Đồng chí Đinh Thế Huynh làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương


Ngày 22/6, tại trụ sở Bộ Công an, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương về công tác tuyên giáo, chính trị, tư tưởng (CTTT) trong lực lượng CAND.

Dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (TW); đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng Ban Tuyên giáo TW. Về phía Đảng ủy Công an TW có Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.

Dinh The Huynh, Cong an, CTTT

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW và các đại biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng – CAND báo cáo tình hình, kết quả công tác tuyên giáo, CTTT trong lực lượng CAND thời gian qua, nêu rõ: Trong những năm qua, Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên giáo, công tác CTTT trong lực lượng CAND, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo ANTT, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền của lực lượng CAND được tăng cường, bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Công an TW, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Hệ thống báo chí, xuất bản của lực lượng CAND đã từng bước được củng cố về tổ chức và ổn định về hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng Đặng Văn Hiếu cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của Ban Tuyên giáo TW trong thời gian qua và nêu rõ: Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an và cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp đều nhận thức rõ vai trò hàng đầu của công tác tuyên giáo, công tác CTTT. Trung tướng Đặng Văn Hiếu mong muốn trong thời gian tiếp theo, Ban Tuyên giáo TW sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tuyên giáo, CTTT…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Thế Huynh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả lực lượng CAND đã đạt được trong công tác tuyên giáo, CTTT. Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh để tiếp tục hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tiếp theo, Đảng ủy Công an TW cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên giáo, CTTT trong toàn lực lượng. Chú trọng công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ, giáo dục CTTT, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất, đạo đức cách mạng, đảm bảo “vừa hồng, vừa chuyên”, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ để cán bộ, chiến sỹ giỏi về pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ Ban Tuyên giáo TW sẽ luôn sát cánh cùng lực lượng CAND trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Các cơ quan chức năng Ban Tuyên giáo TW sẽ phối hợp với Tổng cục Xây dựng lực lượng – CAND xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, công tác tuyên giáo, CTTT, báo chí; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ ANTT…

Cùng ngày, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương (CATW) tổ chức lớp bồi dưỡng nội dung, phương pháp truyền đạt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và báo cáo viên trong Đảng bộ CATW.

Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng Ban Tuyên giáo TW. Về phía Đảng ủy CATW có Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục thuộc Bộ Công an.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trung tướng Đặng Văn Hiếu nêu rõ: Lớp bồi dưỡng nội dung, phương pháp truyền đạt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là hoạt động quan trọng mở đầu đợt sinh hoạt chính trị, học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong lực lượng CAND. Thông qua lớp bồi dưỡng nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và báo cáo viên của Đảng bộ CATW về nội dung, phương pháp truyền đạt Nghị quyết. Đồng thời giúp đội ngũ cán bộ chủ chốt và báo cáo viên của Đảng bộ CATW kế hoạch tổ chức, học tập, quán triệt tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong CAND.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng, chỉ đạo sâu sắc toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm tiếp theo.

Đảng bộ CATW cần tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc các văn kiện quan trọng về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội XI, Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi). Chuẩn bị tốt đội ngũ báo cáo viên có đủ kinh nghiệm, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững quan điểm, định hướng của Đảng, các văn kiện của Đảng, đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn tới.

Trong quá trình học tập, thảo luận, cần chú ý tập trung đầu tư, suy nghĩ, liên hệ thực tiễn, gắn với cuộc đấu tranh tư tưởng, chính trị hiện nay. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thảo luận sâu về những điểm lớn, những vấn đề cơ bản và mới trong các văn kiện Đại hội để hiểu rõ, thấm nhuần tinh thần của các văn kiện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo viên của Ban Tuyên giáo TW, Bộ Ngoại giao trình bày các văn kiện quan trọng về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; chiến lược an ninh, quốc phòng trong tình hình mới; đường lối, chính sách đối ngoại trong thời gian tới.

Việt Hưng


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Trung Quốc xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam


Ngày 11-6 vừa qua, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã có đăng một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”. Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới hiểu đúng sự việc, nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

Trước những tuyên bố ngang ngược của báo chí Trung Quốc thời gian gần đây, hôm qua Đại Đoàn Kết – tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – đăng bài xã luận với tiêu đề “Xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam”.

Nội dung bài xã luận như sau:

Năm nay vừa tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau sau những năm tháng sóng gió. Một trong những nguyên tắc cơ bản hai bên đã thỏa thuận là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, xây dựng mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trở thành “láng giềng tốt, anh em tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hơn thế nữa, gần đây hai nước còn thỏa thuận xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đó là những tài sản quý giá, phải mất bao nhiêu công sức mới tạo dựng được và phía Việt Nam hết sức trân trọng giữ gìn.

 

Truong Sa, Hoang Sa, Bien Dong, Trung Quoc xuyen tac Viet Nam

Hai trong số ba tàu hải giám Trung Quốc đã lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26/5. Trong ảnh nhỏ là đoạn cắt thăm dò bị cắt đứt.

Tiếc rằng, một số sách báo và báo mạng ở Trung Quốc không biết vì lẽ gì không ngớt đưa ra những bài không thiện chí, xuyên tạc về Việt Nam và mối quan hệ Trung-Việt. Tình hình này càng rộ lên sau hai sự việc liên tiếp trong chỉ có hai tuần lễ là vụ tầu hải giám của Trung Quốc vô cớ xông vào cắt phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 và dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính, tàu cá Trung Quốc phá hoại tuyến cáp của tàu Viking II đang hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

Trong số những tờ báo ấy, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc “lớn tiếng” nhất. Ngày 11/6 vừa qua, Thời báo này đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề “Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”.

Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới – đang rất lo ngại về những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – hiểu đúng sự việc, thiết nghĩ cũng cần nói lại đôi điều.

Bài xã luận nói Việt Nam “đe dọa”, “dọa dẫm” Trung Quốc thì thật nực cười vì đâu phải tàu Việt Nam lao vào tàu Trung Quốc mà là ngược lại. Hành vi của tàu Trung Quốc không chỉ là “đe dọa” hay “dọa dẫm” mà là hành vi khiêu khích, gây hấn như luật pháp và thông lệ quốc tế đã định nghĩa rõ.

Đó là chưa kể hàng loạt bài trên báo in và báo mạng ở Trung Quốc đã dồn dập tung ra những lời lẽ hằn học, ngỗ ngược, xúc phạm sâu sắc lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam và chắc là cũng rất xa lạ với người dân Trung Quốc. Những lời lẽ như vậy thật không phù hợp chút nào với cách hành xử giữa các nước văn minh chứ chưa nói đến hai nước XHCN với nhau.

Vị trí tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam 120 hải lý.

Vị trí tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam 120 hải lý.

Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/6 đầy rẫy những lời hăm dọa như: phía Việt Nam “dường như hoàn toàn không đếm xỉa đến những phản ứng mà Trung Quốc có thể đưa ra”, “nếu dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam sẽ đều thất bại…” (nhân đây, tuy rất không muốn nhưng buộc phải nhắc lại những sự kiện năm 1974 quân đội Trung Quốc tiến đánh Hoàng Sa, năm 1979 tiến hành chiến tranh biên giới, năm 1988 tiến đánh một số đảo ở Trường Sa để thấy rõ ai là người chẳng những hay đe dọa mà còn dùng biện pháp chiến tranh trong quan hệ Trung-Việt).

Nhân dân Việt Nam đã phải bỏ ra hàng mấy chục năm đấu tranh chống ngoại xâm, nay thiết tha mong có hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, lẽ nào lại muốn gây hấn với bất kỳ ai, nếu độc lập không bị đe dọa, chủ quyền không bị chà đạp.

Chính hành vi ngỗ ngược của tàu hải giám Trung Quốc và những bài đại loại như xã luận ngày 11/6 của Thời báo Hoàn cầu đã làm cho những cảm giác của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc (không phải với nhân dân Trung Quốc nói chung) bị xói mòn, chứ không phải là “người dân Trung Quốc khi nhìn thấy các kiểu thể hiện của Việt Nam thông qua tin tức báo chí thì những cảm giác tốt đẹp của họ về Việt Nam tích lũy trong những năm qua gần như đã tiêu tan hết” như Thời báo Hoàn cầu viết.

Một mệnh đề được tác giả bài xã luận nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là mối quan hệ giữa “nước lớn” và “nước nhỏ”. Trên thực tế, quả thật cũng có nước lớn và nước nhỏ. Song trong quan hệ quốc tế thì mọi quốc gia đều bình đẳng – một điều chính Trung Quốc cũng hay rao giảng. Hành vi ứng xử của phía Trung Quốc trong những ngày qua rõ ràng không phản ánh, hay nói đúng hơn là đi ngược lại chủ trương “tôn tiểu” mà bài báo nói tới; hơn thế nữa còn lộ rõ thái độ lấn lướt theo kiểu nước lớn – một điều đang gây lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một nước Trung Hoa “trỗi dậy hòa bình”.

Bài xã luận còn suy luận rằng, sự phản ứng chính đáng của phía Việt Nam dường như do áp lực nội bộ, cổ vũ tinh thần trong nước, tăng cường sự chú ý của cộng đồng quốc tế…, phản ứng chủ nghĩa dân tộc, gây nên sự đối lập giữa nhân dân hai nước… Gốc gác của vấn đề chính là nằm ở sức ép của phía Trung Quốc thông qua hành vi ngang ngược, chà đạp luật pháp và thông lệ quốc tế của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông. Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều bất bình; bất luận người nào có lương tri trên thế giới cũng đều lo ngại.

Trong quan hệ giữa các quốc gia thời hiện đại không thể hành xử theo kiểu cứ lấn lướt rồi buộc đối phương câm lặng theo kiểu “trùm chăn mà đánh” được!

Thử hỏi, tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu sẽ hành xử ra sao nếu tàu nước ngoài xông vào cắt cáp của tàu địa chấn Trung Quốc đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế thực sự của Trung Quốc đúng theo luật pháp quốc tế (chứ không phải cái đường 9 đoạn tự dựng lên ở cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn dặm)?

Trung Quốc đã từng bị nước ngoài xâm lấn, người dân Trung Quốc đã từng bị hạ nhục. Vì vậy, chắc rằng họ có thể hiểu nỗi bất bình của người dân Việt Nam.

Bài xã luận đánh giá rằng, “Hà Nội đang có bước thụt lùi trước những kinh nghiệm thành công về giải quyết vấn đề trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ, đang đưa hai nước quay lại con đường đọ sức giữa cứng rắn và cứng rắn”. Có lẽ chẳng cần tốn lời bác bỏ luận điệu nực cười như vậy. Cho nên, chỉ cần thay chữ “Hà Nội” bằng chữ “Bắc Kinh” là đủ!

Thật đáng tiếc, trong hai chục năm qua đã phải bỏ ra biết bao công sức mới khép lại được quá khứ bất hạnh, tạo dựng được mối quan hệ hợp tác mới, thế mà hành vi quá khích của tàu Trung Quốc đã đẩy quan hệ hai nước giật lùi! Tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đã kết thúc bài báo bằng câu: mời các ngươi hãy xem lại lịch sử đi. Đúng vậy! Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu hảo!

Ứng xử sao cho đúng là hai nước láng giềng hữu nghị, đó là mong mỏi chân thành của mỗi người dân Việt Nam. Và chắc rằng đó cũng là ý nguyện của người dân Trung Quốc và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Hoàng Trường


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Tây Ban Nha


Ngày 23/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc tiếp ngài Fernando Curcio Ruigomez, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp tích cực của ngài Đại sứ trong việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào năm 2009, quan hệ Việt Nam và Tây Ban Nha đã nâng lên mức đối tác chiến lược.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ Fernando Curcio Ruigomez
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc và Đại sứ Fernando Curcio Ruigomez

Đại sứ Fernando Curcio Ruigomez thông báo Tây Ban Nha sẽ giữ nguyên nguồn vốn viện trợ cho Việt Nam trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế, bởi đây là vấn đề hợp tác với tầm nhìn cho tương lai.

Về dự án tàu điện ngầm tại TP.HCM, ngài Đại sứ cho biết, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cũng sẵn sàng có những đóng góp nhất định cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án.

Ngài Fernando Curcio Ruigomez cũng thông báo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Tây Ban Nha ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM. Nhiều doanh nghiệp của Tây Ban Nha thông qua ngài Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công để góp phần kiềm chế lạm phát. Một số dự định kinh tế của Việt Nam với Tây Ban Nha có thể bị chậm nhưng sẽ sớm khởi động trở lại khi kinh tế ổn định hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, khi thực hiện các dự án ODA, Chính phủ Việt Nam đã cam kết và thực hiện theo phương thức vốn đối ứng, tỷ lệ vốn cụ thể sẽ xem xét trong khuôn khổ từng dự án theo đúng luật pháp Việt Nam.

Về hoạt động của các doanh nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP khẳng định Việt Nam luôn rộng mở chào đón các đối tác quốc tế đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh đúng theo luật pháp, tạo một sân chơi bình đằng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Đỗ Hương – Nhật Bắc


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chúc mừng lãnh đạo HĐND, UBND TPHCM được bầu


Ngày 22-6, HĐND TPHCM khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã tiến hành kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt HĐND và UBND TP, bầu các ban chuyên môn của HĐND TP, bầu Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân TP và Hội thẩm nhân dân Tòa án Nhân dân 24 quận, huyện.

HĐND TP đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm (SN 1958), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, đại biểu Quốc hội khóa XIII, làm Chủ tịch HĐND TP khóa VIII.

Đồng chí Trương Thị Ánh (SN 1959), Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP khóa VII và đồng chí Nguyễn Thanh Chín, Ủy viên Thường trực HĐND TP khóa VII tiếp tục được bầu lại các chức vụ trên.

Le Thanh Hai, lanh dao HDND, UBNDD, bau cu

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chúc mừng các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND TPHCM được bầu tại Kỳ họp thứ nhất - HĐND TPHCM khóa VIII.

HĐND TPHCM VIII có 95 đại biểu, với độ tuổi trung bình 47,8 tuổi, trong đó có 21 đại biểu nữ, 10 đại biểu là người ngoài Đảng, 5 đại biểu đại diện các tôn giáo, 2 đại biểu là người tự ứng cử…

HĐND TP cũng đã bầu lãnh đạo UBND TP gồm Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch và 6 Ủy viên UBND TP. Đồng chí Lê Hoàng Quân (SN 1953), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2004-2011 được bầu lại làm Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016 (tỷ lệ phiếu bầu xấp xỉ 94%).

Các Phó Chủ tịch UBND TP, gồm: ông Hứa Ngọc Thuận (93,68%), bà Nguyễn Thị Hồng (93,68%), ông Lê Minh Trí (93,68%), ông Nguyễn Hữu Tín – Bí thư quận ủy quận 5 (91,58%) và ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông (90,53%). Trong số đó, đồng chí Hứa Ngọc Thuận, đồng chí Lê Minh Trí và đồng chí Nguyễn Thị Hồng được bầu lại làm Phó Chủ tịch.

Các Ủy viên UBND TPHCM gồm: Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Luận; Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Luận, Giám đốc Công an TP Nguyễn Chí Thành; ông Trương Văn Hai, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê; Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan.

Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém phải tập trung khắc phục. Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu trong tiến trình hội nhập thế giới; chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của TP. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng chưa đồng bộ, còn yếu kém, bất cập. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cải cách hành chính chuyển biến chậm; tinh thần, thái độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội.

Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nhiệm vụ HĐND TP khóa VIII rất nặng nề, đó là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng phù hợp với quy mô và đặc điểm của một đô thị loại đặc biệt; nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho từng đại biểu thực hiện nhiệm vụ.

“Phương thức hoạt động tiếp tục đổi mới theo hướng sâu sát, thiết thực, sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân bằng cả trách nhiệm, tâm huyết, tấm lòng; cải tiến công tác tiếp xúc cử tri theo hướng công khai, dân chủ và chuyên sâu; giám sát UBND TP kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về những vấn đề dân sinh bức xúc đang được xã hội, cử tri quan tâm” – Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND thành phố còn bầu các chức vụ trưởng, phó và các thành viên các ban Kinh tế – ngân sách, Văn hóa – xã hội và Pháp chế của HĐND TP; bầu Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân TP và Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân các quận, huyện.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Ông Trương Tấn Sang: Ngành Kiểm sát cần nỗ lực cải cách tư pháp


Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, ngành Kiểm sát cần nỗ lực tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng, điều tra, xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Ngày 22/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức hội nghị toàn ngành năm 2011. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tới dự.

Truong Tan Sang, toi pham, chong toi pham

Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh việc biểu dương những thành tích đạt được thời gian qua, đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động, tổ chức cán bộ, hoàn thiện thể chế pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Ngành cần tiếp tục triển khai tập trung các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt các văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI.

Ngành cần nỗ lực tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, đảm bảo tính khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng, điều tra, xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Theo đồng chí Trương Tấn Sang, quá trình đổi mới, cải cách tư pháp cần tránh sự nóng vội, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Ngành Kiểm sát cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ về 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Đây là một vấn đề quan trọng và cấp thiết để chủ động xây dựng một nền tư pháp đổi mới, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Lãnh đạo ngành cũng cần tạo điều kiện để cán bộ, kiểm sát viên được tham gia Hiệp hội công tố thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Nguyễn Đức


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Ông Đinh Thế Huynh gặp mặt nhà báo tại Ban Tuyên giáo Trung ương


Liên Chi hội nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương đã tập hợp được lực lượng và trí tuệ của những người làm báo trong Ban, góp phần phụng sự tốt sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà. Nhiều đồng chí có mặt trong cuộc gặp mặt hôm nay đã và đang là nhà báo thành danh, giữ cương vị trọng trách quan trọng trong hệ thống báo chí cả nước. Nhiều nhà báo trong Liên Chi hội được bạn đọc biết đến và yêu mến qua các tác phẩm báo chí.

Dinh The Huynh, Ban Tuyen Giao Trung Uong

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng đồng chí Đinh Thế Huynh, UVBCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Sáng ngày 21/6/2011, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức gặp mặt thân mật các nhà báo đang công tác tại Ban nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2011). Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí Lãnh đạo Ban và toàn thể các phóng viên, nhà báo, nhà quản lý của tất cả các báo, tạp chí hiện đang công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thay mặt Liên Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo, Chủ tịch Liên chi Hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng kết lại một số hoạt động của Liên chi hội trong năm qua.

Hoạt động của Liên Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương trong năm vừa qua chủ yếu là hướng vào chuyên môn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, trao đổi tri thức lý luận bằng việc theo học các khóa học về lý luận chính trị theo quy định của cán bộ, công chức; các khóa bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí do cơ quan quản lý chỉ đạo báo chí hay Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Một số đồng chí (chủ yếu là cán bộ, phóng viên trẻ) đã tích cực tham gia các chương trình ngoại ngữ, tin học, các khóa đào tạo sau đại học, học để lấy văn bằng 2, 3 các lớp đào tạo chuyên ngành. Ngày 10/6 vừa qua, Liên Chi hội Nhà báo của Ban đã cùng Chi hội Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Nâng cao chất lượng ảnh báo chí”.

Ngoài các hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ, Liên Chi hội vẫn tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, các chương trình biểu diễn văn học nghệ thuật hướng về những sự kiện lớn của dân tộc, đón chào mùa xuân mới, kỷ niệm ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo… Trong ngày kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, Liên Chi hội đã tổ chức Giải cầu lông mở rộng, thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các hội viên, nhà báo trong Liên chi hội.

Liên Chi hội nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương đã tập hợp được lực lượng và trí tuệ của những người làm báo trong Ban, góp phần phụng sự tốt sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà. Nhiều đồng chí có mặt trong cuộc gặp mặt hôm nay đã và đang là nhà báo thành danh, giữ cương vị trọng trách quan trọng trong hệ thống báo chí cả nước. Nhiều nhà báo trong Liên Chi hội ta được bạn đọc biết đến và yêu mến qua các tác phẩm báo chí. Và cũng có những đồng chí không trực tiếp làm báo hàng ngày, công tác ở các vụ chức năng, tham mưu song đã và vẫn có nhiều tác phẩm báo chí, các công trình nghiên cứu khoa học, lý luận đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho đời sống báo chí.

Thay mặt cho Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã chúc mừng và biểu dương những thành tích Liên chi hội nhà báo của Ban Tuyên giáo đã đạt được. Đồng chí nhấn mạnh: Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ quan tâm hơn nữa trong việc trang bị những phương tiện kỹ thuật cần thiết, hiện đại để các nhà báo, phóng viên có điều kiện tác nghiệp thuận lợi.

Các nhà báo, phóng viên công tác tại Ban cần luôn giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước khi tác nghiệp, luôn tự nâng cao nghiệp vụ tinh thông, chuyên nghiệp và hiện đại, học thêm ngoại ngữ và nâng cao phẩm chất đạo đức trong sáng của người làm báo.

Thu Hằng


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm báo SGGP


Kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2011), chiều 20-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể đội ngũ PV, BTV, CB-CNV của TTXVN và giới báo chí cả nước nói chung nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của báo chí trong công cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Phó Thủ tướng mong muốn, các cơ quan báo chí cả nước và TTXVN sẽ phát huy ngày càng hiệu quả hơn nữa vai trò nâng cao dân trí, đưa thông tin về mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thắt chặt hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiều 20-6, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đoàn đại biểu TPHCM đến thăm Báo SGGP. Cùng đi với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Rảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng bộ khối Dân – Chính – Đảng TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM, cùng đại diện một số ban Đảng, sở – ngành TP.

Le Thanh Hai, SGGP

Đồng chí Lê Thanh Hải tặng hoa cho cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo SGGP nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, vui mừng báo cáo với đoàn về một số kết quả đạt được trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, Báo SGGP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tiếp tục giữ vững định hướng tuyên truyền và tôn chỉ mục đích của tờ báo Đảng; có nhiều loạt bài đấu tranh để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền về con đường đi lên CNXH ở nước ta; biểu dương những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới trong đời sống xã hội, thông tin kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân; góp phần đưa nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống. Trong quá trình phát triển, Báo SGGP không ngừng tự đổi mới phương thức hoạt động, từng bước đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, xứng đáng với sự tin cậy của Thành ủy, sự tin yêu của nhân dân TPHCM. Trong các cuộc thi giải báo chí vừa qua, Báo SGGP đoạt được nhiều giải thưởng cao. Đạt được thành tích trên là nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Thành ủy TPHCM.

Thay mặt Thành ủy TPHCM, đồng chí Lê Thanh Hải biểu dương những cố gắng của tập thể CB-PV-CNV Báo SGGP trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng chí cho rằng, Báo SGGP có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết IX của Đảng bộ TPHCM, giúp cán bộ đảng viên nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Trước những diễn biến phức tạp trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, đội ngũ làm Báo SGGP càng phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường giai cấp và nâng cao tính chiến đấu. Muốn vậy, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo SGGP phải không ngừng học tập, bồi dưỡng kiến thức và trau dồi đạo đức người làm báo. Đồng chí tin tưởng Báo SGGP sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, xây dựng tờ báo ngày càng trở thành món ăn tinh thần của đông đảo bạn đọc gần xa, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của TPHCM.

Dịp này, có hơn 100 đoàn đại biểu các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đến thăm và tặng hoa chúc mừng Báo SGGP nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Biên phòng TP, Công an TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, Sở Ngoại vụ, Tổng cục Cảnh sát, Hội Cựu chiến binh TP, Viện Kiểm sát nhân dân TP…

Đoàn đại biểu TPHCM do Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dẫn đầu, cũng đã đến thăm Văn phòng đại diện Báo Nhân dân tại TPHCM, Đài Truyền hình VN, Đài Truyền hình TPHCM. Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đến thăm, chúc mừng Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, Văn phòng đại diện Báo Hà Nội Mới tại TPHCM, Báo Phụ nữ TP và Hội Nhà báo TP. Chiều 20-6, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đã đến thăm và chúc mừng 3 cơ quan báo Trung ương tại TPHCM gồm Đại Đoàn Kết, Lao Động, Thanh Niên và báo Doanh Nhân Sài Gòn.

Cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua đã đến thăm, chúc mừng Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam (phân xã TPHCM), Tuần báo Văn Nghệ, Báo Tuổi Trẻ. Ngày 20-6, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư cũng đến thăm, chúc mừng các cơ quan báo: Giác Ngộ, Công An TPHCM, Người Lao Động và Pháp Luật TPHCM.

Chiều 20-6, Câu lạc bộ Nhà báo nữ TPHCM thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã tổ chức họp mặt, giao lưu với hơn 100 nhà báo nữ TPHCM, đồng thời ra mắt Ban Chủ nhiệm mới nhiệm kỳ 2011-2013.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)