Bên lề Kỳ họp Quốc hội hôm qua 3-8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (ảnh) đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với báo chí về một số chủ trương quan trọng liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, đảm bảo hòa bình ổn định trên biển Đông.
° PV: Xin Bộ trưởng cho biết việc đảm bảo chủ quyền, an ninh, bảo vệ ngư dân trên biển Đông hiện nay được triển khai như thế nào?
° Bộ trưởng PHÙNG QUANG THANH: Đây chính là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của quân đội mà các lực lượng hải quân, cảnh sát biển Việt Nam và bộ đội biên phòng làm nòng cốt. Chúng ta vừa phải bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vừa bảo vệ cả ngư dân làm ăn hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam; đồng thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu kịp thời các sự cố rủi ro trên biển… Quân đội ta cũng phải xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng trên biển như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei… để giữ gìn an ninh trật tự trên biển, đối xử nhân đạo với ngư dân.
° Cộng đồng quốc tế hiện nay có những quan điểm khác nhau trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Có bên muốn giải quyết song phương, nhưng nhiều ý kiến khác đề nghị phải giải quyết theo cơ chế đa phương… Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của chúng ta?
° Về vấn đề này, khi tiếp Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN tôi đã nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam. Đó là những vấn đề gì còn đang bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết theo hướng song phương. Nhưng đường 9 khúc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đụng đến chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei cũng phải giải quyết đa phương với các nước này, không thể giải quyết song phương được. Phải hết sức công khai, minh bạch, như thế các bên mới cùng chấp nhận, cùng tôn trọng.
° Vừa qua, Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã bày tỏ mối quan tâm tới an ninh hàng hải ở trên biển Đông. Vấn đề này nên được nhìn nhận như thế nào, thưa Bộ trưởng?
° Biển Đông của chúng ta có một vị trí địa lý, địa chiến lược hết sức quan trọng và có tuyến đường hàng hải vào loại thứ nhì thế giới về mặt tần suất các tàu bè qua lại. Mỗi ngày có tới 150 – 200 chuyến tàu cỡ lớn hoạt động ở đây. Nhiều cường quốc có lợi ích về kinh tế cũng như chiến lược ở đây, do vậy họ hết sức quan tâm đến vấn đề này. Họ quan tâm nên họ có hợp tác với các nước.
Hiện nay quan điểm của các cường quốc này cũng khác nhau chứ họ cũng không hoàn toàn đứng về bên nào để bảo vệ chủ quyền của nước đó. Như Hoa Kỳ chẳng hạn, họ khẳng định là đứng trung lập, không nghiêng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng họ có lợi ích về đảm bảo tự do hàng hải, do đó họ thường có mặt ở đây.
Chúng tôi tin rằng, khu vực này có lợi ích của tất cả các nước, trong đó có cả các nước lớn, có các nước tuyên bố chủ quyền và các nước không tuyên bố chủ quyền. Nhưng tất cả đều phải tôn trọng nguyên tắc chung là giữ được hòa bình, ổn định trong khu vực.
° Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã xác định từng bước hiện đại hóa quân đội. Nguồn lực của chúng ta sẽ tập trung cho binh chủng nào?
° Trước mắt sẽ tập trung xây dựng hải quân, phòng không không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và một số binh chủng kỹ thuật khác. Mà muốn xây dựng binh chủng kỹ thuật hiện đại phải có con người hiện đại, có tri thức, kiến thức về quân sự hiện đại; làm chủ được các loại vũ khí hiện đại có hàm lượng công nghệ cao, khai thác đúng tính năng sử dụng; giữ cho được môi trường hòa bình ổn định để phát triển toàn diện đất nước.
Tôi muốn nói rõ, chúng ta xây dựng quân đội hiện đại không phải để gây trở ngại cho các nước khác. Kinh tế phát triển thì nước nào cũng thế, phải tập trung hiện đại hóa quân đội để nâng cao khả năng tự vệ.
° Cách đây chưa lâu, Thủ tướng đã cho biết chúng ta mua 6 tàu ngầm và mua các máy bay hiện đại. Tiến trình chuyển giao các thiết bị, vũ khí đó đến thời điểm này được thực hiện như thế nào?
° Đây là kế hoạch dài hạn, từ nay đến năm 2020, nhưng trước mắt phấn đấu trong khoảng 5 – 6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp Kilo 636. Đây là loại tàu hiện đại, nhưng tôi xin nhắc lại một lần nữa là chúng ta có mua tàu ngầm, mua tên lửa, máy bay và các khí tài kỹ thuật khác cũng là để phòng thủ, để tự vệ, để bảo vệ hòa bình, bảo vệ lãnh thổ của đất nước chứ hoàn toàn không có ý định đi đe dọa các nước xung quanh, không có ý đồ đi xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh.
° Cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo website Phùng Quang Thanh)