Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011), ngày 22/9, tại Hải Phòng, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu tham luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi tới Hội thảo.
Cách đây tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của lực lượng vận tải quân sự chiến lược trên biển. Từ đây mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; con đường thể hiện của ý chí, khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc ta. Tuyến đường với những con tàu không số đã gắn liền với tên tuổi, địa danh và biết bao chiến công hiển hách của các anh hùng, liệt sĩ, của quân và dân các địa phương, đặc biệt là Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. 50 năm đã qua, nhưng Đường Hồ Chí Minh trên biển đã và sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với Bộ đội Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải, nơi tuyến đường đi qua.
Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi bày tỏ sự tri ân và tôn vinh đối với những đóng góp và hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trang vàng chói lọi, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, của lòng dũng cảm, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam. Chiến thắng đó còn đi vào lịch sử thế giới như một trong những chiến công vĩ đại nhất của thế kỷ XX – một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Có được thành quả cách mạng vĩ đại ấy, dân tộc ta phải trải qua những chặng đường đấu tranh đầy gian nan, thử thách; đã kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, giá trị văn hóa và nền nghệ thuật quân sự đặc sắc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi mà dân tộc ta giành được là sự hội tụ, kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó Đường Hồ Chí Minh trên bộ xuyên dãy Trường Sơn và Đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò quan trọng. Đây thực sự là một sáng tạo độc đáo về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương trong cuộc đấu trí, đấu lực với các âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức mạnh của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam. Dựa vào viện trợ và điều hành của Mỹ, chính quyền Diệm đã ra sức chống phá Hiệp định Giơ-ne-vơ, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Nam – Bắc; tiến hành chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát hàng vạn đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam.
Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 15 (khóa 2), xác định con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 đã mở ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, tạo nên bước nhảy vọt, mà đỉnh cao là Phong trào Đồng khởi (1959-1960).
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 15, các cấp ủy Đảng ở miền Nam đã nhanh chóng lãnh đạo, chuyển phương châm đấu tranh, phát động quần chúng nổi dậy, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đưa phong trào cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, giành quyền làm chủ ở vùng nông thôn và ven đô thị. Cùng với quá trình đấu tranh cách mạng, LLVT cách mạng miền Nam không ngừng lớn mạnh, từ những đội vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền đã phát triển thành các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực; bắt đầu hình thành ba thứ quân bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Hệ thống chỉ huy quân sự cũng được hình thành đến cấp huyện, xã.
Nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam trực tiếp chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau đổi tên là Đoàn 559), có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tiếp đó, tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Để giữ bí mật, tiểu đoàn hoạt động dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.
Do vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với các loại vũ khí, thiết bị tối tân hiện đại nhất của nền khoa học – công nghệ quân sự Mỹ để đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường tiếp viện của ta trên biển. Những con đường, các bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch. Trên con đường vận chuyển ấy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt” đã xác định quyết tâm, âm thầm hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, biết rằng ra đi là cảm tử, vẫn chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, sóng gió. Và vượt lên tất cả là chiến thắng chính bản thân mình, đòi hỏi cao ý chí kiên định, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh.
Những ngày đầu hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, chúng ta lại chưa có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về tình hình cụ thể tại các tỉnh duyên hải phía Nam, nên chuyến vượt biển đầu tiên bằng thuyền buồm của Tiểu đoàn 603 không thành công. Thuyền gặp gió mùa, sóng lớn, bị trôi dạt và không về được tới đích; cả 6 thuyền viên đều bị địch bắt. Tiểu đoàn 603 phải tạm ngừng hoạt động trên biển để tìm giải pháp và phương thức vận chuyển phù hợp. Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759. Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam trên biển là sự kiện hết sức có ý nghĩa. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2) đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các LLVT trên chiến trường miền Nam.
Sau thất bại trong “Cuộc chiến tranh một phía” (1954-1960), đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), ráo riết thực hiện các cuộc hành quân tìm diệt, tiến hành bình định để nắm đất, nắm dân theo kiểu “tát nước bắt cá”, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng biệt kích và phong tỏa biên giới, vùng biển để ngăn chặn chi viện của miền Bắc. Nhằm đáp ứng nhu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam ngày một lớn, trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt vận chuyển vũ khí vào Nam. Đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Cà Mau. Ngày 19-10, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, toàn bộ vũ khí được cơ sở tiếp nhận đúng kế hoạch. Sau chuyến đi thành công đó, Đoàn 759 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện động viên, biểu dương cán bộ, chiến sĩ và căn dặn cần rút kinh nghiệm chuyến đi, tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam-Bắc sớm sum họp một nhà.
Với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã mở ra một hướng chi viện mới, hết sức quan trọng, đưa hàng chi viện của miền Bắc đến với các chiến trường xa mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa có điều kiện vươn tới được. Tháng 8-1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và quân chủng trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân. Trong hơn 3 năm hoạt động (1962-1965), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ 89 chuyến tàu, với gần 5000 tấn vật chất, chủ yếu là vũ khí, đạn dược.
Tuy nhiên, từ sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2-1965), địch tăng cường hoạt động tuần tiễu ngăn chặn, chống xâm nhập. Đoàn 125 phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu đi theo đường hàng hải quốc tế và bí mật bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Đến tháng 2-1968, do sự ngăn chặn, chống xâm nhập của địch ngày càng gay gắt, Đường Hồ Chí Minh trên biển phải tạm dừng hoạt động. Trong 4 năm (1965-1968), Đoàn 125 đã tổ chức 27 chuyến tàu, trong đó chỉ có 7 chuyến tàu tới đích, giao được hơn 400 tấn hàng quân sự cho các chiến trường.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển được một khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến, sau đó Đoàn 559 vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vũ khí, đạn dược ngày càng tăng cho chiến trường miền Nam, ta còn tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia). Bằng cách này, Đoàn 125 đã đưa vào chiến trường miền Nam hơn 90.000 tấn hàng hóa, trong đó có hơn 20.000 tấn vũ khí, đạn dược. Từ cuối năm 1970, sau khi tuyến đường vận chuyển qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia) bị cắt đứt, theo sự chỉ đạo của Đảng ủy-Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 đã chủ động tìm đường vận chuyển mới bằng cách men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển Đông Bắc Ma-lai-xi-a, qua Vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Nam Du để đưa tàu cập các bến bãi miền Tây Nam Bộ. Tuy phải đi vòng rất xa và phải dự trữ đủ lượng xăng dầu, lương thực cần thiết cho một chuyến đi dài ngày; phải đối mặt với bao thách thức, cam go, nhưng Đoàn 125 đã giao được hơn 300 tấn vũ khí, đạn dược cho Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Đây là một cố gắng lớn của Đoàn 125 trong điều kiện địch tăng cường bao vây, ngăn chặn và đánh phá ác liệt.
Hiệp định Pa-ri được ký kết (năm 1973), thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đoàn 125 tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, các đội tàu của Đoàn 125 lại tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam, đặc biệt đã kịp thời chi viện cho các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho các chiến trường miền Nam. Mặc dù số lượng vũ khí và hàng hóa Đoàn 125 vận chuyển bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển còn khiêm tốn so với lượng hàng hóa, vũ khí vận chuyển qua Đường Hồ Chí Minh trên bộ, nhưng có ý nghĩa rất lớn. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành mũi thọc sâu, vu hồi lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ chưa thể vươn tới được. Vận tải biển rất gian nan, nguy hiểm, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian và hiệu quả. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương sứ mệnh rất quan trọng, đó là đưa đón hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Đoàn 125 còn vận chuyển nhiều loại vũ khí, trang bị đặc biệt, có tầm quan trọng sống còn đối với cuộc kháng chiến của quân và dân ta.
Những chiến công của các lực lượng tuyến chi viện chiến lược trên biển là minh chứng cụ thể của sự chỉ đạo sát sao và tài thao lược của Đảng. Để từng bước hình thành, phát triển tuyến đường chiến lược trên biển, chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho các chiến trường đánh thắng quân xâm lược, Đảng ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn. Nhân dân các địa phương luôn sẵn sàng đóng góp của cải và công sức cho tuyến vận tải chiến lược trên biển được thông suốt. Các nước anh em, bè bạn trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vật chất và ủng hộ tinh thần hết sức lớn lao và hiệu quả.
Sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những chiến công của lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng minh về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa thuận lợi, vừa có những thách thức mới. Xu thế toàn cầu hóa đang tác động sâu sắc, toàn diện trên bình diện quốc tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khách quan trước mỗi quốc gia. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động, nhưng còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng phức tạp. Nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam là tiếp tục làm nòng cốt cùng với toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển kinh tế, xã hội và quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và trên thế giới, xứng đáng là lực lượng nòng cốt làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển trước đây cũng như hiện nay.
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
PV
(Theo QDND)
(Theo website Phùng Quang Thanh)