Hiển thị các bài đăng có nhãn vũ trang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn vũ trang. Hiển thị tất cả bài đăng

NATO bắt đầu sử dụng trực thăng vũ trang không kích Li-bi


Người phát ngôn NATO ngày 4-6 thông báo, NATO đã bắt đầu sử dụng trực thăng vũ trang để tấn công các xe quân sự, thiết bị quân sự và lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi (M.Kadhafi).

Lần đầu tiên các máy bay trực thăng vũ trang của NATO đã bắt đầu được sử dụng trong các cuộc không kích từ rạng sáng 4-6. Theo người phát ngôn của NATO, việc sử dụng máy bay trực thăng vũ trang tấn công các mục tiêu ở Li-bi sẽ giúp hoạt động của NATO linh hoạt hơn, đặc biệt trong việc tấn công các lực lượng ủng hộ ông Ca-đa-phi thường ẩn náu trong các khu đông dân cư. Người phát ngôn của NATO còn nhấn mạnh, ngoài việc truy tìm và tiêu diệt lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Ca-đa-phi, các máy bay trực thăng này còn hỗ trợ các hoạt động của lực lượng chống chính phủ khi cần thiết. Các tướng lĩnh của NATO tin rằng, sức mạnh và sự cơ động của máy bay trực thăng chiến đấu sẽ giúp NATO tăng cường sức mạnh, rút ngắn thời gian tham chiến ở Li-bi.

Binh sĩ Pháp kiểm tra các máy bay trực thăng vũ trang sẽ làm nhiệm vụ tấn công Li-bi. Ảnh: Roi-tơ

Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Tổng tham mưu quân đội Hoàng gia Anh, Thiếu tướng Ních Pốp (Nick Pope) xác nhận, các trực thăng vũ trang Apache thuộc lực lượng phản ứng nhanh của Hải quân Anh, xuất phát từ tàu chở trực thăng HMSS Ocean đậu ở vùng biển Bắc Phi, đã phá hủy một trạm ra-đa và một trạm kiểm soát quân sự ở gần thành phố Brê-ga (Brega). Cùng tham gia chiến dịch trên còn có các trực thăng vũ trang Gazelle và Tigre của Pháp, xuất phát từ tàu chiến Tonnerre. Trong chiến dịch này, NATO cũng sử dụng tên lửa và pháo 30 ly.

Vụ tấn công bằng trực thăng vũ trang được thực hiện chỉ vài giờ trước khi Ngoại trưởng Anh U.Ha-gơ (W.Hague) tới Ben-ga-di (Benghazi), đại bản doanh của lực lượng nổi dậy tại Li-bi. Anh đã công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của lực lượng chống chính phủ Li-bi là “bên đối thoại chính trị hợp pháp và là đối tác của Anh tại Li-bi”.

Trong một diễn biến khác, Đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách các vấn đề châu Phi, ông M.Ma-gê-lốp (M.Margelov) ngày 4-6 cho biết, ông sẽ tới Ben-ga-di ngày 6-6 để gặp đại diện phe chống đối và một số lực lượng chính trị khác ở Li-bi nhằm thảo luận về việc giải quyết tình hình hiện nay tại nước này. Ông Ma-gê-lốp không loại trừ khả năng ông sẽ đến Tri-pô-li, đồng thời khẳng định lại lập trường của Nga là ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Li-bi.

Liên quan tới tình hình Li-bi, Hạ viện Mỹ cũng vừa thông qua nghị quyết khiển trách Tổng thống B.Ô-ba-ma (B.Obama) về việc đã không xin phép Quốc hội và vẫn tiếp tục duy trì vai trò của Mỹ trong các chiến dịch quân sự của NATO tại Li-bi. Nghị quyết, được thông qua với 268 phiếu thuận và 145 phiếu chống, kêu gọi Nhà Trắng trong vòng 14 ngày phải có báo cáo chi tiết giải thích rõ các mục đích quân sự và chính trị của Mỹ trong vấn đề Li-bi, các phí tổn cũng như khoảng thời gian mà Mỹ dự kiến tham gia cuộc chiến này. Tuy chưa tới mức yêu cầu chấm dứt ngay sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Li-bi, nhưng nghị quyết yêu cầu Nhà Trắng phải giải thích rõ lý do vì sao Tổng thống Ô-ba-ma đã không xin phép Quốc hội trước khi đưa quân đội Mỹ tham gia các chiến dịch quân sự tại Li-bi. Nghị quyết cũng cảnh báo rằng, Quốc hội Mỹ, theo Hiến pháp, có quyền từ chối cấp ngân sách cho mọi hoạt động của quân đội Mỹ mà không được Quốc hội chấp thuận.

Nguyễn Hòa


(Theo www.phungquangthanh.com)

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Thứ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên

Chiều 24-3, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Đại tướng Pak Jae Gyong, Thứ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang nhân dân CHDCND Triều Tiên nhân dịp đồng chí sang thăm Việt Nam.
Cảm ơn Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành thời gian tiếp, Đại tướng Pak Jae Gyong khẳng định, quân đội và nhân dân Triều Tiên luôn mong muốn phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền móng và các nhà lãnh đạo tiền bối dày công vun đắp. Đại tướng Pak Jae Gyong cũng thông báo với Đại tướng Phùng Quang Thanh kết quả cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ các Lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên.

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Đại tướng Pak Jae Gyong
Đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm giữa hai bên, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên. Quân đội và nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn sự ủng hộ hiệu quả của Triều Tiên trong thời kỳ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đại tướng Phùng Quang Thanh mong muốn mời các cựu chiến binh Triều Tiên từng trực tiếp giúp Việt Nam sang thăm Việt Nam.
Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, Việt Nam tin tưởng nhân dân Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên sẽ vượt qua khó khăn để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việt Nam luôn mong muốn Triều Tiên giữ được môi trường hòa bình và ổn định để phát triển. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng giới thiệu về thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, đời sống của nhân dân Việt Nam được nâng cao, đất nước hội nhập thành công với thế giới và giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tướng Phùng Quang Thanh tặng quà lưu niệm cho Đại tướng Pak Jae Gyong
* Trước đó, Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, đã hội đàm với Đoàn đại biểu Bộ các Lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên do Đại tướng Pak Jae Gyong dẫn đầu. Hai bên đã giới thiệu về tình hình xây dựng lực lượng vũ trang ở mỗi nước và bàn thảo phương hướng hợp tác giữa hai quân đội. Hai bên cũng trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Tin, ảnh: Bảo Trung (theo phungquangthanh.com)