Hiển thị các bài đăng có nhãn ky cuoi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ky cuoi. Hiển thị tất cả bài đăng

Con đường “Nam quốc sơn hà” – Kỳ 7 (kỳ cuối): Nghĩa tình son sắt


Đi dọc con đường tuần tra biên giới, chúng tôi còn phát hiện ra một điều đặc biệt nữa. Đây còn là con đường bình yên, con đường của khát vọng hòa bình, hòa hiếu, hợp tác, phát triển với những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình anh em, đồng chí…

Tường thấp ngăn nước mưa xây trên đường tuần tra để chống nước mưa xói mòn đất bên nước bạn Lào (bên trái).

Tường thấp ngăn nước mưa xây trên đường tuần tra để chống nước mưa xói mòn đất bên nước bạn Lào (bên trái).

Những “tổng công trình sư” nghiêm túc nhất

Chiều biên giới bình yên, chiếc Land Cruiser dã chiến đưa chúng tôi tới xã Mường Lạc, thuộc huyện Sốp Cộp, nằm kề biên giới nước bạn Lào. Dừng chân trên đỉnh đồi đang ào ạt gió, Thiếu tướng Hoàng Kiền chỉ cho chúng tôi một con đường đất đỏ nằm cách con đường đoàn xe đang đi qua chừng vài chục mét, phía bên kia quả đồi:

- Con đường kia, mới năm ngoái thôi còn là đường… của nước mình đấy! Nhưng giờ lại là đường của nước bạn Lào!

Chuyện là, khi khảo sát, thiết kế con đường, ban đầu, đường được xác định nằm trên địa phận nước ta. Tuy nhiên, có ý kiến từ phía nước bạn cho rằng, con đường có thể đã “lẹm” sang nước bạn một ít. Lập tức, mệnh lệnh tạm dừng thi công. Trung tướng Phạm Hồng Lợi, khi đó là Phó tổng tham mưu trưởng đích thân lên kiểm tra. Ông thận trọng đối chiếu bản đồ với thực địa, dùng cả thiết bị vệ tinh, cộng với hỏi ý kiến các già làng, trưởng bản hai bên và ghi nhận thực tế đúng như phản ánh. Đoạn đường cũ được bỏ, phía Việt Nam tự giác lùi về vị trí “chuẩn”, mở đoạn đường mới.

Những người lãnh đạo cao cấp của quân đội ta từng được giao phụ trách, quản lý xây dựng tuyến đường như Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Trung tướng Phạm Hồng Lợi, Trung tướng Nguyễn Trung Thu đều đã vào sinh ra tử trong chiến tranh, luôn trân trọng, giữ gìn, bảo vệ quyền làm chủ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng những vị “tổng công trình sư” ấy cũng luôn nghiêm cẩn, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nước bạn. Đã có những đoạn đường còn vướng mắc, phải tạm dừng chờ các cấp có thẩm quyền của hai quốc gia giải quyết và cũng có đoạn đường được phía ta chủ động “chỉnh sửa” như đã kể trên.

Cũng trên tuyến đường mới mở ở tỉnh Sơn La, chúng tôi còn bắt gặp những rãnh nước nhỏ, xây sát nền đường trên đỉnh đèo. Đoạn đèo ấy, một bên là đất nước bạn Lào, một bên là đất Việt Nam. Đường làm xong, mỗi khi mưa to, nước mưa theo độ dốc của nền đường, chảy về bên đất bạn, có thể làm xói lở đất phía bên nước bạn. Dù chưa có một lời đề nghị của bạn, những người mở đường Việt Nam đã chủ động xây một đoạn tường ngắn ngăn nước, lát xi măng để khi có mưa, nước chảy theo “quy củ”, không làm xói lở đất bạn. Những bức tường ngăn nước nhỏ bé nhưng quả thực xiết bao tình nghĩa. Nó là biểu hiện của lòng tự trọng và cũng là biểu hiện của sự tôn trọng. Nó còn là biểu tượng của đức tính hòa hiếu của người Việt Nam, muốn là bạn của mọi dân tộc trên trái đất này và hơn thế, chúng ta luôn chủ động là người bạn tốt!

Cho bạn “mượn đường” để “mở đường”

Ngày mới đặt chân lên xã Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) để mở đường, Trung tá Nguyễn Văn Chung, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty Hợp tác quốc tế 705 (Quân khu 2) đứng ngồi không yên vì gói thầu quá “xương xẩu”. Từ nơi mở đường vào bản người Việt gần nhất cũng hơn 60km, đường đi vô cùng khó khăn. Nơi gần nhất có dân thì lại là dân nước bạn Lào, ở bên kia biên giới, thuộc hai cụm bản Noong Nha và Na Xoong, thuộc tỉnh Luông Phra-băng. Để chở được một xe cát, xe đá vào công trường, nếu theo con đường độc nhất, sẽ phải mất cả ngày trời đánh vật với đèo dốc. Còn gạo, nước, đồ ăn, thức uống, chưa biết giải quyết ra sao. Vùng biên giới Mường Lèo thời tiết còn vô cùng khắc nghiệt, gió Lào thông thốc thổi như những con ngựa hoang hung dữ, giật tung cả lán trại vừa dựng, bỏng rát da người. Làm thế nào để lo tổ chức đời sống cho anh em? Tổ chức thế nào để có đủ nguyên vật liệu, bảo đảm thi công đúng tiến độ?

Chi bộ họp tìm kế sách giải quyết. Bài toán thường thấy là khó khăn sẽ dựa vào dân. Nhưng ở đây, dân xa tới hơn 60km, chỉ có dân nước bạn mà thôi. Mà liên quan đến dân nước bạn, sự “nhờ vả” không đơn thuần nữa, phải qua nhiều thủ tục đối ngoại ở tầm quốc gia. Mọi việc không hề đơn giản. Đã nhiều năm làm Đội trưởng Đội xây dựng cơ sở chính trị của Quân khu 2 giúp nước bạn Lào, anh Chung đã lăn lộn khắp tỉnh Hủa Phăn, được nhân dân các bộ tộc Lào coi như anh em ruột thịt. Công văn anh kiến nghị gửi cấp trên, thông qua con đường ngoại giao được chuyển tới lãnh đạo nước bạn nhanh chóng. Bạn trả lời, sẵn sàng giúp bộ đội Việt Nam mọi mặt, mọi việc cần thiết.

Anh Chung cùng đồng đội sang cụm bản Noong Nha, có hơn 500 nóc nhà giữa mùa ngô đang lên xanh mướt. Trưởng bản, ông Bun Thoong rất vui, ông nói tiếng Việt khá tốt:

- Tưởng ai chứ bộ đội Chung thì bà con vùng này đều biết. Bộ đội Chung cùng anh em sang đây đuổi phỉ, giúp bà con từ lúc tóc xanh, râu chưa mọc, giờ cần gì mình giúp ngay.

Rượu dọn ra, họ ngồi ôn nhiều kỷ niệm. Điều bất ngờ nhất, trưởng bản đã đề nghị lên lãnh đạo huyện, tỉnh và nhà nước, nhất trí phương án cho bộ đội Việt Nam “mượn” tạm con đường để vận chuyển nguyên vật liệu làm đường. Ông Bun Thoong nói thêm:

- Bên mình cũng chưa có đường lên biên giới, lên các rẫy vùng biên. Cho bộ đội Việt Nam mượn đường nhưng thật ra cũng là dịp nhờ bộ đội Việt Nam làm giúp cho một con đường!

Gọi là “mượn đường”, thực chất là làm tạm một con đường công vụ để vận chuyển vật liệu theo kiểu “đi vòng” qua đất bạn. Trung tá Nguyễn Văn Chung xúc động nhớ lại: “Hiếm tìm được người dân nơi đâu chân thành và tốt bụng như ở các bản Lào. Gần 20 năm hoạt động trong Đoàn chuyên gia giúp bạn cũng như bây giờ làm đường, chúng tôi cần gì là bà con giúp ngay, giúp nhiệt tình và đặc biệt không bao giờ đặt vấn đề đòi hỏi bồi thường, đền bù, dù là việc lớn hay nhỏ”. Tuyệt vời hơn, tỉnh bạn, nước bạn còn cho phép bộ đội Việt Nam được khai thác mỏ đá giáp biên giới Sốp Cộp, sau khi nộp thuế tài nguyên.

Anh Xẻng Tha Vi, 28 tuổi là một trong số hàng trăm thanh niên Lào được Công ty 705 tuyển dụng tham gia làm đường tuần tra biên giới.

Anh Xẻng Tha Vi, 28 tuổi là một trong số hàng trăm thanh niên Lào được Công ty 705 tuyển dụng tham gia làm đường tuần tra biên giới.

Con đường công vụ trên đất bạn kéo dài 15km, được mở đúng vào dịp các nương ngô đang trổ cờ, kết bắp. Rủi ro thay, do địa hình hiểm trở, nó đi vào đúng các nương ngô. Chờ hết mùa ngô thì mùa mưa sẽ tới. Còn chờ hết mùa mưa thì cơ hội làm đường sẽ lỡ hẳn một năm trời. “Nhân đã hòa” nhưng “thiên chưa thời”, “địa chưa lợi”, biết làm sao đây? Giãi bày với trưởng bản Bun Thoong, anh Chung nhận được câu trả lời: “Đã là anh em thì không phải lo!”. Mấy hôm sau, anh Chung và đồng đội kinh ngạc trước một cảnh tượng lạ lùng: Rất nhiều hộ dân đang cầm dao, cầm cuốc đi cùng trưởng bản tiến ra các nương ngô. Rồi, họ tự tay phá bỏ nương ngô đang mùa trổ cờ, cho bộ đội Việt Nam làm đường. Nhìn những thân ngô còn tươi xanh mơn mởn bị đốn ngang, ứa đầy nhựa, anh như thấy tim mình thắt lại. Bất giác, những giọt nước mắt trên gò má đen sạm nắng gió Lào cứ ứa ra, lăn dài…

Tình cảm chân thành, sâu đậm ấy khiến anh Chung và đồng đội càng trăn trở, tự nhủ mình phải làm sao cho thật tốt, cho xứng đáng với nhân dân các bộ tộc Lào anh em. Bãi đá khai thác bên bản Lào, chẳng cần canh gác, bà con không bao giờ đụng đến một thúng đá. Những hộ làm nhà, làm ngõ, bộ đội Việt Nam nhiệt tình tặng đá cho bà con. Rất nhiều thanh niên, trai tráng bên các bản Lào đã được tuyển dụng vào làm việc trên đường tuần tra biên giới, được trả lương cao hơn nhiều so với lao động tại địa phương.

Bữa cơm trưa ăn tại Mường Lạc rất ngon, có thịt lợn rừng, tiết canh, măng rừng nấu nướng rất chuẩn, khiến ai nấy đều khen. Tôi đi tìm “anh nuôi” thì thấy anh đang bê chảo cháy ra ngoài sân và gõ kẻng. Một đàn lợn rừng, lợn mẹ, lợn con dễ đến hơn 40 con lũ lượt chạy về. “Anh nuôi” là Xẻng Tha Vi, 28 tuổi, một thanh niên Lào đã gắn bó với đơn vị hai năm nay. Tha Vi là thợ lái máy xúc nhưng đợt này đang bảo dưỡng bê tông nên anh chuyển qua nấu ăn cho đơn vị, đã có vợ và hai con. Tha Vi cho biết, nhờ đi làm cùng bộ đội Việt Nam, anh đã xây được nhà, thường xuyên có tiền gửi về cho vợ. Lúc cao điểm, trên công trường của Công ty 705 ở Sơn La có hơn 60 thanh niên Lào làm việc, có cả lao động phổ thông và thợ lái xe, lái máy.

Bạn giúp mình thì mình cũng sẵn sàng giúp bạn bất cứ khi nào có thể. Nghĩ vậy nên những ngày sang mở đường giúp bạn, anh Đức, Giám đốc Công ty 705 ngỡ ngàng khi thấy một khoảng rừng hơn 10ha ở tỉnh Xiêng Khoảng nay trơ trụi, trở thành một bình địa rộng lớn. Hỏi ra mới biết nơi đây vốn là rừng già, bạn cho nước ngoài thuê khai thác gỗ, họ dùng hóa chất đốt trụi để lấy gỗ quý. Một lần về Việt Nam, gặp ông chủ doanh nghiệp dệt Hữu Đạt ở Nam Định đang đi tìm nơi trồng bông lấy nguyên liệu dệt vải, anh Đức chợt nhớ khoảng rừng trơ trụi bên nước bạn. Anh ngỏ lời cùng ông chủ Hữu Đạt rồi quay lại Xiêng Khoảng, đích thân gặp ông tỉnh trưởng trình bày. Ý tưởng lớn gặp nhau, đến nay, một dự án trồng bông lớn do Công ty Hữu Đạt thực hiện đang được triển khai, hứa hẹn mang lại màu xanh, việc làm và cuộc sống mới, hồi sinh khu rừng “chết”.

Trên công trường đường tuần tra biên giới ở Kon Tum, Công ty Lũng Lô cũng được lãnh đạo và nhân dân tỉnh Át-ta-pư giúp đỡ, cho mở con đường công vụ dài 15km, phá thế độc đạo để vận chuyển vật tư vào tuyến.

Trên địa bàn Quân khu 4, Công ty Hợp tác Kinh tế (COECCO) và trên địa bàn Quân khu 5 có Công ty Nam Lào, từ chỗ là những đơn vị hợp tác kinh tế với nước bạn những năm bao cấp, nay đã phát triển đa ngành, tham gia làm đường tuần tra biên giới. Bước chân của những người lính làm kinh tế trên đường biên giờ đây không còn chỉ đơn thuần là một đội quân kinh tế mà càng tỏa sáng vai trò đội quân công tác, đội quân tiếp tục bắc thêm những nhịp cầu hữu nghị.

 

Nguyễn Minh – Đức Toàn


(Theo website Phùng Quang Thanh)