General Phung Quang Thanh concluded Commanders and Political Commissars Competition


The five-day Commanders and Political Commissars Competition concluded on September 23rd at the Mieu Mon Training Centre in the presence of General Phung Quang Thanh, Politburo Member, Deputy-Secretary of the Military Central Commission and Defence Minister.

Defence Minister Phung Quang Thanh

Defence Minister Phung Quang Thanh

During the competition, competitors well performed their talents in consultancy and dealing with any situations.

At the closing ceremony, General Thanh stressed that the competition was a good forum for officers to exchange and learn experiences on managing, directing and monitoring units to implement assigned tasks in the coming period.

General Thanh also asked 126 participating Commanders and Political Commissars of Military Headquarters of central cities and provinces to bring good results and knowledge gained in the competition into full play, contributing to the building of a stronger army.

At the competition, Military Zone 4 ranked the first, followed by Military Zone 3, 1 and 2.

In the category of talented pairing of Commander and Political Commissar, the first prize went to Military Headquarters in Ha Tinh Province. The second and third prizes went to Military Headquarters in Hai Duong and Lai Chau Provinces, respectively.

Best individuals were also presented awards to honour their talent.

Source QDND


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh dự bế mạc, động viên, chỉ đạo cán bộ dự thi


Sáng 23-9, tại Trung tâm huấn luyện Miếu Môn (Cục Quân huấn, Bộ tổng tham mưu), Bộ Quốc phòng đã tổ chức bế mạc Hội thi Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu chỉ đạo tại buổi bế mạc Hội thi

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu chỉ đạo tại buổi bế mạc Hội thi

Hội thi Chỉ huy trưởng, Chính uỷ  Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra từ ngày 19 đến 23-9. Chuẩn bị cho Hội thi, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức đã quán triệt nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức Hội thi; chuẩn bị nội dung thi cả phần lý luận và phần thực hành chặt chẽ, sát với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ dự thi; đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 141 giám khảo; các Quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều tổ chức tập huấn nghiêm túc cho các cán bộ dự thi; công tác bảo đảm các mặt cho Hội thi đều được tiến hành chặt chẽ, chu đáo.

Trong quá trình thực hành thi, nhiều cán bộ dự thi đã nắm chắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp quy của Nhà nước, Chính phủ về quốc phòng-an ninh; công tác làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về xây dựng và bảo vệ khu vực phòng thủ, nhất là việc vận hành cơ chế để xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Nhiều cán bộ đã vận dụng, liên hệ sát với thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang của địa phương. Trong xây dựng quyết tâm tác chiến khu vực phòng thủ, các cán bộ đã nắm chắc nội dung, thứ tự công tác chỉ huy tham mưu phòng thủ khu vực tỉnh, thành phố; vận dụng tốt nguyên tắc lý luận nghệ thuật quân sự, điều lệ công tác tham mưu tác chiến QĐND Việt Nam để xây dựng quyết tâm phù hợp với đầu bài. Các đồng chí Chính uỷ dự thi soạn thảo dự thảo nghị quyết, chỉ thị công tác Đảng, công tác chính trị đã bám sát quyết tâm của người chỉ huy, sát với tình hình nhiệm vụ, ý định của trên. Trong phần báo cáo quyết tâm tác chiến khu vực phòng thủ, dự thảo nghị quyết và chỉ thị công tác Đảng, công tác chính trị, các cán bộ dự thi đã báo cáo đúng trình tự, đảm bảo thời gian quy định. Nhiều đồng chí đã nắm chắc lý luận, phân tích làm rõ quyết tâm sử dụng lực lượng. Trong phần này, có những đồng chí có phương án có tư duy độc lập, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn.

Từ những kết quả của Hội thi, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, việc tổ chức Hội thi đã thể hiện chủ trương đúng của Bộ Quốc phòng, trong việc rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, ngoài việc trang bị kiến thức toàn diện cho các cán bộ dự thi, Hội thi còn là nơi để các cán bộ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tạo nên động lực thi đua giữa các tập thể, cá nhân trong thực hiện các nội dung của Hội thi cũng như trong tổ chức quản lý, chỉ huy, điều hành đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao thưởng cho các tập thể đạt thành tích cao

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao thưởng cho các tập thể đạt thành tích cao

Tiếp đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh thông báo với các cán bộ dự thi kết quả thực hiện nhiệm vụ của quân đội trong thời gian qua. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Công tác huấn luyện của các đơn vị trong toàn quân vẫn tiếp tục được duy trì có nền nếp, chất lượng, qua đó không ngừng nâng cao khả năng SSCĐ; quân đội đã phối hợp có hiệu quả với các lực lượng khác, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn và kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; tiềm lực quốc phòng ngày càng được củng cố vững chắc, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; công tác đối ngoại quốc phòng được triển khai có hiệu quả; Đảng bộ quân đội tiếp tục được xây dựng đoàn kết, thống nhất…

Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu, phát huy kết quả đã đạt được tại Hội thi, Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố cần vận dụng những kiến thức đã được trang bị từ Hội thi vào thực tiễn hoạt động tại đơn vị, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh.

Kết thúc Hội thi, Quân khu 4 đạt giải nhất toàn đoàn, Quân khu 3 đạt giải nhì toàn đoàn và Quân khu 1, Quân khu 2 cùng đạt giải 3 toàn đoàn. Đối với giải cặp Chỉ huy trưởng, Chỉnh uỷ giỏi toàn năng: Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh giành giải nhất, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương giành giải nhì và Bộ CHQS tỉnh Lai Châu giành giải ba. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao các giải cá nhân giỏi toàn năng, giỏi các môn thi cho nhiều cá nhân khác.

Phạm Hoàng Hà (Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Bắc Ninh tổ chức Lễ tiếp nhận 21 tảng đá chủ quyền Trường Sa


Tối 20/9, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã long trọng tổ chức Lễ tiếp nhận 21 tảng đá chủ quyền Trường Sa, do Bộ Tư lệnh Hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng.

Tại buổi lễ, các đại biểu được xem phóng sự về đời sống của người chiến sĩ trên đảo Trường Sa, đan xen các chương trình văn nghệ đặc sắc với làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Đoàn Nghệ thuật Hải quân… biểu diễn.

Đá san hô Trường Sa

Đá san hô Trường Sa

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân đã trao tặng 21 tảng đá san hô – đá chủ quyền Trường Sa cho Ban Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Để bày tỏ tình cảm của nhân dân tỉnh Bắc Ninh hướng về Trường Sa thân yêu, tỉnh Bắc Ninh đã trao tặng 500 triệu đồng cho nhân dân huyện đảo và trao tặng một chiếc xuồng trị giá 3,5 tỷ đồng cho Bộ Tư lệnh Hải quân.

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận đá chủ quyền, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy bày tỏ: Với sự hiện diện của đá chủ quyền Trường Sa tại Bắc Ninh, người Bắc Ninh có thêm niềm tự hào mới. Mặc dù là địa phương không nằm giáp biển nhưng vẫn được chiêm ngưỡng, gần gũi, gìn giữ đá chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với tình cảm biển là nhà – đảo là quê hương, làm cho Trường Sa không xa, càng gần với Bắc Ninh hơn.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Ninh nhận thức sâu sắc hơn về chiến lược biển Việt Nam; biển, đảo là phiên dậu của quốc gia, cùng chung tay góp sức, cả nước vì biển, đảo của Tổ quốc. Nhân dân tỉnh Bắc Ninh gửi tới chiến sỹ và nhân dân đảo Trường Sa tình cảm thân thiết nhất.

Nhân dịp này, tỉnh Bắc Ninh trao tặng phần quà cho 11 gia đình có con em là người Bắc Ninh đang công tác tại Quần đảo Trường Sa. Những tảng đá chủ quyền Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng sẽ được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh để phục vụ nhân dân đến tham quan, nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Thái Hùng (Theo TTXVN)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đoàn công tác Bộ Quốc phòng tiếp tục làm việc tại các đơn vị phía Nam


Ngày 22-9, Trung tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Nguyễn Huệ, Trung đoàn 935 (Sư đoàn Không quân 370), Nhà máy A42 ( Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội-Chi nhánh tỉnh Đồng Nai.

Trung tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên học viên Trường Đại học Nguyễn Huệ

Trung tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên học viên Trường Đại học Nguyễn Huệ

Những năm qua, Trường Đại học Nguyễn Huệ đã thực hiện tốt công tác giáo dục-đào tạo và hậu cần, tài chính; đến nay trường đã đào tạo 62 khóa học với hơn 50.000 học viên; đào tạo học viên sĩ quan Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia.

Trung tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên phi công Trung đoàn 935 đang thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ

Trung tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên phi công Trung đoàn 935 đang thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ

Kiểm tra công tác huấn luyện, SSCĐ, trực chiến của Trung đoàn 935 và khu kỹ thuật sửa chữa máy bay của Nhà máy A42, Trung tướng Lê Hữu Đức đánh giá cao tinh thần cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ  của cán bộ, chiến sĩ. Trung đoàn 935 đã thực hiện gần 1.200 giờ bay, đạt hơn 83% kế hoạch năm.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo chi nhánh chú trọng đến công tác tuyển chọn, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ công nhân viên và mở rộng thị trường kinh doanh.

Cường Minh (Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh gửi tham luận đến Hội thảo “Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển”


Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011), ngày 22/9, tại Hải Phòng, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu tham luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi tới Hội thảo.

 Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới thăm và kiểm tra đường tuần tra biên giới tại Sơn La năm 2008.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới thăm và kiểm tra đường tuần tra biên giới tại Sơn La năm 2008.

Cách đây tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của lực lượng vận tải quân sự chiến lược trên biển. Từ đây mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; con đường thể hiện của ý chí, khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc ta. Tuyến đường với những con tàu không số đã gắn liền với tên tuổi, địa danh và biết bao chiến công hiển hách của các anh hùng, liệt sĩ, của quân và dân các địa phương, đặc biệt là Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. 50 năm đã qua, nhưng Đường Hồ Chí Minh trên biển đã và sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với Bộ đội Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải, nơi tuyến đường đi qua.

Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi bày tỏ sự tri ân và tôn vinh đối với những đóng góp và hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

    Một con tàu không số của Đoàn 125 hành trình trên biển vào miền Nam.

Một con tàu không số của Đoàn 125 hành trình trên biển vào miền Nam.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trang vàng chói lọi, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, của lòng dũng cảm, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam. Chiến thắng đó còn đi vào lịch sử thế giới như một trong những chiến công vĩ đại nhất của thế kỷ XX – một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Có được thành quả cách mạng vĩ đại ấy, dân tộc ta phải trải qua những chặng đường đấu tranh đầy gian nan, thử thách; đã kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, giá trị văn hóa và nền nghệ thuật quân sự đặc sắc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi mà dân tộc ta giành được là sự hội tụ, kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó Đường Hồ Chí Minh trên bộ xuyên dãy Trường Sơn và Đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò quan trọng. Đây thực sự là một sáng tạo độc đáo về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương trong cuộc đấu trí, đấu lực với các âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức mạnh của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Dựa vào viện trợ và điều hành của Mỹ, chính quyền Diệm đã ra sức chống phá Hiệp định Giơ-ne-vơ, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Nam – Bắc; tiến hành chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát hàng vạn đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam.

Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 15 (khóa 2), xác định con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 đã mở ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, tạo nên bước nhảy vọt, mà đỉnh cao là Phong trào Đồng khởi (1959-1960).

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 15, các cấp ủy Đảng ở miền Nam đã nhanh chóng lãnh đạo, chuyển phương châm đấu tranh, phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đưa phong trào cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, giành quyền làm chủ ở vùng nông thôn và ven đô thị. Cùng với quá trình đấu tranh cách mạng, LLVT cách mạng miền Nam không ngừng lớn mạnh, từ những đội vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền đã phát triển thành các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực; bắt đầu hình thành ba thứ quân bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Hệ thống chỉ huy quân sự cũng được hình thành đến cấp huyện, xã.

Nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam trực tiếp chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau đổi tên là Đoàn 559), có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tiếp đó, tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Để giữ bí mật, tiểu đoàn hoạt động dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.

Do vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với các loại vũ khí, thiết bị tối tân hiện đại nhất của nền khoa học – công nghệ quân sự Mỹ để đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường tiếp viện của ta trên biển. Những con đường, các bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch. Trên con đường vận chuyển ấy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt” đã xác định quyết tâm, âm thầm hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, biết rằng ra đi là cảm tử, vẫn chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, sóng gió. Và vượt lên tất cả là chiến thắng chính bản thân mình, đòi hỏi cao ý chí kiên định, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh.

Những ngày đầu hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, chúng ta lại chưa có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về tình hình cụ thể tại các tỉnh duyên hải phía Nam, nên chuyến vượt biển đầu tiên bằng thuyền buồm của Tiểu đoàn 603 không thành công. Thuyền gặp gió mùa, sóng lớn, bị trôi dạt và không về được tới đích; cả 6 thuyền viên đều bị địch bắt. Tiểu đoàn 603 phải tạm ngừng hoạt động trên biển để tìm giải pháp và phương thức vận chuyển phù hợp. Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759. Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam trên biển là sự kiện hết sức có ý nghĩa. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2) đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các LLVT trên chiến trường miền Nam.

Sau thất bại trong “Cuộc chiến tranh một phía” (1954-1960), đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), ráo riết thực hiện các cuộc hành quân tìm diệt, tiến hành bình định để nắm đất, nắm dân theo kiểu “tát nước bắt cá”, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng biệt kích và phong tỏa biên giới, vùng biển để ngăn chặn chi viện của miền Bắc. Nhằm đáp ứng nhu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam ngày một lớn, trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt vận chuyển vũ khí vào Nam. Đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Cà Mau. Ngày 19-10, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, toàn bộ vũ khí được cơ sở tiếp nhận đúng kế hoạch. Sau chuyến đi thành công đó, Đoàn 759 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện động viên, biểu dương cán bộ, chiến sĩ và căn dặn cần rút kinh nghiệm chuyến đi, tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam-Bắc sớm sum họp một nhà.

Với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã mở ra một hướng chi viện mới, hết sức quan trọng, đưa hàng chi viện của miền Bắc đến với các chiến trường xa mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa có điều kiện vươn tới được. Tháng 8-1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và quân chủng trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân. Trong hơn 3 năm hoạt động (1962-1965), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ 89 chuyến tàu, với gần 5000 tấn vật chất, chủ yếu là vũ khí, đạn dược.

Tuy nhiên, từ sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2-1965), địch tăng cường hoạt động tuần tiễu ngăn chặn, chống xâm nhập. Đoàn 125 phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu đi theo đường hàng hải quốc tế và bí mật bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Đến tháng 2-1968, do sự ngăn chặn, chống xâm nhập của địch ngày càng gay gắt, Đường Hồ Chí Minh trên biển phải tạm dừng hoạt động. Trong 4 năm (1965-1968), Đoàn 125 đã tổ chức 27 chuyến tàu, trong đó chỉ có 7 chuyến tàu tới đích, giao được hơn 400 tấn hàng quân sự cho các chiến trường.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển được một khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến, sau đó Đoàn 559 vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vũ khí, đạn dược ngày càng tăng cho chiến trường miền Nam, ta còn tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia). Bằng cách này, Đoàn 125 đã đưa vào chiến trường miền Nam hơn 90.000 tấn hàng hóa, trong đó có hơn 20.000 tấn vũ khí, đạn dược. Từ cuối năm 1970, sau khi tuyến đường vận chuyển qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia) bị cắt đứt, theo sự chỉ đạo của Đảng ủy-Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 đã chủ động tìm đường vận chuyển mới bằng cách men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển Đông Bắc Ma-lai-xi-a, qua Vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Nam Du để đưa tàu cập các bến bãi miền Tây Nam Bộ. Tuy phải đi vòng rất xa và phải dự trữ đủ lượng xăng dầu, lương thực cần thiết cho một chuyến đi dài ngày; phải đối mặt với bao thách thức, cam go, nhưng Đoàn 125 đã giao được hơn 300 tấn vũ khí, đạn dược cho Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Đây là một cố gắng lớn của Đoàn 125 trong điều kiện địch tăng cường bao vây, ngăn chặn và đánh phá ác liệt.

Hiệp định Pa-ri được ký kết (năm 1973), thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đoàn 125 tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, các đội tàu của Đoàn 125 lại tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam, đặc biệt đã kịp thời chi viện cho các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho các chiến trường miền Nam. Mặc dù số lượng vũ khí và hàng hóa Đoàn 125 vận chuyển bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển còn khiêm tốn so với lượng hàng hóa, vũ khí vận chuyển qua Đường Hồ Chí Minh trên bộ, nhưng có ý nghĩa rất lớn. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành mũi thọc sâu, vu hồi lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ chưa thể vươn tới được. Vận tải biển rất gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương sứ mệnh rất quan trọng, đó là đưa đón hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Đoàn 125 còn vận chuyển nhiều loại vũ khí, trang bị đặc biệt, có tầm quan trọng sống còn đối với cuộc kháng chiến của quân và dân ta.

Những chiến công của các lực lượng tuyến chi viện chiến lược trên biển là minh chứng cụ thể của sự chỉ đạo sát sao và tài thao lược của Đảng. Để từng bước hình thành, phát triển tuyến đường chiến lược trên biển, chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho các chiến trường đánh thắng quân xâm lược, Đảng ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn. Nhân dân các địa phương luôn sẵn sàng đóng góp của cải và công sức cho tuyến vận tải chiến lược trên biển được thông suốt. Các nước anh em, bè bạn trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vật chất và ủng hộ tinh thần hết sức lớn lao và hiệu quả.

Sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những chiến công của lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng minh về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa thuận lợi, vừa có những thách thức mới. Xu thế toàn cầu hóa đang tác động sâu sắc, toàn diện trên bình diện quốc tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khách quan trước mỗi quốc gia. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động, nhưng còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng phức tạp. Nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam là tiếp tục làm nòng cốt cùng với toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển kinh tế, xã hội và quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và trên thế giới, xứng đáng là lực lượng nòng cốt làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển trước đây cũng như hiện nay.

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

PV

(Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Nơi nâng cao nhận thức và năng lực hoạt động thực tiễn


“Hội thi là cơ hội hết sức thuận lợi để các cán bộ rèn luyện nhằm nâng cao nhận thức và năng lực hành động thực tiễn, phục vụ đắc lực quá trình công tác sau này”, đó là chia sẻ của nhiều cán bộ tham dự Hội thi Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011.

Thực vậy, đến với Hội thi, các cán bộ có điều kiện củng cố, hệ thống lại kiến thức lý luận, bao gồm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp quy của Nhà nước, Chính phủ về quốc phòng-an ninh…Đặc biệt, các Chỉ huy trưởng, Chính uỷ Bộ CHQS các tỉnh, thành phố còn phát huy được tư duy sáng tạo, năng lực điều hành, chỉ đạo thông qua việc xây dựng và bảo vệ quyết tâm tác chiến phòng thủ.

Trên trường bắn, những phát đạn súng K54 nổ giòn, “vẽ” trên bia những điểm giỏi đã thêm một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trình độ của các cán bộ tham dự Hội thi năm nay.

Có mặt tại Trung tâm huấn luyện Miếu Môn trong những ngày diễn ra Hội thi, phóng viên báo QĐND Online xin gửi tới bạn đọc một số hình ảnh về Hội thi này.

Hà Hồng Trường

Theo QDND

    Bắn súng ngắn K54 bài 1 là một trong 5 nội dung được đưa vào Hội thi

Bắn súng ngắn K54 bài 1 là một trong 5 nội dung được đưa vào Hội thi

 

    Tại tuyến phát đạn

Tại tuyến phát đạn

 

    Trong quá trình các cán bộ dự thi lên tuyến bắn...

Trong quá trình các cán bộ dự thi lên tuyến bắn...

 

    ...cũng là lúc tổ phục vụ của Trung tâm huấn luyện Miếu Môn cơ động về tuyến cắm bia, làm công tác chuẩn bị bia

...cũng là lúc tổ phục vụ của Trung tâm huấn luyện Miếu Môn cơ động về tuyến cắm bia, làm công tác chuẩn bị bia

 

    Thiếu tướng Vũ Cao Quân, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS thành phố Cần Thơ trong phần thi bắn súng ngắn K54 bài 1

Thiếu tướng Vũ Cao Quân, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS thành phố Cần Thơ trong phần thi bắn súng ngắn K54 bài 1

 

    Trung tướng Đỗ Bá Tỵ kiểm tra kết quả bắn súng K54

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ kiểm tra kết quả bắn súng K54

 

    Với phương pháp thi "cuốn chiếu", tại khu vực khán đài trường bắn quốc tế, một bộ phận cán bộ khác tham gia thi môn điều lệnh

Với phương pháp thi "cuốn chiếu", tại khu vực khán đài trường bắn quốc tế, một bộ phận cán bộ khác tham gia thi môn điều lệnh

 

 

 


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn hy sinh dũng cảm khi xử lý đạn


Sáng thứ hai (19-9), sau lễ chào cờ đầu tuần, Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn cùng tổ kỹ thuật tháo gỡ và xử lý đạn (Trạm Bảo dưỡng sửa chữa vũ khí đạn Kho K55 – Cục Kỹ thuật, Quân khu 5) bắt tay vào tiếp tục công việc dang dở: Tháo gỡ và xử lý đạn M72 do quân đội Mỹ để lại từ thời chiến tranh, phục vụ công tác nghiên cứu, chế tạo của ngành công nghiệp quốc phòng. Được các kỹ sư của Học viện Kỹ thuật Quân sự và cán bộ Phòng Quân khí Quân khu 5 hướng dẫn quy trình kỹ thuật, xác định đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, có thể phải hy sinh cả tính mạng, song Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn và đồng đội vẫn vui vẻ nhận và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và coi trọng các biện pháp bảo đảm an toàn, trong hai ngày 15 và 16-9, các anh đã xử lý 200 quả đạn. Sáng 19-9, sau khi xử lý thành công 20 quả M72 thì bất ngờ một quả đạn phát nổ.

Là người trực tiếp đảm nhận khâu mở ngòi nổ, Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn đã hy sinh dũng cảm, một số quân nhân khác bị thương.

Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn

Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn

Nguyễn Văn Trấn sinh ngày 14-1-1974 tại xã Tam Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tháng 4-1992, anh được tuyển dụng công nhân viên quốc phòng và tham gia lớp đào tạo nhân viên bảo quản vũ khí tại Trường Sơ cấp Kỹ thuật Quân khu 5. Từ tháng 8-1992 đến nay, công tác tại Kho K55, anh luôn tích cực, năng nổ, tận tụy trong công việc, sống chan hòa, đoàn kết với mọi người, được cấp trên tin tưởng, đồng đội quý trọng. Sự ra đi của anh để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình và đơn vị. Trung tá Mai Thanh Loan, Trạm trưởng Trạm Bảo dưỡng sửa chữa vũ khí đạn Kho K55 đau đớn nói: “Trấn mất đi là một mất mát to lớn của đơn vị. Làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, lại có nhiều kinh nghiệm, từng đoạt giải cao tại hội thi bảo quản viên giỏi nên giao cho Trấn đảm nhận bất cứ việc gì, chỉ huy đơn vị cũng rất yên tâm. Nguyễn Văn Trấn còn là một tấm gương về tinh thần trách nhiệm. Ngay cả lúc vợ đau ốm, hai con còn nhỏ, dù phải đi công tác xa, nhưng chưa bao giờ Trấn thoái thác nhiệm vụ”.

Hai ngày nay, chị Hồ Thị Thoa (Thượng úy QNCN, nhân viên nuôi quân Kho K55) đã khóc đến cạn nước mắt. Anh chị quen nhau và bén duyên cũng tại vùng kho này. Chị bảo, tính anh lành lắm, lại rất mực chu toàn. Thương vợ sức khỏe yếu, công việc chuyên môn bận rộn, nên hết giờ làm việc anh đi đón hai con (cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ vào lớp 1) rồi cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… Gia đình nội ngoại đều ở xa, đồng lương công chức hạn hẹp, cuộc sống kinh tế còn chật vật, song chưa bao giờ anh kêu ca phàn nàn. Sáng 19-9, trước khi đi làm, anh dặn: “Trưa nay anh không về, em nhớ lo cơm nước cho các con”. Nào ngờ đó cũng là lời từ biệt cuối cùng…

Chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của gia đình, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi vòng hoa viếng và hỗ trợ 50 triệu đồng; Bộ tư lệnh Quân khu 5 bước đầu hỗ trợ 10 triệu đồng (ngoài ra còn ủng hộ 18 triệu đồng cho các đồng chí bị thương), đồng thời yêu cầu các đơn vị trong LLVT Quân khu phát động đợt thi đua sâu rộng học tập tấm gương hy sinh dũng cảm của Đại úy QNCN Nguyễn Văn Trấn, đoàn kết nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đỗ Thị Ngọc Diệp

(Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)