam đã quan hệ, hợp tác với nhiều nước và sẽ tiếp tục tăng cường việc này. Tinh thần là quan hệ với tất cả các nước có bộ phận chức năng như CSB. Chúng tôi đã có trao đổi đoàn với nhiều nước, thậm chí đặt đường dây nóng với nhau để khi xảy ra sự vụ gì kịp thời liên lạc, trao đổi cùng giải quyết.

- Xin cảm ơn đồng chí

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh tới thăm một số gia đình có công với nước


Ngày 25-7, trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ với nhiều hoạt động tri ân làm ngời sáng đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, tại Hà Nội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tới thăm một số gia đình có công với nước. Cùng đi với Đại tướng Phùng Quang Thanh có Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân.

“Dĩ công vi thượng” trong việc tình nghĩa

Đã thành nếp, cứ đi công tác đông người, Đại tướng Phùng Quang Thanh  lại chỉ đạo Văn phòng Bộ Quốc phòng bố trí đi xe chung để tiết kiệm. Lần này cũng vậy, toàn Đoàn công tác của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trong đó có Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đi chung trên một chiếc ô tô 16 chỗ. Nhờ vậy, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp ngồi gần Bộ trưởng. Tranh thủ lúc trên xe, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dặn phóng viên Báo Quân đội nhân dân:

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh nói chuyện với gia đình Trung tướng Nguyễn Văn Cốc.

- Chuyến này, do lịch công tác của tôi bận nên chỉ đi thăm được một số gia đình chính sách. Đây đều là những gia đình chính sách tiêu biểu nên khi viết bài, đồng chí nhớ nêu rõ thành tích chiến đấu của từng người. Thông qua tấm gương của một vài cá nhân tiêu biểu cũng có thể nêu bật được truyền thống yêu nước và phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ. Cũng qua đó, nói rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với thương binh, liệt sĩ và những người có công với nước.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tâm sự: Kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay đúng vào dịp diễn ra kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, phần đông các đồng chí lãnh đạo cấp cao của đất nước đều bận rộn. Tuy vậy, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn yêu cầu các đồng chí trong Bộ Chính trị, cố gắng sắp xếp thời gian đến thăm các đối tượng chính sách và người có công.

Thiếu tướng Vũ Hữu Luận, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) nói nhỏ với tôi:

- Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng là con liệt sĩ. Thân sinh của Đại tướng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1950). Ông cụ hy sinh từ khi Đại tướng mới một tuổi. Tôi biết mấy ngày gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương có mời Đại tướng về quê dự lễ kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ và thắp hương cho ông cụ, nhưng tiếc là lịch làm việc của Đại tướng đã kín, không thể về được. Vậy nhưng, Đại tướng vẫn gắng bố trí thời gian để đến thăm các gia đình liệt sĩ.

Tôi nhớ lại một số lần đi cùng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một trong những điều Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tâm đắc nhất là lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong công việc phải có tinh thần “dĩ công vi thượng”. Lần này cũng vậy, Bộ trưởng vẫn đặt “dĩ công vi thượng” làm đầu.

phung-quang-thanh

Trung tướng Nguyễn Văn Cốc tặng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cuốn sách viết về mình.

Nhân nghĩa là cội nguồn sức mạnh

Trước khi đến thăm các gia đình liệt sĩ, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành thời gian tìm hiểu về tấm gương, hoàn cảnh hy sinh, cũng như cống hiến của từng liệt sĩ. Khi đến thăm gia đình liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Xuân Thiều ở phố Đặng Dung (Hà Nội), Đại tướng đã cùng gia đình xúc động ôn lại khoảnh khắc quyết tử đã đi vào sử sách của Vũ Xuân Thiều. Đêm 28-12-1972, khi nhận lệnh xuất kích tiêu diệt B52 của giặc Mỹ đang bay vào tàn phá Hà Nội, phi công Vũ Xuân Thiều lập tức tăng tốc, quả tên lửa thứ nhất rồi quả thứ hai phóng đi. “Con quái vật” bị thương, nhưng vẫn cố gượng bay về Hà Nội trút bom. Không để những trái bom tội ác của địch ném xuống, nhưng đạn đã hết, vũ khí duy nhất của Vũ Xuân Thiều lúc này là tinh thần cảm tử. Vũ Xuân Thiều hướng ánh mắt trìu mến về phía Hà Nội gửi lời chào vĩnh biệt thành phố thân yêu rồi lao thẳng con én bạc vào chiếc B52. Một tiếng nổ khủng khiếp của hàng chục tấn bom làm biến dạng cả bầu trời đêm cùng với vầng lửa bùng cháy dữ dội. Chiếc B52 tan thành muôn mảnh…

Bà Vũ Thị Kim Thịnh, chị gái liệt sĩ Vũ Xuân Thiều rất xúc động. Bà nói ngắt quãng: “Chú Thiều nhà tôi hy sinh đã gần 40 năm rồi nhưng tình cảm, sự quan tâm từ những người đồng đội, từ lãnh đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng vẫn luôn ấm nồng. Lần này là lần thứ hai Bộ trưởng đến thắp hương cho em tôi. Tên của chú ấy giờ đã được đặt cho một tuyến phố của Thủ đô Hà Nội. Đời sống của gia đình tôi được Đảng, Nhà nước, quân đội chăm lo chu đáo. Tôi thật không biết nói gì để bày tỏ lời cảm ơn”.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh  đã đến thăm gia đình liệt sĩ Trương Hoài Châu ở ngõ 126/1, đường Hoàng Văn Thái (Hà Nội). Chị Nguyễn

phung-quang-thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh thắp hương tưởng nhớ Liệt sĩ Trương Hoài Châu.

Hương Trà, vợ liệt sĩ cũng vô cùng xúc động khi nghe Bộ trưởng nhắc lại trường hợp hy sinh và những thành tích trong công tác của anh Châu. Bộ trưởng ân cần hỏi thăm việc học tập của hai cháu (con của anh chị). Khi biết chỉ huy Trung đoàn 918 cũng có mặt trong cuộc gặp, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trầm tư: “Khi còn sống, đồng chí Trương Hoài Châu là một phi công, một trung đoàn trưởng giỏi có tiếng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội khi gặp tôi vẫn không tin được một đồng chí phi công tài năng, dày dạn kinh nghiệm như vậy đã hy sinh. Đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng những người lính chúng ta vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, nguy hiểm. Để xây dựng quân đội từng bước hiện đại, chúng ta càng cần hơn nữa những con người vừa tài năng, vừa dũng cảm như tấm gương của đồng chí Trương Hoài Châu. Chị Hương Trà có kiến nghị, đề nghị gì với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thì cứ mạnh dạn trình bày. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi cố gắng làm thật tốt chính sách hậu phương quân đội, để những người hy sinh vì Tổ quốc được yên lòng. Bởi lẽ, những việc làm đó không chỉ là chính sách, mà là nguồn cội tạo nên sức mạnh dân tộc, sức mạnh chiến đấu của quân đội”.

Truyền nghị lực và niềm tin đến thế hệ trẻ

Trên đường đến thăm nhà Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Cốc, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Đại tướng Phùng Quang Thanh hỏi các nhà báo:

- Các đồng chí có biết chuyện Anh hùng Nguyễn Văn Cốc từng được Bác Hồ khen không?

Chuyện này thì chúng tôi đều biết. Tết năm 1967, Bác Hồ đến thăm Quân chủng Phòng không – Không quân. Đang trong không khí ngày Tết, lại được nghe báo cáo thành tích của phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ, Bác liền gọi Nguyễn Văn Cốc lên ôm hôn và nói vui: “Năm nay Bác mong muốn có nhiều “Cốc” hơn nữa!”.

Anh hùng Nguyễn Văn Cốc bị tai nạn đã 8 năm nay. Ông bị tổn thương tủy sống dẫn đến liệt các chi. Điều đáng khâm phục là dù bệnh tật, đau yếu và có giai đoạn gần như liệt toàn thân, nhưng Anh hùng Nguyễn Văn Cốc vẫn lạc quan, tin tưởng vào khả năng hồi phục của mình. Những khi phải vào viện, ông không đòi hỏi bệnh viện bất kỳ sự ưu đãi nào mà luôn tâm niệm mình cũng như những bệnh nhân khác, những đồng đội khác. Ở nhà, ông tự xây dựng phòng tập luyện phục hồi chức năng, tự dựng xà, cáp, treo mình lên để luyện tập. Sức khỏe ông vì vậy đã dần hồi phục. Bây giờ, ông đã có thể ngồi trò chuyện, các ngón tay cũng bắt đầu co giãn trở lại. Đón Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc cảm động nói:

- Tôi rất biết ơn Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đặc biệt là cá nhân đồng chí Bộ trưởng. Các đồng chí đã dành cho tôi sự quan tâm lớn trong quãng thời gian chiến đấu với bệnh tật suốt 8 năm qua. Nói thật là chính nhờ sự quan tâm của các đồng chí mà tôi mới vượt qua được những thử thách nghiệt ngã của bệnh tật.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói:

- Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình sức khỏe của anh. Thời gian qua, anh đã chứng tỏ mình không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn anh hùng trong việc khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đời thường. Tôi nghĩ, câu chuyện chữa bệnh của anh mà được nói ra, kể lại cho chiến sĩ trẻ nghe thì thật đáng quý, đáng trân trọng. Nó là minh chứng hùng hồn về phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Vì thế, ai nghe được chuyện của anh cũng như được tiếp thêm nghị lực và niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.

Câu chuyện giữa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Trung tướng Nguyễn Văn Cốc ngày càng sôi nổi khi hai người chuyển sang những kỷ niệm về một thời đánh giặc, giải phóng quê hương. Họ đều là những người tiêu biểu của thế hệ mình, một người được tuyên dương Anh hùng năm 1969, một người được tuyên dương Anh hùng năm 1971. Chúng tôi, những phóng viên đi cùng Bộ trưởng, ngồi lặng nghe như đang được sống lại với những ký ức hào hùng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Bài và ảnh: Hồng Hải


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Người mẹ vượt hơn 1000 hải lý ra Trường Sa thăm con


Hơn 60 tuổi, nhưng mẹ Trần Thị Tịnh, quê thị trấn cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, không sợ sóng to, gió lớn. Tháng 6 vừa qua, mẹ đã ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) thăm con rể là Trung tá Vũ Văn Cường, hiện đang giữ cương vị Chỉ huy phó Tham mưu trưởng xã đảo Song Tử Tây. Những ngày con tàu HQ936 (Vùng 4 Hải quân) rong ruổi vượt hơn 1.000 hải lý suốt hành trình từ đất liền ra Trường Sa và từ huyện đảo Trường Sa trở về đất liền, chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng mẹ Tịnh. Trong số gần 100 thân nhân của chuyến tàu đi Trường Sa vừa qua, mẹ Tịnh là người phụ nữ cao tuổi nhất. Ngoài 60, lại là lần đầu đi biển trong hành trình dài ngày, cả tàu ai cũng lo mẹ say sóng. Vậy mà mẹ Tịnh chịu sóng biển thật giỏi, suốt hành trình từ đất liền ra đảo 3 ngày, 2 đêm mẹ không say sóng. Chỉ khi tàu trở về đất liền, do gặp phải áp thấp nhiệt đới, sóng cấp 5, cấp 6 mẹ mới bị say nhẹ.

 

Con rể đón mẹ Tịnh trên cầu cảng xã đảo Song Tử Tây

Con rể đón mẹ Tịnh trên cầu cảng xã đảo Song Tử Tây

Mẹ tâm sự: “Tôi rất yêu quý và tự hào có chàng rể là sỹ quan Hải quân, nên dù đi lại khó khăn, tôi vẫn quyết ra đảo thăm và động viên con. Đây cũng là chuyến thực tế để hiểu thêm về biển đảo của Tổ quốc, cuộc sống và nhiệm vụ của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Trước ngày rời Nam Định vào TP Hồ Chí Minh để lên tàu ra huyện đảo Trường Sa, người thân trong nhà đã chuẩn bị cho mẹ cả thuốc chống say sóng”.

Được biết, quê hương Nam Định của mẹ Tịnh có nhiều con em đang công tác sinh sống ngoài các đảo, xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và đã thành truyền thống, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đón Xuân mới là các cấp chính quyền huyện Trực Ninh và tỉnh Nam Định lại tổ chức gặp mặt, động viên, biểu dương gia đình có con em đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi lần được mời dự gặp mặt như thế, mẹ Tịnh thấy thật tự hào, và càng thêm quý mến chàng rể thảo.

Vốn là giáo viên nên mẹ Tịnh thật vui tính, dễ gần với mọi người. Hai buổi tối trong hành trình từ đất liền ra đảo, trên boong tàu HQ936, mẹ Tịnh cùng một số thân nhân quây quần tập văn nghệ để khi ra đảo sẽ giao lưu, hát động viên con em. Mẹ Tịnh cứ mải mê hát đi hát lại ca khúc: “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Mẹ bảo chàng rể của mẹ thích nghe ca khúc này(!). Và buổi tối giao lưu văn nghệ trên xã đảo Song Tử Tây, mẹ Tịnh lên sân khấu hát ca khúc Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây thật hay. Nghe mẹ Tịnh hát, bộ đội và nhân dân xã đảo Song Tử Tây cứ vỗ tay theo nhịp điệu của ca từ. Nhiều cán bộ, chiến sỹ còn ùa lên sân khấu tặng cho mẹ những đóa hoa bàng vuông vừa hái.

Ba ngày lưu lại trên xã đảo Song Tử Tây, mẹ Tịnh có dịp tìm hiểu cuộc sống lao động, học tập công tác của quân và dân xã đảo. Mẹ thấu hiểu hơn nỗi vất vả, gian lao của những người con nơi đầu sóng, ngọn gió. Mẹ tâm sự: “Cuộc sống vật chất và tinh thần của bộ đội và nhân dân xã đảo đã bớt thiếu thốn so với trước. Đảo đã có nhà cửa khang trang, có điện năng lượng mặt trời, trữ được nước mưa cho sinh hoạt và trồng rau xanh quanh năm, có sóng điện thoại di động và xem được ti vi…Huyện đảo Trường Sa bây giờ không còn xa xôi như trước nữa. Nhưng mẹ thương quân, dân trên đảo luôn phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và bão giông. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo lại hết sức nặng nề, nhiều khi đòi hỏi sự hy cả máu xương. Nhưng những gì mẹ tận mắt thấy trên xã đảo Song Tử Tây đủ để mẹ tin rằng con rể của mẹ, cùng đồng đội và nhân dân trên xã đảo này luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!”. Trước lúc rời tàu HQ936 vào đất liền, kết thúc chuyến thăm huyện đảo Trường Sa, mẹ Tịnh còn làm một bài thơ, ca ngợi biển đảo và những người con đang ngày đêm vững chắc tay súng canh giữ trên vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)