Những hành vi khiêu khích, quấy rối của Trung Quốc trên biển Đông trong những ngày qua đã bị các nước và truyền thông khu vực cùng giới học giả quốc tế chỉ trích kịch liệt.
Trên báo Asia Times, cựu quan chức ngoại giao Mỹ David Brown cho rằng việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines trên biển Đông là hành vi “thô bạo chưa từng thấy”. Báo Philippines Daily Inquirer dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile mô tả Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” trong khu vực.
Ông Enrile nhận định Trung Quốc đang hành xử theo kiểu nước lớn cậy sức mạnh để bắt nạt các nước nhỏ láng giềng. Báo Jakarta Post dẫn lời chuyên gia an ninh Andi Widjajanto thuộc ĐH Indonesia nhận định việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines cho thấy Trung Quốc có ý đồ hành động đơn phương dù luôn lớn tiếng khẳng định muốn theo đuổi đàm phán hòa bình.
Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta, người sắp trở thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ, mới đây cũng cảnh báo Trung Quốc dường như đang xây dựng lực lượng để “đánh và thắng trong những cuộc xung đột ngắn, căng thẳng” dọc biên giới nước này. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Panetta nhấn mạnh Mỹ cần giám sát chặt chẽ việc mở rộng quân sự của Trung Quốc.
Cần tuân thủ UNCLOS, DOC
Phản ứng lại việc Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trắng trợn bịa đặt là “tàu Việt Nam tấn công tàu cá Trung Quốc”. Tương tự, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu tuyên bố việc Philippines tố cáo tàu Trung Quốc tấn công tàu thăm dò dầu khí Philippines là “tin đồn nhảm”!
Ông Lưu Kiến Siêu cũng thể hiện thái đội coi thường Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) khi khẳng định “UNCLOS là công cụ hữu ích để tổ chức và quản lý các vấn đề hàng hải, nhưng không phải là thứ duy nhất để kiểm soát việc các quốc gia đòi chủ quyền trên biển”.
Phản ứng lại, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định có đủ bằng chứng cho thấy tàu Trung Quốc quấy rối tàu Philippines. Ngày 10-6, ông Edwin Lacierda, người phát ngôn của tổng thống Philippines, kêu gọi “không đưa ra những tuyên bố mang tính kích động gây khó khăn hơn cho việc đạt được giải pháp đồng thuận” và khẳng định “cần đàm phán hòa bình về biển Đông, không chỉ giữa Philippines và Trung Quốc mà cả các nước đòi chủ quyền khác như Việt Nam”.
Theo báo Jakarta Post, Indonesia, nước chủ tịch ASEAN, đã kêu gọi các quốc gia đòi chủ quyền ở biển Đông cần quay lại Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) để giải quyết xung đột. “Các vụ việc trên biển Đông cho thấy ASEAN và Trung Quốc cần hoàn thiện bản hướng dẫn cách thực hiện DOC để thực hiện các nguyên tắc đã được các bên đồng ý” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene tuyên bố.
Ông Tene cũng cho rằng các bên cần nghiêm túc tôn trọng UNCLOS. “Mọi bên có liên quan cần tôn trọng lẫn nhau, giải quyết vấn đề qua các cuộc đàm phán hòa bình và tôn trọng các nguyên tắc của UNCLOS, đồng thời kiềm chế không sử dụng các phương tiện dẫn tới nguy cơ bạo lực leo thang”.
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cũng đã lên tiếng phản ứng về tình hình biển Đông. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Leslie Hull-Ryde cho biết: “Mỹ có quyền lợi quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông và ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đều đã khẳng định quan điểm của Mỹ về biển Đông”.
Người phát ngôn này nhắc lại Mỹ không đứng về bất cứ một phía nào, “nhưng chúng tôi cho rằng các nước đòi chủ quyền cần tuân thủ luật pháp quốc tế như đã được ghi rõ trong UNCLOS”.
Cần đưa vấn đề biển Đông ra diễn đàn quốc tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đưa vấn đề biển Đông ra các hội nghị quốc tế với sự tham dự của ASEAN.
* Tại sao tàu Trung Quốc liên tiếp quấy rối tàu Việt Nam trong khi ở Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết Bắc Kinh sẽ đảm bảo hòa bình, ổn định ở biển Đông?
- Có hai khả năng đã xảy ra. Thứ nhất, Cục Hải dương Trung Quốc, cơ quan kiểm soát các tàu hải giám, tự ý hành động với sự hỗ trợ của các chính quyền địa phương và Công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc. Ở Đối thoại Shangri-La, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định quân đội Trung Quốc không liên can gì đến các vụ việc này. Thứ hai, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã không thành thật. Nói cách khác là Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo. Một vụ cắt cáp tàu Việt Nam có thể chỉ là một sự kiện đột xuất, nhưng hai lần cắt cùng với việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Philippines cho thấy một kế hoạch có sự chuẩn bị từ trước.
Việc tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam trong khu kinh tế đặc quyền của Việt Nam là hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam. “Đường chín khúc” của Trung Quốc không hề có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Nhiều khả năng Trung Quốc muốn hành động cứng rắn để chia rẽ các quốc gia ASEAN. Trung Quốc hi vọng rằng bằng các hành động gây hấn, Bắc Kinh có thể buộc các thành viên ASEAN nhượng bộ và không dám đối đầu với Trung Quốc.
* Theo ông, Việt Nam cần phải phản ứng như thế nào?
- Việc Việt Nam tuyên bố đưa tàu Bình Minh 02 trở lại hoạt động ở biển Đông với tám tàu bảo vệ là động thái phản ứng phù hợp. Mọi tàu khảo sát dầu khí Việt Nam cần được bảo vệ. Việt Nam cũng cần xem xét tăng cường tuần tra bằng máy bay trên biển để sớm phát hiện tàu Trung Quốc và cảnh báo cho tàu Việt Nam. Việt Nam có lợi thế là hoạt động ngay gần đất liền.
Tuy nhiên, Việt Nam cần kiềm chế. Các tàu bảo vệ của Việt Nam chỉ nên chắn tàu Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Nếu tàu Việt Nam phản ứng mạnh, phía Trung Quốc sẽ chụp lấy cơ hội đó để vu khống Việt Nam gây hấn và là vấn đề. Trong các vụ việc vừa qua, Việt Nam là nạn nhân, do đó cần cẩn trọng để tránh rơi vào cái bẫy của Trung Quốc.
Đồng thời, Việt Nam cần phản ứng công khai, mạnh mẽ các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Việt Nam cần sắp xếp các cuộc gặp cấp cao với quan chức Trung Quốc để thảo luận vấn đề này. Tất nhiên, các nỗ lực này là chưa đủ để buộc Trung Quốc thay đổi thái độ. Việt Nam và Philippines cần hình thành quan điểm chung, vận động sự ủng hộ của Indonesia và các nước ASEAN. Và Việt Nam cần vận động để đưa vấn đề biển Đông ra các hội nghị cấp cao có sự tham gia của ASEAN, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
theo qdnd
(Theo www.phungquangthanh.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét