Đại tướng Phùng Quang Thanh tới thăm một số gia đình có công với nước


Ngày 25-7, trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ với nhiều hoạt động tri ân làm ngời sáng đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, tại Hà Nội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tới thăm một số gia đình có công với nước. Cùng đi với Đại tướng Phùng Quang Thanh có Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân.

“Dĩ công vi thượng” trong việc tình nghĩa

Đã thành nếp, cứ đi công tác đông người, Đại tướng Phùng Quang Thanh  lại chỉ đạo Văn phòng Bộ Quốc phòng bố trí đi xe chung để tiết kiệm. Lần này cũng vậy, toàn Đoàn công tác của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trong đó có Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đi chung trên một chiếc ô tô 16 chỗ. Nhờ vậy, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp ngồi gần Bộ trưởng. Tranh thủ lúc trên xe, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dặn phóng viên Báo Quân đội nhân dân:

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh nói chuyện với gia đình Trung tướng Nguyễn Văn Cốc.

- Chuyến này, do lịch công tác của tôi bận nên chỉ đi thăm được một số gia đình chính sách. Đây đều là những gia đình chính sách tiêu biểu nên khi viết bài, đồng chí nhớ nêu rõ thành tích chiến đấu của từng người. Thông qua tấm gương của một vài cá nhân tiêu biểu cũng có thể nêu bật được truyền thống yêu nước và phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ. Cũng qua đó, nói rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với thương binh, liệt sĩ và những người có công với nước.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tâm sự: Kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay đúng vào dịp diễn ra kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, phần đông các đồng chí lãnh đạo cấp cao của đất nước đều bận rộn. Tuy vậy, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn yêu cầu các đồng chí trong Bộ Chính trị, cố gắng sắp xếp thời gian đến thăm các đối tượng chính sách và người có công.

Thiếu tướng Vũ Hữu Luận, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) nói nhỏ với tôi:

- Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng là con liệt sĩ. Thân sinh của Đại tướng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1950). Ông cụ hy sinh từ khi Đại tướng mới một tuổi. Tôi biết mấy ngày gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương có mời Đại tướng về quê dự lễ kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ và thắp hương cho ông cụ, nhưng tiếc là lịch làm việc của Đại tướng đã kín, không thể về được. Vậy nhưng, Đại tướng vẫn gắng bố trí thời gian để đến thăm các gia đình liệt sĩ.

Tôi nhớ lại một số lần đi cùng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một trong những điều Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tâm đắc nhất là lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong công việc phải có tinh thần “dĩ công vi thượng”. Lần này cũng vậy, Bộ trưởng vẫn đặt “dĩ công vi thượng” làm đầu.

phung-quang-thanh

Trung tướng Nguyễn Văn Cốc tặng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cuốn sách viết về mình.

Nhân nghĩa là cội nguồn sức mạnh

Trước khi đến thăm các gia đình liệt sĩ, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành thời gian tìm hiểu về tấm gương, hoàn cảnh hy sinh, cũng như cống hiến của từng liệt sĩ. Khi đến thăm gia đình liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Xuân Thiều ở phố Đặng Dung (Hà Nội), Đại tướng đã cùng gia đình xúc động ôn lại khoảnh khắc quyết tử đã đi vào sử sách của Vũ Xuân Thiều. Đêm 28-12-1972, khi nhận lệnh xuất kích tiêu diệt B52 của giặc Mỹ đang bay vào tàn phá Hà Nội, phi công Vũ Xuân Thiều lập tức tăng tốc, quả tên lửa thứ nhất rồi quả thứ hai phóng đi. “Con quái vật” bị thương, nhưng vẫn cố gượng bay về Hà Nội trút bom. Không để những trái bom tội ác của địch ném xuống, nhưng đạn đã hết, vũ khí duy nhất của Vũ Xuân Thiều lúc này là tinh thần cảm tử. Vũ Xuân Thiều hướng ánh mắt trìu mến về phía Hà Nội gửi lời chào vĩnh biệt thành phố thân yêu rồi lao thẳng con én bạc vào chiếc B52. Một tiếng nổ khủng khiếp của hàng chục tấn bom làm biến dạng cả bầu trời đêm cùng với vầng lửa bùng cháy dữ dội. Chiếc B52 tan thành muôn mảnh…

Bà Vũ Thị Kim Thịnh, chị gái liệt sĩ Vũ Xuân Thiều rất xúc động. Bà nói ngắt quãng: “Chú Thiều nhà tôi hy sinh đã gần 40 năm rồi nhưng tình cảm, sự quan tâm từ những người đồng đội, từ lãnh đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng vẫn luôn ấm nồng. Lần này là lần thứ hai Bộ trưởng đến thắp hương cho em tôi. Tên của chú ấy giờ đã được đặt cho một tuyến phố của Thủ đô Hà Nội. Đời sống của gia đình tôi được Đảng, Nhà nước, quân đội chăm lo chu đáo. Tôi thật không biết nói gì để bày tỏ lời cảm ơn”.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh  đã đến thăm gia đình liệt sĩ Trương Hoài Châu ở ngõ 126/1, đường Hoàng Văn Thái (Hà Nội). Chị Nguyễn

phung-quang-thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh thắp hương tưởng nhớ Liệt sĩ Trương Hoài Châu.

Hương Trà, vợ liệt sĩ cũng vô cùng xúc động khi nghe Bộ trưởng nhắc lại trường hợp hy sinh và những thành tích trong công tác của anh Châu. Bộ trưởng ân cần hỏi thăm việc học tập của hai cháu (con của anh chị). Khi biết chỉ huy Trung đoàn 918 cũng có mặt trong cuộc gặp, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trầm tư: “Khi còn sống, đồng chí Trương Hoài Châu là một phi công, một trung đoàn trưởng giỏi có tiếng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội khi gặp tôi vẫn không tin được một đồng chí phi công tài năng, dày dạn kinh nghiệm như vậy đã hy sinh. Đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng những người lính chúng ta vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, nguy hiểm. Để xây dựng quân đội từng bước hiện đại, chúng ta càng cần hơn nữa những con người vừa tài năng, vừa dũng cảm như tấm gương của đồng chí Trương Hoài Châu. Chị Hương Trà có kiến nghị, đề nghị gì với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thì cứ mạnh dạn trình bày. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi cố gắng làm thật tốt chính sách hậu phương quân đội, để những người hy sinh vì Tổ quốc được yên lòng. Bởi lẽ, những việc làm đó không chỉ là chính sách, mà là nguồn cội tạo nên sức mạnh dân tộc, sức mạnh chiến đấu của quân đội”.

Truyền nghị lực và niềm tin đến thế hệ trẻ

Trên đường đến thăm nhà Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Cốc, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Đại tướng Phùng Quang Thanh hỏi các nhà báo:

- Các đồng chí có biết chuyện Anh hùng Nguyễn Văn Cốc từng được Bác Hồ khen không?

Chuyện này thì chúng tôi đều biết. Tết năm 1967, Bác Hồ đến thăm Quân chủng Phòng không – Không quân. Đang trong không khí ngày Tết, lại được nghe báo cáo thành tích của phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ, Bác liền gọi Nguyễn Văn Cốc lên ôm hôn và nói vui: “Năm nay Bác mong muốn có nhiều “Cốc” hơn nữa!”.

Anh hùng Nguyễn Văn Cốc bị tai nạn đã 8 năm nay. Ông bị tổn thương tủy sống dẫn đến liệt các chi. Điều đáng khâm phục là dù bệnh tật, đau yếu và có giai đoạn gần như liệt toàn thân, nhưng Anh hùng Nguyễn Văn Cốc vẫn lạc quan, tin tưởng vào khả năng hồi phục của mình. Những khi phải vào viện, ông không đòi hỏi bệnh viện bất kỳ sự ưu đãi nào mà luôn tâm niệm mình cũng như những bệnh nhân khác, những đồng đội khác. Ở nhà, ông tự xây dựng phòng tập luyện phục hồi chức năng, tự dựng xà, cáp, treo mình lên để luyện tập. Sức khỏe ông vì vậy đã dần hồi phục. Bây giờ, ông đã có thể ngồi trò chuyện, các ngón tay cũng bắt đầu co giãn trở lại. Đón Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc cảm động nói:

- Tôi rất biết ơn Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đặc biệt là cá nhân đồng chí Bộ trưởng. Các đồng chí đã dành cho tôi sự quan tâm lớn trong quãng thời gian chiến đấu với bệnh tật suốt 8 năm qua. Nói thật là chính nhờ sự quan tâm của các đồng chí mà tôi mới vượt qua được những thử thách nghiệt ngã của bệnh tật.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói:

- Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình sức khỏe của anh. Thời gian qua, anh đã chứng tỏ mình không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn anh hùng trong việc khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đời thường. Tôi nghĩ, câu chuyện chữa bệnh của anh mà được nói ra, kể lại cho chiến sĩ trẻ nghe thì thật đáng quý, đáng trân trọng. Nó là minh chứng hùng hồn về phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Vì thế, ai nghe được chuyện của anh cũng như được tiếp thêm nghị lực và niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.

Câu chuyện giữa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Trung tướng Nguyễn Văn Cốc ngày càng sôi nổi khi hai người chuyển sang những kỷ niệm về một thời đánh giặc, giải phóng quê hương. Họ đều là những người tiêu biểu của thế hệ mình, một người được tuyên dương Anh hùng năm 1969, một người được tuyên dương Anh hùng năm 1971. Chúng tôi, những phóng viên đi cùng Bộ trưởng, ngồi lặng nghe như đang được sống lại với những ký ức hào hùng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Bài và ảnh: Hồng Hải


(Theo website Phùng Quang Thanh)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét