Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Ấn Độ giúp đỡ việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam trên 4 lĩnh vực


Theo hãng tin Hindu của Ấn Độ hôm 9/11 cho biết, Việt Nam đang đề nghị Ấn Độ trợ giúp về quân sự, trong đó tập trung chủ yếu là lĩnh vực Hải quân.

Nguồn tin cho biết, trong chuyến sang thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 11-15/10, hai bên đã thảo luận về nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị Ấn Độ giúp đỡ cho việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam trên 4 lĩnh vực.

qp thai VN 4501 Ấn Độ giúp đỡ việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam trên 4 lĩnh vực

Minh họa 4 lĩnh vực hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Cụ thể, Thứ nhất, Việt Nam đề nghị phía Ấn Độ giúp đỡ Việt Nam xây dựng hạm đội tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đặt mua của Nga.

Thứ hai, Việt Nam bày tỏ mong muốn Ấn Độ đào tạo cho phi công lái các máy bay Su-30.

Thứ ba, Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa cảng chiến lược và chuyển giao cho một số tàu chiến cỡ trung bình.

Sau cùng là thỏa thuận cung cấp các tên lửa hành trình tiên tiến BrahMos.

Nguồn tin cũng cho biết, phía Ấn Độ đã thể hiện thái độ “tích cực” đối với việc đào tạo các phi công lái máy bay Sukhoi cho Không quân Việt Nam. Ấn Độ từng đào tạo phi công lái máy bay Su-30MKM cho Malaysia.

Đặc biệt, Ấn Độ đang xem xét về đề nghị của Việt Nam để chuyển giao các tàu chiến cỡ trung bình, trọng tải từ 1.000 – 1.500 tấn cho Hải quân Việt Nam và nâng cấp cảng Nha Trang, có vị trí ở gần Vịnh Cam Ranh.


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Quân đội Việt Nam đóng 6 tàu tên lửa


Nhà máy đóng tàu Vympel đang hỗ trợ Việt Nam đóng hàng loạt tàu tên lửa Projekt 1241.8 Molnya theo giấy phép của Nga.

Theo Arms-Tass, tại triển lãm quốc tế lần thứ 15 Interpolytex-2011, Phó Tổng giám đốc Nhà máy Dmitri Belyakov cho biết, các chuyên gia đóng tàu ở thành phố Rybinsk đang sản xuất và gửi sang Việt Nam theo đúng tiến độ các chi tiết, bộ phận, linh kiện để lắp ráp 6 tàu tên lửa Molnya Projekt 1241.8 đầu tiên.

Các kỹ sư đóng tàu Việt Nam đã bắt tay vào đóng các tàu này dưới sự giám sát kỹ thuật từ phía công ty thiết kế TsMKB Almaz ở St. Petersburg và nhà máy sản xuất là Công ty “Nhà máy đóng tàu Vympel”.

Tàu tên lửa Molnya Projekt 1241.8 của Hải quân Việt Nam.

Tàu tên lửa Molnya Projekt 1241.8 của Hải quân Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang đóng 4 tàu tên lửa đầu tiên, trong đó 2 thân tàu đã được khởi công, 2 thân tàu khác đã hoàn thành và bàn giao để lắp ráp thiết bị.

Việc cung cấp thiết bị cho 6 tàu tên lửa nói trên từ thành phố Rybinsk sang Việt Nam được bắt đầu từ năm 2010 theo hợp đồng trị giá 30 triệu USD và sẽ tiếp tục đến năm 2016.

Trong hợp đồng đóng các tàu tên lửa Projekt 1241.8 Molnya có nội dung hợp đồng phụ đóng thêm 4 tàu nữa. Việc chuyển hợp đồng phụ thành hợp đồng chính thức dự kiến được thực hiện sau khi bàn giao những tàu tên lửa đầu tiên do các chuyên gia Việt Nam đóng cho Hải quân Việt Nam.

Việc nâng cấp các trang thiết bị và vũ khí thời gian qua của Việt Nam, theo phát biểu của Bộ Quốc phòng, đều vì mục đích tự vệ và hoà bình chứ không phải chạy đua vũ trang.

(Theo VTC News/ Denfence)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Tướng Việt Nam đầu tiên phát biểu trước giới quân sự Mỹ


Trung tướng Võ Tiến Trung, giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam, có bài phát biểu hiếm hoi ở Washington hôm qua trước cử tọa gồm các quân nhân và giới chức Mỹ.

Đây là lần đầu tiên một vị tướng quân đội Việt Nam phát biểu về chính sách quốc phòng trên đất Mỹ kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, AP cho biết.

Trung tướng Võ Tiến Trung

Trung tướng Võ Tiến Trung

Trước khoảng 200 sĩ quan quân đội và giới chức Mỹ ở Đại học Quốc phòng Washington, trung tướng Võ Tiến Trung nhắc tới lịch sử các cuộc chiến tranh mà Việt Nam phải trải qua suốt 4.000 năm dựng nước.

Bài phát biểu kéo dài một tiếng của vị giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam chủ yếu tập trung vào các cuộc kháng chiến chống các triều đại Trung Quốc xâm lược. Ông cũng nói chi tiết tới chiến dịch Điện Biên Phủ chấm dứt chế độ đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương năm 1954, vài tháng trước khi ông sinh ra.

Trong phần phát biểu tướng Trung không nhắc tới cuộc chiến giữa hai nước trước đây vì mọi người đều đã biết rõ về nó và ông không muốn “lãng phí thời gian”.

“Các vị gọi đó là chiến tranh Việt Nam, còn chúng tôi gọi là kháng chiến chống Mỹ”, ông Trung nói giữa tràng cười của cử tọa. Được mời đánh giá về những mạnh và điểm yếu của quân đội Mỹ trong thời chiến, ông Trung nói rằng tốt nhất là nên “khép lại quá khứ” và tập trung cho tương lai. Ông cũng nói với các đồng nghiệp Mỹ, hàm ý đề cập hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan trong thập kỷ qua.

“Dù quân đội của các vị có mạnh mẽ tới đâu, việc phát động chiến tranh bằng cách xâm lược các nước khác là không hợp pháp. Đó là thông điệp của tôi”, ông nói qua một phiên dịch viên.

Ông Trung cho cử tọa biết thông tin về lực lượng vũ trang của Việt Nam, có 450.000 quân nhân chính quy và khoảng 5 triệu quân nhân dự bị.

Ông cũng nhắc lại quan điểm Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào cũng như không cho phép lực lượng nước ngoài đóng quân tại Việt Nam.

Việt Nam và Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao năm 1995. Quan hệ giữa hai nước tăng trưởng với tốc độ nhanh trong vòng 16 năm qua. Thương mại giữa hai quốc gia tăng từ con số 0 hồi giữa thập niên 90 tới 18 tỷ USD một năm trong năm ngoái.

Mối quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Mỹ cũng phát triển vững chắc, thể hiện trong các chuyến ghé thăm của tàu hải quân Mỹ tới Việt Nam trong thời gian gần đây.

An ninh trên biển Đông là một vấn đề được quan tâm cả ở Việt Nam và Mỹ. Nói chuyện với phóng viên Reuters, ông nói sự tranh chấp chủ quyền sẽ không dẫn đến xung đột, và tranh chấp sẽ được giải quyết trong hòa bình, cho dù phải mất nhiều năm.

Quan hệ quân sự Việt – Mỹ được khởi động từ hồi tháng 3/2000, khi ông William Cohen là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ tới thăm Việt Nam kể từ cuộc chiến. Cuối năm đó có chuyến thăm đầu tiên của một của tổng thống Mỹ, Bill Clinton, tới Việt Nam.

Mai Trang (Theo Vnexpress)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Việt Nam, Philippines đẩy mạnh tuần tra chung trên biển


Quân đội Việt Nam và Philippines sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tuần tra chung trên biển trong thời gian tới.

Đây là một trong những lĩnh vực mà Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, và Đại tướng Eduardo San Lorenzo Oban, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines nhất trí cho rằng quân đội hai nước Việt Nam-Philippines cần tăng cường hợp tác.

Trong buổi hội kiến chiều 28/9, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước Việt Nam và Philippines cho rằng, trong thập kỷ qua mặc dù quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước đã có bước phát triển tốt, nhưng quân đội hai nước vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác được đề cập trong Bản Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Philippines ký vào tháng 10/2010.

Tư lệnh hải quân Philippines Alexander P Pama bắt tay Tư lệnh hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến tại Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN hồi tháng 7 tại Hà Nội.

Tư lệnh hải quân Philippines Alexander P Pama bắt tay Tư lệnh hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến tại Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN hồi tháng 7 tại Hà Nội.

Do vậy, thời gian tới quân đội hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trao đổi đoàn, thiết lập đường dây nóng cấp cao, chia sẻ thông tin tình báo, diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giao lưu hải quân và những vấn đề cùng quan tâm, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Cũng trong buổi hội kiến, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ đã cảm ơn Chính phủ Philippines trong việc ra quyết định thả 122 ngư dân Việt Nam, cũng như việc hải quân Philippines đã thông báo, cứu giúp 12 ngư dân khác của Việt Nam bị nạn trên biển ngày 1/9/2011 đồng thời chia sẻ với Đại tướng Eduardo San Lorenzo Oban trước những thiệt hại, mất mát mà nhân dân Philippines phải hứng chịu do các cơn bão gây ra thời gian qua.

(Theo TTXVN)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Hoa kỳ


Ngày 19-9, Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Mỹ lần thứ hai đã diễn ra tại thủ đô Washington với sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và ông Robert Scher, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Với tinh thần thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau, tại cuộc đối thoại này, hai bên bày tỏ hài lòng về những kết quả hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian qua.

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Scher ký Bản ghi nhớ

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Scher ký Bản ghi nhớ

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Robert Scher nhất trí rằng cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Mỹ một cách thiết thực, vì lợi ích của mỗi nước đồng thời để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam đã thông báo với phía Mỹ kết quả Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đầu năm 2011. Trong khi đó, phía Mỹ thông báo về sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong dịp này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Robert Scher đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng hai nước về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.

Hai bên thống nhất việc hướng tới phát triển quan hệ quốc phòng, trước tiên tập trung vào năm lĩnh vực là thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam; An ninh biển; Tìm kiếm cứu nạn; Nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa.

Bản ghi nhớ nói trên có tính chất định hướng cho sự phát triển quan hệ quốc phòng Việt Nam-Mỹ. Chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Việt Nam, theo tinh thần “chủ động hội nhập quốc tế” mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra, và sự công khai, minh bạch, rõ ràng trong chính sách quốc phòng của Việt Nam cũng được thể hiện rõ trong văn kiện này.

Trong dịp này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn Việt Nam cũng có các cuộc gặp gỡ với một số nghị sĩ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Mỹ.

(Theo TTXVN)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam-Ấn Độ


Chiều 14/9, tại Hà Nội, Việt Nam và Ấn Độ đã tiến hành đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng lần thứ 6, dưới sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ngài Shashi Kant Sharma, Thư ký Quốc phòng Cộng hòa Ấn Độ.

Hình minh họa

Hình minh họa

Tại buổi đối thoại, cùng với việc trao đổi tình hình thế giới, khu vực, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và ngài Shashi Kant Sharma đều nhất trí cho rằng, thời gian qua mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực; trong đó hợp tác quốc phòng tiếp tục phát triển tích cực, hiệu quả và phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.

Đặc biệt, thông qua trao đổi đoàn các cấp và đối thoại chiến lược quốc phòng, quân đội hai nước đã xây dựng được lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau, tạo ra động lực mới để xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị trên các lĩnh vực đào tạo cán bộ, hải quân, phòng không-không quân, công nghiệp quốc phòng ngày càng hiệu quả, thiết thực.

Về phương hướng hợp tác, hai bên nhất trí nhiều biện pháp nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trên các lĩnh vực trao đổi đoàn, đào tạo, tin học, chia sẻ thông tin, giao lưu sỹ quan trẻ và đạt được nhận thức chung trong việc xây dựng lộ trình, cơ chế phối hợp, phương thức triển khai các lĩnh vực hợp tác hải quân, không quân, lục quân, công nghiệp quốc phòng, trao đổi kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Hai bên cũng đề cập việc triển khai quan hệ quốc phòng đa phương đã ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất (ADMM +) diễn ra tại Hà Nội vào năm 2010 và các vấn đề cùng quan tâm, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, tốt đẹp giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Kết thúc buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và ngài Shashi Kant Sharma đã ký Biên bản Đối thoại Quốc phòng lần thứ 6 giữa Việt Nam-Ấn Độ.

Cùng ngày, ngài Shashi Kant Sharma và đoàn đã đến chào Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã thân mật tiếp Thư ký Quốc phòng Cộng hòa Ấn Độ Shashi Kant Sharma và đoàn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ngài Shashi Kant Sharma sẽ có buổi hội kiến Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân./.

Xuân Trường (TTXVN/Vietnam+)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Việt Nam-Campuchia đẩy mạnh hợp tác an ninh


Hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia đã đóng góp tích cực vào công tác giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự xã hội của mỗi nước, cũng như quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Campuchia.

Toàn cảnh cuộc hội đàm

Toàn cảnh cuộc hội đàm

Đây là quan điểm chung trong cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Bộ Công an nước ta và Đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Campuchia.

Trong chuyến thăm Vương quốc Campuchia, ngày 8/9, Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam do Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đã có buổi hội đàm với Đoàn Bộ Nội vụ Campuchia do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, Trưởng đoàn phía Campuchia, ông Sar Kheng, dẫn đầu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, Sar Kheng khẳng định chuyến thăm của Đoàn Bộ Công an Việt Nam là biểu hiện của sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành An ninh hai nước nói riêng và mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước nói chung.

Bộ trưởng Sar Kheng đã thông báo với Đoàn Bộ Công an Việt Nam về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Campuchia thời gian qua.

Về phía mình, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia qua các thời kỳ. Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng trong thời điểm hiện nay, quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng Việt Nam-Campuchia cần được củng cố và mở rộng hơn nữa, nhất là công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Về quan hệ Việt Nam-Campuchia hiện nay, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhận định với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Campuchia tiếp tục được củng cố, phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt hợp tác về lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư đã có bước phát triển quan trọng, đưa kim ngạch xuất khẩu hai nước năm 2010 đạt trên 1,8 tỷ USD và Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu về đầu tư ở Campuchia. Công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ tiếp tục được thúc đẩy.

Cũng tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng an ninh hai nước Việt Nam và Campuchia đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bộ, đặc biệt là bản Kế hoạch hợp tác năm 2011 giữa lực lượng Công an hai nước nhằm tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa trên các lĩnh vực phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chia sẻ giúp đỡ nhau về phương tiện kỹ thuật và kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước, nhân dân giao phó.

Cũng trong ngày 8/9, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam đã đến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen. trước đó, ngày 7/9, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam đã đi viếng và đặt vòng hoa tại Đài Độc lập và Tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Đoàn cũng có chuyến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia.

Trần Hùng (Theo Chinhphu)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 2


Ngày 28/8 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt-Trung cấp Thứ trưởng lần thứ 2.

Đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh chung với Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh chung với Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng Tham mưu trưởng QGPND Trung Quốc dồng chủ trì cuộc đối thoại.

Hai bên nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề, góp phần tăng quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên nhất trí đánh giá dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước tiếp tục phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ kinh tế và thương mại phát triển nhanh, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân liên tục được mở rộng…

Với đà phát triển chung của quan hệ hai nước, hợp tác quốc phòng Việt-Trung cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, xây dựng quan hệ gắn bó giữa quân đội hai nước.

Tại cuộc đối thoại lần này, hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực như tăng cường trao đổi đoàn, sớm hoàn thành đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, mở rộng trao đổi đào tạo học viên quân sự dài hạn và ngắn hạn.

Trung Quốc nhất trí chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…

Hai bên cũng cho rằng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để chiến sĩ và nhân dân Việt – Trung hiểu rõ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác thiết thực và cùng có lợi giữa quân đội và nhân dân hai nước.

Tại cuộc Đối thoại, hai bên cũng dành thời gian trao đổi về tình hình Trung Đông-Bắc Phi và đặc biệt là việc đẩy mạnh can dự của các nước lớn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhân dịp này, Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã tiếp Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam.

Trong buổi tiếp Đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Lương Quang Liệt nói, tình hữu nghị Trung-Việt là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, có được là không dễ dàng và đáng trân trọng.

Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ Trung-Việt, kiên trì phương châm cơ bản về bảo vệ và phát triển quan hệ hữu nghị Trung-Việt, ra sức cùng với Việt Nam tăng cường giao lưu cấp cao, đưa hợp tác trong các lĩnh vực đi vào chiều sâu, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt phát triển một cách thiết thực. Trung Quốc cùng với Việt Nam tăng cường phối hợp bảo vệ lợi ích chiến lược chung của hai nước, bảo vệ hòa bình ổn định Biển Đông.

Nguyễn Chiến


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Việt Nam, Thái Lan phối hợp diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển


Thời gian tới quân đội Việt Nam, Thái Lan đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực diễn tập tìm kiếm cứu nạn, tuần tra chung trên biển.

Đây là một trong những nội dung hợp tác được lãnh đạo quân đội hai nước Việt Nam, Thái Lan – Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Songkitti Jaggabatara, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Quân đội Hoàng gia Thái Lan – nhất trí trong cuộc trao đổi tại Hà Nội chiều ngày 2/8.

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ và Đại tướng Songkitti Jaggabatara duyệt Đội danh dự QĐND Việt Nam.

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ và Đại tướng Songkitti Jaggabatara duyệt Đội danh dự QĐND Việt Nam.

Tại buổi trao đổi ý kiến này, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ và Đại tướng Songkitti Jaggabatara đã nhất trí trong thời gian tới, quân đội hai nước đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực diễn tập tìm kiếm cứu nạn, tuần tra chung trên biển; tăng cường trao đổi đoàn và kinh nghiệm bảo đảm hậu cần.

Bên cạnh đó, quân đội Việt Nam và Thái Lan tăng cường phối hợp trong khuôn khổ hợp tác về quốc phòng giữa các nước ASEAN.

Đại tướng Songkitti Jaggabatara, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Quân đội Hoàng gia Thái Lan đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1-3/8 theo lời mời của Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong chuyến thăm này, Đại tướng Songkitti Jaggabatara đã đến chào xã giao Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam


Việt Nam và Nhật Bản cần chuẩn bị tốt cho chuyến thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc tiếp xã giao Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Y-a-xu-a-ki Ta-ni-da-ki (Yasuaki Tanizaki) chiều 11-7, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng.

phung quang thanh

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tặng Đại sứ Y-a-xu-a-ki Ta-ni-da-ki quà lưu niệm

Tại cuộc tiếp, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Y-a-xu-a-ki Ta-ni-da-ki nhất trí đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, đang phát triển tích cực. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Nhật sẽ ngày càng đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; khẳng định Việt Nam sẵn sàng tổ chức, tham gia cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng với Nhật Bản trong năm nay.

Tin, ảnh: Việt Bách


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Nga giao 6 chiếc tàu ngầm cho Việt Nam vào năm 2014


Phát biểu với giới báo chiều 1/7 tại Triển lãm hải quân ở Saint-Peterburg, Trưởng đoàn đại biểu của Tập đoàn xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronoexport, ông Oleg Azizov, tuyên bố Nga sẽ chuyển giao tàu ngầm cho Việt Nam vào năm 2014.

 

Tàu ngầm của Nga

Tàu ngầm của Nga

Theo ông Azizov, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm chạy dầu diezel-điện thuộc dự án 636 và từ năm 2014, Nga sẽ bắt đầu chuyển giao các tàu ngầm này cho Hải quân Việt Nam.

Ông Azizov xác nhận tàu ngầm dự án 636 thuộc loại “Klab” tấn công, nhưng không cho biết thêm chi tiết về tính năng kỹ thuật và giá cả của những tầu này.

Tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) diễn ra ở Singapore, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Liên bang Nga 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo 686.

“Các tàu ngầm này sẽ chỉ hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. Việc làm bình thường này rất công khai và minh bạch,” ông nói.

 

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông


Ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí Việt Nam về cuộc gặp của Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 25-6-2011. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

* Phóng viên: Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, với tư cách là đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung Thông điệp của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam?

 

Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Hoang Sa Truong Sa

Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Internet

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Thông tin về chuyến đi đã được báo chí đưa tin, còn nội dung Thông điệp tập trung vào 3 điểm chính sau:

1. Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới.

2. Bày tỏ quan ngại về những vụ việc vừa qua ở Biển Đông; đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” DOC, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

3. Nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội.…

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết rõ những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, về việc giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị là gì?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc. Theo đó, hai bên khẳng định quan tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước”.

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết tiến trình đàm phán “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Như các bạn đã biết, sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cuối tháng 12-2008, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận chuyển trọng tâm đàm phán về công tác biên giới lãnh thổ sang vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trước khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể cần đàm phán ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đó là những định hướng lớn, quan trọng mà hai bên cần tuân thủ.

Với tinh thần đó, từ đầu năm 2010 đến nay, ta và Trung Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số nguyên tắc cơ bản như: nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác…Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet


Chiều 27/6, tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng tiếp tục đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

 

Nguyen Tan Dung, Thu Tuong, Thuy Sy, Viet Nam, Jean Hubert Lebet

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Thụy Sỹ đang phát triển tích cực, tạo điều kiện cho hai nước phát triển nhiều lĩnh vực.

Đánh giá cao nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của Đại sứ Jean Hubert Lebet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những đóng góp của Đại sứ đã góp phần tích cực đưa quan hệ chính trị, ngoại giao, giáo dục – đào tạo Việt Nam – Thụy Sỹ ngày càng gắn bó, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Hiện, Thụy Sỹ là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Âu.

Thủ tướng mong muốn, với những hiểu biết và tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh Đại sứ mới của Thụy Sỹ và khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại sứ mới có nhiệm kỳ công tác thành công tốt đẹp.

Đại sứ Jean Hubert Lebet cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với cá nhân Đại sứ trong thời gian công tác tại Việt Nam.

Đại sứ Jean Hubert Lebet khẳng định, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và cho biết, trong năm nay, hai bên sẽ phối hợp tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Thu Cúc


(Theo website Phùng Quang Thanh)