Hội nghị các bên tham gia Công ước LHQ về luật biển UNCLOS


Ngày 14/6, Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) đã khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Chủ tịch Hội nghị, Camillo Gonsalves, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế và các nước thành viên Liên hợp quốc tham gia Công ước được hưởng lợi ích từ chế độ pháp lý quốc tế mạnh, được thừa nhận và thực hiện trên toàn cầu đối với các đại dương trên thế giới.

Đây là công cụ pháp lý quốc tế thiết yếu để duy trì hòa bình và an ninh cũng như sử dụng bền vững các đại dương, hàng hải và bảo vệ môi trường biển.

UNCLOS, cong uoc, hoi nghi

Ảnh minh họa

Hội nghị lần thứ 21 lần này sẽ tập trung vào các vấn đề hành chính và ngân sách liên quan đến Tòa án quốc tế về luật biển (ITLS), báo cáo của Tổng Thư ký Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) và Chủ tịch Ủy ban giới hạn thềm lục địa (CLCS).

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề luật pháp và cố vấn luật pháp của Liên hợp quốc, Patricia O’Brien, cho biết sau khi Thái Lan và Malawi phê chuẩn Công ước, số nước thành viên tham gia UNCLOS đã lên tới 162 và con số này sẽ còn tăng.

Bà Patricia O’Brien nhấn mạnh với số đơn đệ trình CLCS hiện đã lên tới 56 cộng với 10 đơn nữa sẽ được đệ trình, tải trọng công việc của CLCS phải giải quyết vẫn là vấn đề then chốt. Nhóm làm việc không chính thức đang phải nỗ lực hợp tác với Ủy ban và Ban Thư ký Liên hợp quốc để đánh giá các biện pháp cần thiết có thể đáp ứng tải trọng công việc này, trong đó có đề nghị tăng thời gian làm việc của CLCS lên 26 tuần hàng năm.

Về công việc của Tòa án quốc tế về luật biển, bà Patricia O’Brien nêu bật ý kiến tư vấn được Phòng Tranh chấp đáy biển đệ trình về trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước bảo trợ cho các cá nhân và thực thể hoạt động tại các khu vực đáy biển.

Chủ tịch Tòa án, José Luís Jesus, nhấn mạnh trong 162 nước thành viên UNCLOS, 44 nước đã tuyên bố các thủ tục giải quyết tranh chấp về giải thích hoặc ứng dụng UNCLOS, trong đó 30 nước chọn Tòa án quốc tế về luật biển để giải quyết tranh chấp.

UNCLOS được coi là “Hiến pháp của các đại dương,” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1982 và có hiệu lực quốc tế ngày 16/12/1994. UNCLOS bao gồm 320 điều khoản và chín phụ lục chi phối tất cả các vấn đề biển và không gian các đại dương từ quyền thông thương, các giới hạn biển, nghiên cứu khoa học biển, đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, giải quyết tranh chấp. Công ước thiết lập Tòa án quốc tế về luật biển, Cơ quan đáy biển quốc tế và Ủy ban giới hạn thềm lục địa.

PV


(Theo www.phungquangthanh.com)

Ông Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Hội thánh Tin lành Việt Nam


Tối 14-6, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã tổ chức khai mạc lễ kỷ niệm 100 năm Tin lành truyền đến Việt Nam tại Cung Thể thao Tiên Sơn, thành phố Đà Nẵng. Tham dự buổi lễ có các ông: Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thanh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng; Nông Thị Ngọc Minh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra còn có sự hiện diện của khoảng 8.000 đại biểu là tín đồ, chức sắc tôn giáo trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, mục sư Thái Phước Trường, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), đã cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Chính quyền thành phố Đà Nẵng cùng các ban ngành, đoàn thể. Năm 1911 được xem là dấu mốc mở đầu việc truyền giáo của đạo Tin lành ở Việt Nam và Đà Nẵng được ghi nhận là điểm đến đầu tiên. Trải qua chặng đường 100 năm tồn tại và phát triển, đến nay, Hội thánh có khoảng 700.000 tín đồ, phân bố ở 34 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào.

Nguyen Xuan Phuc, hoi thanh tin lanh

Ông Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) tặng hoa chúc mừng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam)

Thay mặt Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng mục sư Hội trưởng cùng toàn thể chức sắc, tín đồ của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam). Với 100 năm tồn tại và trưởng thành, bằng việc làm của mình, Hội thánh đã làm sáng danh Chúa trên quê hương Việt Nam, thật sự là một phần không thể tách rời trong khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng rằng, với truyền thống 100 năm gắn bó đồng hành cùng dân tộc, qua các hoạt động từ thiện xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục, như giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, nghèo khó, bệnh tật…, Hội thánh sẽ dấn thân mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc sống và thực hiện tốt đường hướng “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”, qua đó chu toàn bổn phận với Thiên Chúa, làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc và dân tộc, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước. Lễ kỷ niệm sẽ kéo dài đến ngày 16-6.

Tú Phương

 


(Theo www.phungquangthanh.com)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành nghị định cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến


Ngày 13/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính Phủ ký ban hành Nghị định 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử (TTĐT) hoặc cổng TTĐT của cơ quan nhà nước.

Nghị định nêu rõ, Cổng TTĐT Chính phủ đóng vai trò làm đầu mối kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên Internet, tích hợp thông tin từ cổng TTĐT của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cổng TTĐT của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cổng tích hợp thông tin của toàn ngành, lĩnh vực do cơ quan quản lý và được tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến của tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Cổng TTĐT của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cổng tích hợp thông tin các lĩnh vực quản lý nhà nước trên phạm vi địa bàn của tỉnh, và được tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến của tất cả cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND cấp huyện của tỉnh.

Nguyen Tan Dung, TTDT

Cổng TTĐT Chính phủ đóng vai trò làm đầu mối kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ trên Internet, tích hợp thông tin từ cổng TTĐT của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên Cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước phải có những thông tin như: Thông tin giới thiệu (về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ ngành hay tổ chức bộ máy hành chính, bản đồ địa giới hành chính… của các địa phương); Tin tức, sự kiện; Thông tin chỉ đạo, điều hành (ý kiến chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan…); Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách; Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Ngoài ra còn phải có mục hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và văn bản quản lý hành chính có liên quan; Thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công; mục lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân…

Đồng thời, Cổng TTĐT của Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được liên kết, tích hợp thông tin với cổng TTĐT của các cơ quan trực thuộc để bảo đảm tổ chức và cá nhân có thể tìm kiếm và khai thác mọi thông tin thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, lĩnh vực kinh tế – xã hội của địa phương.

Nghị định cũng nêu rõ, Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đăng tải Công báo điện tử. Thông tin đăng tải trên cổng TTĐT của cơ quan nhà nước là thông tin chính thống của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Ngoài các nội dung trên, cổng TTĐT của cơ quan nhà nước phải có mục “Dịch vụ công trực tuyến” thông báo danh mục các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ công trực tuyến đang thực hiện và nêu rõ mức độ của dịch vụ. Các dịch vụ phải được tổ chức, phân loại theo ngành, lĩnh vực để thuận tiện cho việc khai thác sử dụng.

Đồng thời, cơ quan chủ quản có trách nhiệm đăng tải toàn bộ thông tin về dịch vụ công trực tuyến trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Thông tin về dịch vụ công trực tuyến phải được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời ngay sau khi có sự thay đổi.

Kinh phí duy trì hoạt động và phát triển cổng TTĐT được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp của các cơ quan, đơn vị được phép để lại sử dụng theo quy định của pháp luật; nguồn viện trợ, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của các nhà tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 đưa ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 là 100% các cơ quan nhà nước từ cấp quận, huyện, Sở, Ban, ngành hoặc tương đương trở lên có cổng hoặc trang TTĐT, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 tới người dân và doanh nghiệp. Người sử dụng có thể tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu và được thông báo tình trạng xử lý các thủ tục hành chính của các CQNN qua mạng.

Hướng tới năm 2015, cơ quan nhà nước cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp; cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Anh Khôi



 


(Theo www.phungquangthanh.com)

Chủ tịch Thượng viện Philippines: Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” trên biển Đông


Những hành vi khiêu khích, quấy rối của Trung Quốc trên biển Đông trong những ngày qua đã bị các nước và truyền thông khu vực cùng giới học giả quốc tế chỉ trích kịch liệt.

Trên báo Asia Times, cựu quan chức ngoại giao Mỹ David Brown cho rằng việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines trên biển Đông là hành vi “thô bạo chưa từng thấy”. Báo Philippines Daily Inquirer dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile mô tả Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” trong khu vực.

Ông Enrile nhận định Trung Quốc đang hành xử theo kiểu nước lớn cậy sức mạnh để bắt nạt các nước nhỏ láng giềng. Báo Jakarta Post dẫn lời chuyên gia an ninh Andi Widjajanto thuộc ĐH Indonesia nhận định việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines cho thấy Trung Quốc có ý đồ hành động đơn phương dù luôn lớn tiếng khẳng định muốn theo đuổi đàm phán hòa bình.

Phát biểu về ứng xử ở biển Đông của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La trái ngược với diễn biến trong những ngày qua trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam – Ảnh: Reuters

Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta, người sắp trở thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ, mới đây cũng cảnh báo Trung Quốc dường như đang xây dựng lực lượng để “đánh và thắng trong những cuộc xung đột ngắn, căng thẳng” dọc biên giới nước này. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Panetta nhấn mạnh Mỹ cần giám sát chặt chẽ việc mở rộng quân sự của Trung Quốc.

Cần tuân thủ UNCLOS, DOC

Phản ứng lại việc Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trắng trợn bịa đặt là “tàu Việt Nam tấn công tàu cá Trung Quốc”. Tương tự, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu tuyên bố việc Philippines tố cáo tàu Trung Quốc tấn công tàu thăm dò dầu khí Philippines là “tin đồn nhảm”!

Ông Lưu Kiến Siêu cũng thể hiện thái đội coi thường Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) khi khẳng định “UNCLOS là công cụ hữu ích để tổ chức và quản lý các vấn đề hàng hải, nhưng không phải là thứ duy nhất để kiểm soát việc các quốc gia đòi chủ quyền trên biển”.

Phản ứng lại, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định có đủ bằng chứng cho thấy tàu Trung Quốc quấy rối tàu Philippines. Ngày 10-6, ông Edwin Lacierda, người phát ngôn của tổng thống Philippines, kêu gọi “không đưa ra những tuyên bố mang tính kích động gây khó khăn hơn cho việc đạt được giải pháp đồng thuận” và khẳng định “cần đàm phán hòa bình về biển Đông, không chỉ giữa Philippines và Trung Quốc mà cả các nước đòi chủ quyền khác như Việt Nam”.

Theo báo Jakarta Post, Indonesia, nước chủ tịch ASEAN, đã kêu gọi các quốc gia đòi chủ quyền ở biển Đông cần quay lại Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) để giải quyết xung đột. “Các vụ việc trên biển Đông cho thấy ASEAN và Trung Quốc cần hoàn thiện bản hướng dẫn cách thực hiện DOC để thực hiện các nguyên tắc đã được các bên đồng ý” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene tuyên bố.

Ông Tene cũng cho rằng các bên cần nghiêm túc tôn trọng UNCLOS. “Mọi bên có liên quan cần tôn trọng lẫn nhau, giải quyết vấn đề qua các cuộc đàm phán hòa bình và tôn trọng các nguyên tắc của UNCLOS, đồng thời kiềm chế không sử dụng các phương tiện dẫn tới nguy cơ bạo lực leo thang”.

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cũng đã lên tiếng phản ứng về tình hình biển Đông. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Leslie Hull-Ryde cho biết: “Mỹ có quyền lợi quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông và ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đều đã khẳng định quan điểm của Mỹ về biển Đông”.

Người phát ngôn này nhắc lại Mỹ không đứng về bất cứ một phía nào, “nhưng chúng tôi cho rằng các nước đòi chủ quyền cần tuân thủ luật pháp quốc tế như đã được ghi rõ trong UNCLOS”.

Cần đưa vấn đề biển Đông ra diễn đàn quốc tế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đưa vấn đề biển Đông ra các hội nghị quốc tế với sự tham dự của ASEAN.

* Tại sao tàu Trung Quốc liên tiếp quấy rối tàu Việt Nam trong khi ở Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết Bắc Kinh sẽ đảm bảo hòa bình, ổn định ở biển Đông?

- Có hai khả năng đã xảy ra. Thứ nhất, Cục Hải dương Trung Quốc, cơ quan kiểm soát các tàu hải giám, tự ý hành động với sự hỗ trợ của các chính quyền địa phương và Công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc. Ở Đối thoại Shangri-La, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định quân đội Trung Quốc không liên can gì đến các vụ việc này. Thứ hai, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã không thành thật. Nói cách khác là Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo. Một vụ cắt cáp tàu Việt Nam có thể chỉ là một sự kiện đột xuất, nhưng hai lần cắt cùng với việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Philippines cho thấy một kế hoạch có sự chuẩn bị từ trước.

Việc tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam trong khu kinh tế đặc quyền của Việt Nam là hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam. “Đường chín khúc” của Trung Quốc không hề có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Nhiều khả năng Trung Quốc muốn hành động cứng rắn để chia rẽ các quốc gia ASEAN. Trung Quốc hi vọng rằng bằng các hành động gây hấn, Bắc Kinh có thể buộc các thành viên ASEAN nhượng bộ và không dám đối đầu với Trung Quốc.

* Theo ông, Việt Nam cần phải phản ứng như thế nào?

- Việc Việt Nam tuyên bố đưa tàu Bình Minh 02 trở lại hoạt động ở biển Đông với tám tàu bảo vệ là động thái phản ứng phù hợp. Mọi tàu khảo sát dầu khí Việt Nam cần được bảo vệ. Việt Nam cũng cần xem xét tăng cường tuần tra bằng máy bay trên biển để sớm phát hiện tàu Trung Quốc và cảnh báo cho tàu Việt Nam. Việt Nam có lợi thế là hoạt động ngay gần đất liền.

Tuy nhiên, Việt Nam cần kiềm chế. Các tàu bảo vệ của Việt Nam chỉ nên chắn tàu Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Nếu tàu Việt Nam phản ứng mạnh, phía Trung Quốc sẽ chụp lấy cơ hội đó để vu khống Việt Nam gây hấn và là vấn đề. Trong các vụ việc vừa qua, Việt Nam là nạn nhân, do đó cần cẩn trọng để tránh rơi vào cái bẫy của Trung Quốc.

Đồng thời, Việt Nam cần phản ứng công khai, mạnh mẽ các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Việt Nam cần sắp xếp các cuộc gặp cấp cao với quan chức Trung Quốc để thảo luận vấn đề này. Tất nhiên, các nỗ lực này là chưa đủ để buộc Trung Quốc thay đổi thái độ. Việt Nam và Philippines cần hình thành quan điểm chung, vận động sự ủng hộ của Indonesia và các nước ASEAN. Và Việt Nam cần vận động để đưa vấn đề biển Đông ra các hội nghị cấp cao có sự tham gia của ASEAN, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

theo qdnd


(Theo www.phungquangthanh.com)

Điện Biên đã tổ chức lễ tiếp nhận đá chủ quyền quần đảo Trường Sa


Đá chủ quyền Trường Sa. (Ảnh minh họa. Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Sáng 10/6, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ tiếp nhận đá chủ quyền quần đảo Trường Sa, do Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam và nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng.

Lô đá tỉnh Điện Biên được tiếp nhận gồm 21 tảng đá, được tuyển chọn tại 21 hòn đảo có các điểm đóng quân của Hải quân nhân dân Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Trên mỗi tảng đá đều có gắn biểu tượng nơi xuất xứ (tên đảo), tọa độ địa lý trên biển và hình tượng trống đồng Việt Nam.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Thiếu tướng Phạm Ngọc Chấn, Chuẩn đô đốc, Ủy viên thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân Việt Nam, nhấn mạnh việc tiếp nhận biểu tượng chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, lòng tự hào về chủ quyền quốc gia, ý thức trách nhiệm của bản thân mỗi người trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết việc tiếp nhận và đặt đá chủ quyền quần đảo Trường Sa tại tỉnh Điện Biên thể hiện mối đoàn kết, tình cảm của Đảng bộ và nhân dân 21 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn hướng về biển đảo, hướng về quân và dân huyện đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Sau lễ tiếp nhận, lô đá chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Điện Biên chuyển đến Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để trưng bày, bảo quản và phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm của khách du lịch trong nước và ngoài nước./.

Xuân Tiến


(Theo www.phungquangthanh.com)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hội kiến Tổng thống Myanmar Thein Sein


Thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước và nhận lời mời của Phó Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, Thiha Thura Tin Aung Myint Oo, đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 9-12/6.

Ngày 9/6, tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã hội kiến Tổng thống Myanmar, Thein Sein.

Pho Thu Tuong Hoang Trung Hai, Hoang Trung Hai, myanmar

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hội kiến Tổng thống Myanmar Thein Sein

Tại buổi hội kiến, Tổng thống Thein Sein chào mừng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm nước này đồng thời đánh giá cao những thành tựu mà nhà nước và nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới.

Tổng thống Myanmar bày tỏ hài lòng về những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, khẳng định chuyến thăm Myanmar lần này của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Tổng thống Thein Sein nhấn mạnh hai bên cần tập trung nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trong 12 lĩnh vực ưu tiên mà lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận tháng 4/2010.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trân trọng chuyển đến Tổng thống Myanmar thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Phó Thủ tướng chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Myanmar về lòng mến khách và sự tiếp đón trọng thị dành cho đoàn.

Phó Thủ tướng chúc mừng những thành tựu quan trọng về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội mà Myanmar đã giành được trong thời gian vừa qua và bày tỏ tin tưởng sau thành công của cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2010, Chính phủ mới ở Myanmar sẽ lãnh đạo nhân dân Myanmar xây dựng đất nước phát triển ổn định, phồn vinh và góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Myanmar; đồng thời bày tỏ tin tưởng thành công của chuyến thăm sẽ tạo ra một bước chuyển mới về chất trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Tổng thống Thiha Thura Tin Aung Myint Oo đã tiến hành hội đàm.

Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị-kinh tế của mỗi nước; trao đổi về tình hình quan hệ hai nước trong thời gian gần đây và thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai bên cùng chia sẻ nhận định quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-Myanmar trong thời gian gần đây đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng-tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất và cung cấp thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ôtô, xây dựng và hợp tác thương mại-đầu tư.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Chính phủ Myanmar tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác và tăng cường đầu tư vào Myanmar.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Tổng thống Myanmar Thiha Thura Tin Aung Myint Oo nhất trí sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương của hai nước trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên.

Hai bên cũng đã trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như hợp tác 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar (CLMV), Hợp tác kinh tế 3 dòng sông (ACMECS), Hợp tác tiểu vùng Mekong (GMS), Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang kinh tế phía Nam (SEC)… và tại các diễn đàn quốc tế khác.

Sau hội đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Phó Tổng thống Thiha Thura Tin Aung Myint Oo đã chứng kiến lễ ký các Bản Ghi nhớ Hợp tác chăn nuôi giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Thủy sản và Chăn nuôi Mianma và Hợp tác phát triển giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Ngân khố Myanmar.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar U Myint Hlaing và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch quốc gia và Phát triển Kinh tế của Myanmar Tin Naing Thein. Lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam cũng đã có các cuộc gặp làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng của Myanmar để trao đổi các biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Về hợp tác kinh tế, hai bên đạt được nhất trí về việc sớm triển khai các dự án cụ thể và đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận đã có. Về chính trị, đối ngoại, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, giao lưu nhân dân. Về hợp tác khu vực, Việt Nam ủng hộ nguyện vọng của Myanmar làm Chủ tịch của ASEAN năm 2014, Myanmar khẳng định lập trường liên quan đến vấn đề Biển Đông đã nêu trong ASEAN, tôn trọng thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc, phấn đấu tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại Nây Pi Đô, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cùng Phó Tổng thống Mianma Thiha Thura Tin Oong Min U dự khai mạc và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Hợp tác Kinh doanh Việt Nam – Mianma do Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam và Bộ Kế hoạch quốc gia và Phát triển kinh tế Mianma đồng chủ trì.

Ngoài thủ đô Nay Pyi Taw, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thăm và làm việc tại Yangon. Tại đây, Phó Thủ tướng đã tiếp Thủ hiến Yangon, dự và phát biểu tại Hội nghị giao lưu doanh nghiệp Myanmar-Việt Nam do Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) và Phòng Thương mại-Công nghiệp Myanmar tổ chức, thăm một số cơ sở văn hóa của Myanmar, thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, Văn phòng đại diện Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, khai trương Khu trưng bày sản phẩm của Tập đoàn Viglacera tại Yangon./.

PV


(Theo www.phungquangthanh.com)

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra việc ứng dụng CNTT tại Quảng Nam


Bắt đầu chương trình kiểm tra, khảo sát ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) tại các tỉnh Nam Trung bộ, ngày 9/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đã đến khảo sát thực tế tại tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần giảm tính bình quân trong việc triển khai ứng dụng CNTT ở các địa phương, nơi nào làm tốt phải được ưu tiên, khuyến khích mọi mặt, trong đó có hỗ trợ tài chính.

Nguyen Thien Nhan, Pho Thu tuong Nguyen Thien Nhan

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra việc ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa của UBND TP Hội An.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và kiểm tra thực tế ứng dụng CNTT tại UBND TP. Hội An, trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Tam Kỳ) và Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam.

900 dịch vụ hành chính công mức độ 2

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, một số điểm sáng trong ứng dụng CNTT vào phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương là toàn bộ các Sở, ngành, huyện, thị xã đều đã xây dựng và sử dụng hiệu quả Cổng TTĐT của đơn vị mình.

Phần mềm quản lý công văn, công việc trực tuyến, thư điện tử được triển khai và sử dụng có hiệu quả tại nhiều đơn vị như Văn phòng UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hội An, huyện Điện Bàn, Phú Ninh …

Tỉnh và nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai ứng dụng phần mềm một cửa điện tử như Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình, Bắc Trà My, Phú Ninh.

Tính đến hết năm 2009, Cổng Thông tin điện tử Quảng Nam đã cung cấp khoảng 900 dịch vụ hành chính công đến mức độ 2 (cho phép tra cứu và tải mẫu đơn) trên tổng số 1.662 thủ tục hành chính (theo thống kê từ Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh). Trong thời gian đến, sẽ tiếp tục nâng cấp và cung cấp các dịch vụ hành chính công mức độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp.

Tại Quảng Nam, 87% số xã đã có internet băng thông rộng.

Nguyen Thien Nhan, Pho Thu tuong Nguyen Thien Nhan

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá Quảng Nam đã có nhiều bước đi rất sáng tạo với nhiều ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực CNTT.

Cần nhiều bước đi sáng tạo, cụ thể

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc Chính phủ quyết định đưa Quảng Nam cùng 4 địa phương khác vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là điều kiện rất thuận lợi để phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Đây cũng là cơ hội lớn để ngành công nghiệp CNTT có bước phát triển đột phá, trở thành một trong những ngành chủ lực của tỉnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với đặc thù của tỉnh có nhiều huyện miền núi, ngân sách Quảng Nam đầu tư cho ứng dụng CNTT còn thấp, chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, tỉnh đã có nhiều bước đi rất sáng tạo với nhiều ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực CNTT, làm thay đổi cơ bản nhiều mặt trong đời sống xã hội địa phương.

Phó Thủ tướng cho rằng cần giảm tính bình quân trong việc triển khai ứng dụng CNTT ở các địa phương, nếu địa phương nào làm tốt phải được ưu tiên, khuyến khích mọi mặt, trong đó có hỗ trợ tài chính. Sang năm 2012, cần đưa Quảng Nam vào danh mục ưu tiên về ưu đãi vốn để phát triển CNTT cho địa phương.

Phó Thủ tướng cũng gợi ý một số vấn đề cụ thể cho Quảng Nam như cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp để nhân rộng mô hình trường học điện tử của THPT Lê Quý Đôn.

Với TP. Hội An, cần sớm nghiên cứu để phối hợp với Viettel lắp đặt và cung cấp miễn phí mạng internet không dây miễn phí, xây dựng Hội An trở thành đô thị du lịch cổ có kết nối thông tin tốt nhất cả nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, với quy mô đô thị nhỏ bé và lượng khách du lịch rất đông, yêu cầu này nếu triển khai thành công sẽ là điểm sáng của ngành du lịch Hội An, góp phần tạo ấn tượng đẹp đẽ và thu hút nhiều hơn đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Từ Lương


(Theo www.phungquangthanh.com)