Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đối thoại Việt-Mỹ thành công tốt đẹp


Cuộc đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ hai đã đạt kết quả tốt và cho thấy mức độ gần gũi của mối quan hệ hai nước.

Đó là sự khẳng định của đồng chủ trì cuộc đối thoại, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và ông Robert Scher, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Mỹ ngay sau khi cuộc đối thoại kết thúc.

    Đối thoại Việt-Mỹ lần thứ hai thành công tốt đẹp

Đối thoại Việt-Mỹ lần thứ hai thành công tốt đẹp

Đánh giá về cuộc đối thoại, được tổ chức tại thủ đô Washington ngày 19/9, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh phía Việt Nam đã trao đổi một cách thẳng thắn với phía Mỹ những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có những nhận thức chung và những khác biệt.

Việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng hai nước về hợp tác quốc phòng cho thấy sự công khai, minh bạch về hợp tác quốc phòng, đồng thời khẳng định sự độc lập, tự chủ của Việt Nam về hợp tác quốc phòng để phục vụ cho lợi ích của hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Điểm nổi bật của cuộc đối thoại lần này là sự khẳng định mạnh mẽ của Mỹ về việc hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là vấn đề rà phá bom mìn.

Ngược lại, phía Việt Nam cũng khẳng định với phía Mỹ mong muốn hỗ trợ và hợp tác với Mỹ trong việc tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh.

Tại cuộc đối thoại, Việt Nam cũng đã trao cho Mỹ 6 hồ sơ về các hoạt động tìm kiếm song phương và nhận được lời cảm ơn của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong khi đó, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết hai bên đã tập trung vào các vấn đề trọng tâm hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng, thảo luận các vấn đề song phương và khu vực.

Ông Robert Scher đánh giá cao việc hai bên ký Bản ghi nhớ, trong đó nhấn mạnh những việc đang làm và sẽ làm. Ông cho biết hai bên sẽ tiếp tục làm việc trong các vấn đề như an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình, giao lưu quân sự và hỗ trợ nhân đạo trong khắc phục thảm họa.

Theo thỏa thuận của hai Bộ Quốc phòng, từ năm 2010, Việt Nam và Mỹ tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng hàng năm. Cuộc đối thoại năm ngoái diễn ra tại Hà Nội và đạt kết quả tốt.

Mục tiêu của các cuộc đối thoại là giúp hai Bộ Quốc phòng tăng cường hợp tác, nâng cao sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

PV

(Theo TTXVN/Vietnam+)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tiếp đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang


Ngày 19/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng tiếp tục đổi mới toàn diện sự lãnh đạo, chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ

Buổi làm việc với Bộ Quốc phòng của Chủ tịch nước đề cập tới chương trình công tác nhiệm kỳ 2011- 2015; những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Quốc phòng năm 2011; những vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết và rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chủ tịch nước về lĩnh vực quốc phòng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các lãnh đạo chủ chốt của Bộ, Tư lệnh các quân binh chủng đã báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tình hình hoạt động của quân đội thời gian qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng

Theo đó việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự từ Bộ đến các đơn vị được thực hiện tốt. Các cấp, ngành, địa phương cũng đã từng bước nâng cao chất lượng, tăng cường tiềm lực công tác quân sự, quốc phòng giữ vững chủ quyền quốc gia làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Các sự kiện lớn về chính trị, ngoại giao của đất nước được bảo vệ an toàn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả mà Bộ Quốc phòng đạt được trong thời gian qua, trong đó đã thực hiện tốt chức năng tham mưu đảm bảo an ninh quốc phòng; phối hợp với Bộ Công an giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, góp phần vào thành công Đại hội Đảng các cấp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh các đồng chí lãnh đạo quân đội cần tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tiếp tục triển khai đường lối quân sự quốc phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tăng cường xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại

Cũng trong ngày 19/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an.

Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đồng chí trong Đảng ủy cơ quan Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an báo cáo với Chủ tịch nước tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Công an với Văn phòng Chủ tịch nước và nêu một số kiến nghị, đề xuất của Bộ Công an với Đảng, Nhà nước.

Trung tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh thời gian tới cán bộ, chiến sỹ toàn ngành sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao kết quả mà Bộ Công an đã đạt được thời gian qua trong công tác đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự cũng như công tác xây dựng lực lượng, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân và công tác đặc xá năm nay.

Chủ tịch nước phân tích sâu sắc những nhân tố ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự thời gian tới; cho ý kiến chỉ đạo về tăng cường xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế-xã hội đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Về nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Bộ Công an, Chủ tịch nước ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Bộ Công an và giao cho Bộ Công an phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các đề án để báo cáo các cấp có thẩm quyền./.

Nguyễn Văn(Theo ChinhPhu)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Hoa kỳ


Ngày 19-9, Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Mỹ lần thứ hai đã diễn ra tại thủ đô Washington với sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và ông Robert Scher, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Với tinh thần thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau, tại cuộc đối thoại này, hai bên bày tỏ hài lòng về những kết quả hợp tác quốc phòng song phương trong thời gian qua.

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Scher ký Bản ghi nhớ

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Scher ký Bản ghi nhớ

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Robert Scher nhất trí rằng cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Mỹ một cách thiết thực, vì lợi ích của mỗi nước đồng thời để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam đã thông báo với phía Mỹ kết quả Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đầu năm 2011. Trong khi đó, phía Mỹ thông báo về sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong dịp này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Robert Scher đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng hai nước về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.

Hai bên thống nhất việc hướng tới phát triển quan hệ quốc phòng, trước tiên tập trung vào năm lĩnh vực là thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam; An ninh biển; Tìm kiếm cứu nạn; Nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa.

Bản ghi nhớ nói trên có tính chất định hướng cho sự phát triển quan hệ quốc phòng Việt Nam-Mỹ. Chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Việt Nam, theo tinh thần “chủ động hội nhập quốc tế” mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra, và sự công khai, minh bạch, rõ ràng trong chính sách quốc phòng của Việt Nam cũng được thể hiện rõ trong văn kiện này.

Trong dịp này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn Việt Nam cũng có các cuộc gặp gỡ với một số nghị sĩ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Mỹ.

(Theo TTXVN)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Hành động khắc phục bom mìn tại Việt Nam


Sáng 14-9, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam (VBMAC) thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB và XH) tổ chức lễ công bố và bàn giao dự án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin hành động khắc phục bom mìn tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ LĐTB và XH Nguyễn Ngọc Phi dự và chứng kiến lễ ký bàn giao dự án. Cùng dự có Trưởng đại diện Tổ chức Viện trợ nhân dân Na-uy (NPA) tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước Mỹ, Na-uy.

    Cán bộ, chiến sĩ công binh Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đưa quả bom tìm thấy sau chiến tranh đến vị trí hủy

Cán bộ, chiến sĩ công binh Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đưa quả bom tìm thấy sau chiến tranh đến vị trí hủy

Dự án được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Na-uy (thông qua NPA), Văn phòng Tháo gỡ và hủy bỏ vũ khí (Bộ Ngoại giao Mỹ); thực hiện trong 12 tháng, kết thúc tháng 6-2011. Nội dung các dự án đã hoàn thành và được các bên ký kết, Chính phủ Việt Nam phê duyệt.

Dự án đã xây dựng một phòng Cơ sở dữ liệu hành động khắc phục bom mìn tại Việt Nam với nhiều trang thiết bị cùng các hệ thống quản lý dữ liệu thông tin về khắc phục hậu quả bom mìn ở cấp quốc gia; kịp thời cung cấp, đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, xác định các ưu tiên khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Dự án còn huấn luyện chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ nhân viên, cung cấp bộ cơ sở dữ liệu hành động khắc phục bom mìn theo tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc VBMAC: Đây là một trong 6 dự án ưu tiên của Chương trình quốc gia về khắc phục bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời bảo đảm cho VBMAC có đủ năng lực quản lý thông tin hành động khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam một cách hiệu quả.

Phạm Quân và CTV

(Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh Mai Xuân Châu


Ngày 12-9, Học viện Lục quân phối hợp với cấp ủy, chính quyền thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức lễ trao tặng nhà tình nghĩa trị giá hơn 70 triệu đồng cho gia đình thương binh Mai Xuân Châu ở phường 8, TP Đà Lạt. Thương binh Mai Xuân Châu nhập ngũ năm 1969, đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, Cam-pu-chia và biên giới phía Bắc. Ông đã mất năm 2009 do bệnh nặng. Vợ ông là bà Trần Thị Quý phải hiến thận để cứu con gái nên sức khỏe yếu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà ở tạm bợ, hư hỏng không có khả năng làm mới.

Thiếu tướng Trần Văn Bộ, Phó chính ủy Học viện Lục quân trao quyết định tặng nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Quý.

Thiếu tướng Trần Văn Bộ, Phó chính ủy Học viện Lục quân trao quyết định tặng nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Quý.

Tại buổi lễ, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phường 8, TP Đà Lạt và Học viện Lục quân đã trao tặng nhiều phần quà, sổ tiết kiệm cho bà Trần Thị Quý. Đây là căn nhà tình nghĩa thứ 3 Học viện Lục quân xây tặng thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ ở TP Đà Lạt trong năm 2011.


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Ông Nguyễn Bá Thanh: Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ


Hiện nay chúng ta đã nghe nói nhiều đến nhiều cụm từ, trong đó gắn liền với từ “văn hoá” như: “văn hoá ứng xử”, “văn hóa đọc”, “văn hóa giao thông” … nhưng “văn hoá xấu hổ” có lẽ chỉ nghe lần đầu.

Nghe thì lạ tai nhưng khi được ông Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, nói tại một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố thì rất chí lý và thấm thía.

Ông Nguyễn Bá Thanh

Ông Nguyễn Bá Thanh

Chuyện xuất phát từ việc một số vị cán bộ, mặc dù biết mình không làm được nhưng cứ hứa với dân, với cấp dưới, mà không phải hứa một lần, ấy vậy mà chẳng cảm thấy xấu hổ!? Ông Bí thư nói, cán bộ bây giờ phải biết “tập xấu hổ”.

Điều đó có nghĩa là, đối với những cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức.

Nhìn lại trong thực tế vẫn còn những người, dù có địa vị xã hội cao, có học thức nhưng không biết xấu hổ là gì. Thực tế là, tính tự trọng của những vị quan chức này còn ‘hơi bị thiếu”! Làm sai, không một lời xin lỗi lại còn nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ!? Có vị, bản thân nhà cao cửa rộng, xe hơi đời mới, điện thoai loại xịn giá gần trăm triệu đồng…, bằng mắt thường cũng biết là không có được nhờ đồng lương thuần tuý.

Họ không phải là nhà kinh doanh cũng không trúng số độc đắc nhưng đáng buồn thay lại lớn tiếng hô hào chống tham nhũng, chống lãng phí. Sự mâu thuẫn đó có thể thấy rất rõ trong cuộc sống đời thường. Và những vị quan chức này có lẽ, cũng cần nghiên cứu về “Văn hoá xấu hổ”. Ở đây chỉ nói tới khía cạnh “xấu hổ”, về lòng tự trọng. Có thể cấp dưới hay người dân không lên tiếng phê bình, tố cáo những vị cán bộ “không biết xấu hổ” nêu trên, vì ngại, vì sợ bị trù dập… nhưng chắc chắn là họ không được mọi người “tâm phục khẩu phục”. Làm sao mà nể phục được khi, một cán bộ chưa giải quyết việc cho dân, cho cơ sở đã gợi ý “bỏ bì”, gợi ý đi nhà hàng nào, thậm chí phải có kèm khoản này khoản nọ mới chịu.

Tôn trọng sao được khi có vị đi hội họp, chưa lo chuyện nội dung đã đề nghị phải có “bì thư”, thậm chí không đi nhưng vẫn đánh tiếng để cơ sở gửi bì thư tiền, quà cho mình… Ngoài xã hội hiện nay đang lan truyền câu nói vui là, dạo này đã có những người đổi họ thành họ “Hứa” để ám chỉ những vị chỉ giỏi hứa hẹn mà quên thực hiện lời hứa. Càng có thêm nhiều người “họ Hứa” như vậy thì sự phát triển của đất nước sẽ bị kìm hãm, lòng tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước sẽ bị xói mòn. Cần dũng cảm nhìn vào sự thật, đấu tranh một cách kiến quyết đối với những người có phương châm sống: “quyền phải đi đôi với lợi”, dù có “mất mặt” đến đâu cũng không cảm thấy xấu hổ. Để những đối tượng đó tồn tại càng lâu, càng nhiều sẽ càng làm yếu đi bộ máy nhà nước vốn đang cần sự trong sạch, vững mạnh.

Mới đây báo chí rộ lên chuyện cảnh sát giao thông công khai nhận “mãi lộ” trên tuyến Quốc lộ 1A, gây bức xúc trong dư luận. Những cán bộ, chiến sĩ này cũng cần phải học về “Văn hóa xấu hổ”, bởi vì họ đã thản nhiên đi vòi vĩnh, làm tiền nhân dân mà không cảm thấy xấu hổ. Không biết lòng tự trọng của họ ở đâu khi bản thân mình là người đi thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật một cách công khai, hay nói dân dã là “làm luật”, một thứ Luật riêng rất đáng bị lên án. Thật là xấu hổ thay cho những người mang danh là Công an nhân dân mà lại đi “trấn lột” của dân. Những “con sâu” đã làm rầu nồi canh; đã xúc phạm đến những chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chân chính, những người đang ngày đêm không quản hiểm nguy, nắng mưa để giữ gìn sự bình yên của nhân dân, của đất nước thậm chí là đổ máu hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, trong đó có cả những chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Cuối cùng cũng cần đề cập đến chuyện “Văn hoá xấu hổ” trong cuộc sống thường nhật. Những người “vô tư” vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, phóng uế giữa thanh thiên bạch nhật…, mà chúng ta vẫn bắt gặp đây đó trên phố phường …cũng nên được học thêm về “Văn hoá xấu hổ”. Và cũng không thể làm ngơ trước hình ảnh các em học sinh, đồng phục chỉnh tề, huy hiệu Đoàn cài trên ngực áo, khăn quàng đỏ thắm trên trên vai và… cười nói tự nhiên cùng nhau… vượt đèn đỏ. Không làm cho các em “biết xấu hổ” từ bây giờ thì sau này khi trưởng thành, các em sẽ “đứt dây thẹn” trong cuộc sống, để rồi xã hội sẽ đối mặt với nhiều chuyện tiêu cực, nhiều kết cục không mong muốn mà bậc cha anh hiện nay đang ra sức đấu tranh, ngăn chặn. Phải có nhiều người biết xấu hổ, có lòng tự trọng cao, dám nhận khuyết điểm, dám xin lỗi… từ những chuyện nhỏ rất đời thường đến những chuyện lớn ở cấp vĩ mô, thì xã hội ta, đất nước ta mới có điều kiện tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển, sớm hoà nhập cùng khu vực và thế giới.

Dân Hùng (theo Vnexpress)


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Thư ký Quốc phòng Ấn Độ


Chiều 14-9, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Ngài Sa-si Can Sa-ma (Shashi Kant Sharma), Thư ký Quốc phòng Ấn Độ, nhân dịp ông tới thăm Việt Nam tham dự Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 6.

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Thư ký Quốc phòng Ấn Độ Sa-si Can Sa-ma

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Thư ký Quốc phòng Ấn Độ Sa-si Can Sa-ma

Thư ký Quốc phòng Sa-si Can Sa-ma đã thông báo với Đại tướng Phùng Quang Thanh kết quả Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 6, nhấn mạnh cuộc Đối thoại đã thành công tốt đẹp, hai bên đã đạt được nhận thức chung trong các vấn đề về quan hệ hợp tác song phương cũng như trao đổi về tình hình khu vực và thế giới. “Trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Việt Nam luôn là ưu tiên quan trọng nhất. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, quan hệ quốc phòng giữa hai quân đội cần nâng lên tầm cao mới”, ngài Sa-si Can Sa-ma nói.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá cao kết quả cuộc Đối thoại; khẳng định những nội dung thiết thực mà hai bên đã đạt được trong cuộc Đối thoại lần này góp phần làm phong phú thêm nội hàm hợp tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ. “Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của Ấn Độ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Trong bối cảnh khu vực và thế giới đang có những diễn biến phức tạp, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, thủy chung và thiết thực giữa Việt Nam và Ấn Độ đã và đang đóng góp tích cực cho mỗi nước, cho sự ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam mong muốn phía Ấn Độ tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng quân đội, khoa học kỹ thuật quân sự, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực quân sự”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Trước đó, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thư ký Quốc phòng Ấn Độ Sa-si Can Sa-ma đã đồng chủ trì Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 6.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đoàn Ấn Độ

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đoàn Ấn Độ

Tại cuộc Đối thoại, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: “Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là trụ cột trong hợp tác song phương giữa hai nước, vì vậy những nhân tố tích cực trong cuộc Đối thoại lần thứ 6 sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác quốc phòng cũng như quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia”. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực đã và đang có đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì vậy Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực. “Việt Nam hoan nghênh các tàu chiến của Ấn Độ tới giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vận hành các trang thiết bị hiện đại, kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn, cứu trợ thảm họa thiên tai”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Nhấn mạnh tới các lĩnh vực quốc phòng cần tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, cần duy trì trao đổi đoàn các cấp thường xuyên; duy trì Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ trưởng; tăng cường giao lưu sĩ quan trẻ; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cứu hộ cứu nạn, cứu trợ thảm họa thiên tai. Ngoài ra, Việt Nam cũng muốn Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm về công tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc mà Việt Nam chuẩn bị tham gia. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng mong muốn Ấn Độ tiếp tục ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, chia sẻ thông tin và sự hiểu biết chung về tình hình khu vực và thế giới.

Thư ký Quốc phòng Sa-si Can Sa-ma khẳng định, Ấn Độ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ các thông tin liên quan tới khủng bố; tăng cường hợp tác thông tin tình báo, hợp tác đào tạo ngoại ngữ cho sĩ quan cả hai phía. “Ấn Độ sẽ làm hết sức mình giúp đỡ Việt Nam trên các lĩnh vực có thế mạnh như Hải quân, Không quân, công nghiệp quốc phòng… So với tổng thể quan hệ với các nước, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam là quan hệ bền chặt nhất trên tất cả các lĩnh vực”, ngài Sa-si Can Sa-ma phát biểu.

Bảo Trung – Nguyễn Hòa (Theo QDND)


(Theo website Phùng Quang Thanh)