Đại tướng Phùng Quang Thanh gửi thư khen Bộ đội Biên phòng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, vừa qua, Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh xác lập chuyên án “C012” đập tan kế hoạch “Tháng tư đỏ lửa” của bọn phản động lưu vong, nhằm kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ, chỉ đạo tiếp tục đấu tranh phòng, chống tội phạm và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, ngày 11 tháng 5 năm 2012, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có thư khen gửi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh. Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư.


Thân ái gửi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh.

Các đồng chí thân mến!
Trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vừa qua, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh xác lập chuyên án “C012” đập tan kế hoạch “Tháng tư đỏ lửa” của bọn phản động lưu vong, bắt giữ một số đối tượng cùng các thiết bị viễn thông khác để phá sóng phát thanh, tuyên truyền các luận điệu phản động; gây cháy, nổ tại các khu phố người Hoa ở tỉnh Bình Dương, rải truyền đơn có nội dung phản động tại một số thành phố lớn, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo tiếng vang của tổ chức phản động “Phục hưng Việt Nam”.
Chiến công của các đồng chí thể hiện tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm, tính chủ động, sáng tạo, nhạy bén, tinh thông, sắc sảo về nghiệp vụ và pháp luật trong tấn công tội phạm, góp phần ngăn chặn và làm thất bại hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tôi nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi những chiến công xuất sắc của Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh trong đợt cao điểm tấn công tội phạm vừa qua.
Trong thời gian tới, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch sẽ tiếp tục diễn ra cam go, ác liệt với diễn biến mới, phức tạp, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, các tuyến biên giới đất liền. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng yêu cầu Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục chỉ đạo Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng các tỉnh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực và chủ động phối hợp với các lực lượng, làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn và nắm chắc đối tượng, nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là trên địa bàn biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Chúc các đồng chí mạnh khỏe, đoàn kết, lập nhiều chiến công mới.
Chào thân ái và quyết thắng!

Tàu hiện đại của cảnh sát biển Việt Nam

Cảnh sát biển được trang bị các loại tàu hiện đại như DN 2000, TT 200, tàu kéo cứu nạn 3500 CV, tàu tuần tiễu cao tốc 120, máy bay CaSa 212-400 cùng các thiết bị trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy…

Tàu cảnh sát biển đa năng DN 2000
Tàu cảnh sát biển đa năng DN 2000 có thiết kế tiên tiến, hiện đại đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế. Tàu có chức năng và nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và quốc tế khi có yêu cầu, cứu kéo các tàu bị nạn có lượng dãn nước đến 2.200 tấn... Tàu hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam với tầm hoạt động không hạn chế, trong điều kiện gió cấp 12, thời gian liên tục trên biển là 40 ngày đêm, tầm hoạt động là 5.000 hải lý.

Tàu tuần tiễu cao tốc TT-200
Tàu tuần tiễu cao tốc TT-200 là dạng tàu cao tốc vỏ thép do Viện kỹ thuật Hải quân thiết kế. Tàu hoạt động được trong điều kiện sóng cấp 7 và 8, có thể chịu được cấp 9, tầm hoạt động là 1.800 hải lý.

Tàu kéo cứu nạn 3500 CV
Tàu kéo cứu nạn 3500 CV được trang bị tổ hợp máy bơm cứu hộ lắp đặt trong khoang máy chính. Qua một cửa thông biển riêng, tổ hợp cung cấp nước cứu hoả, bọt Foam chống cháy ra 2 súng phun đặt trên nóc cabin. Đường kính họng phun D= 90 mm, tầm phun xa nhất ở góc nghiêng 45 độ với lưu lượng 350 m3 /giờ, súng phun có thể đạt tầm xa đến 75 m.

Tàu tuần tiễu cao tốc TT 120
Tàu tuần tiễu cao tốc TT 120 có chức năng tuần tra bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự vùng biển Việt Nam, kiểm soát và ngăn chặn các loại tàu thuyền vi phạm quy định của Nhà nước về hải quan, đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hải phận Việt Nam.

Tàu tuần tiễu cao tốc TT 400
Tàu tuần tiễu cao tốc TT 400 là tàu cao tốc vỏ thép có tính năng kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại, khả năng tự động hoá, tích hợp các thiết bị trên tàu đồng bộ và chịu được sóng đến cấp 10.

Quân đội Nhân dân

Đính chính vụ Văn Giang - Ecopark và bà Nguyễn Thanh Phượng

Ban biên tập nhận nguồn tin từ Cộng tác viên cho biết: Ngày 2/5/2012, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) là ông Đào Ngọc Thanh, đã ban hành công văn số 83/CV-VH gửi các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương trong cả nước với mong muốn các cơ quan truyền thông giúp ông Đào Ngọc Thanh làm sáng tỏ thông tin về việc bà Nguyễn Thanh Phượng với nội dung:



Hình ảnh công văn của công ty “Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” gửi cơ quan báo chí
Nội dung trong bản công văn được ông Đào Ngọc Thanh khẳng định rõ: “Sau khi cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên. Ngày 24/4/2012, trên mạng Internet xuất hiện một số thông tin cho rằng “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) và Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng là một.

Trước thông tin này, Tổng giám đốc khẳng định “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” hoàn toàn không liên quan gì tới Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng”, mọi thông tin về pháp lý của công ty, hoàn toàn có thể kiểm chứng tại cổng thông tin Doanh nghiệp và đầu tư Hưng Yên. Đường dẫn: http://hungyenbusiness.gov.vn. Và kể từ năm 2003 thành lập công ty đến nay, “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng”(Vihajico), chưa từng thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng bất kỳ lần nào. Tổng giám đốc công ty hiện nay là ông Đào Ngọc Thanh, cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lương Xuân Hà, chứ không phải theo một số tin đồn thất thiệt là Bà Nguyễn Thanh Phượng mà cộng đồng mạng đã đồn đoán.

Chúng tôi khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng hoàn toàn không liên quan gì tới dự án Ecopark, cũng như không có bất cứ vai trò pháp lý nào trong Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng.

Nội dung chi tiết bản công văn của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng:



Nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/tin-nong-cong-ty-cp-dt-pt-do-thi-viet-hung-dinh-chinh-ve-vu-viec-ecopark.html

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh yêu cầu làm chủ tàu ngầm hiện đại


Thăm và giao nhiệm vụ cho lực lượng tàu ngầm trước khi đi đào tạo ở nước ngoài, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh yêu cầu phải nỗ lực học tập để có thể làm chủ vũ khí rất hiện đại như tàu ngầm. Dịp này, TPHCM tặng lực lượng tàu ngầm 500 triệu đồng.

Chiều 16-4, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã đến thăm, động viên các sĩ quan, thủy thủ lực lượng tàu ngầm đi đào tạo nước ngoài tại Trung tâm huấn luyện 125 thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự.

Đại tá Lê Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng Khung thường trực quản lý lực lượng tàu ngầm, đã báo cáo kết quả học tập, huấn luyện, rèn luyện, cùng kết quả công tác chuẩn bị cho đợt học tập nước ngoài của các học viên diện quân chủng Hải quân.



Đến nay, 100% học viên được tuyển chọn vào lực lượng tàu ngầm đều quyết tâm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ học tập và rèn luyện tại Trung tâm huấn luyện 125. Kết quả học tập tiếng Nga có 100% đạt yêu cầu, trong đó tỉ lệ khá, giỏi của môn học tiếng Nga cơ sở, cơ bản và chuyên ngành lần lượt là 46,5%, 79,2% và 71,4%.

Các môn học khác như: Đại cương về tàu ngầm, Điện tử số; Kỹ thuật điều khiển tự động; huấn luyện thể lực đều đạt 100% yêu cầu, trong đó tỉ lệ khá, giỏi luôn đạt trên 70% trở lên.

Điều đáng chú ý là các học viên của lực lượng tàu ngầm đều thấy được niềm vinh dự và niềm tự hào khi được tuyển chọn vào công tác ở một binh chủng đặc biệt, hiện đại. Nên trong suốt thời gian học tập và làm công tác chuẩn bị đi nước ngoài đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, tổ chức học tập ôn bài theo nhóm, tích cực trao đổi phương pháp, tự học và kèm cặp nhau, từng bước nâng cao chất lượng công tác.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Bách, thay mặt các học viên, hứa với Bộ trưởng Quốc Phòng sẽ không ngừng phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và bộ đội Hải quân anh hùng, đoàn kết khắc phục khó khăn, học tập thật giỏi, nắm vững chức trách, chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ vũ khí trang bị mới.



Phát biểu và giao nhiệm vụ cho lực lượng tàu ngầm chuẩn bị đi đào tạo nước ngoài, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Tàu ngầm là loại vũ khí trang bị rất hiện đại, được Quân đội ta sử dụng vào mục đích bảo vệ Tổ quốc - một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa Quân đội của Đảng và Nhà nước hiện nay".

Do đó, người đứng đầu Bộ Quốc phòng yêu cầu, lực lượng được tuyển chọn cần phải quán triệt và thực hiện sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, tuyệt đối trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

"Ngay từ lúc ban đầu phải xác định tốt quyết tâm, phải tận dụng mọi thuận lợi để học tập, nắm chắc cấu tạo, tính năng, tác dụng … làm chủ vũ khí, trang bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao", Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ.

Dịp này, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã gửi lời cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã quan tâm, tặng số tiền trị giá 500 triệu đồng cho lực lượng tàu ngầm đi đào tạo tại nước ngoài.



Trước đó, trả lời Báo Người Lao động, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, theo kế hoạch dài hạn đến năm 2020, Việt Nam sẽ sở hữu 6 tàu ngầm cùng các máy bay chiến đấu hiện đại. Trước mắt, phấn đấu trong 5 - 6 năm tới, Việt Nam sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại với 6 tàu ngầm lớp Kilo 636.

“Tuy nhiên, tôi cũng muốn khẳng định là chúng ta có mua tàu ngầm hiện đại, tên lửa, máy bay và các khí tài kỹ thuật khác cũng chỉ là để phòng thủ, tự vệ, bảo vệ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước, chứ hoàn toàn không có ý định đe dọa, không có ý đồ tấn công xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ.

Thực hiện kế hoạch từng bước hiện đại hóa quân đội để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, trong năm 2011, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đưa vào hoạt động 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Đây là 2 con tàu thuộc dự án 11661 Gepard-3.9 được Nga đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam. Tàu được thiết kế rất hiện đại, có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.

(Theo QĐND)

Hình ảnh Việt Nam tại Bảo tàng Quân đội Liên Xô

Tại Bảo tàng Quân đội Liên Xô ngày nay vẫn lưu giữ nhiều hình ảnh, kỷ vật quý giá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Liên Xô và anh em các nước xã hội chủ nghĩa đã có sự đóng góp quý báu, viện trợ (vũ khí, kinh tế) giúp Việt Nam giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Hầu hết các bảo tàng của Việt Nam cũng đều lưu giữ hình ảnh, hiện vật minh chứng cho điều này.

Nhưng ít ai biết rằng những hình ảnh như thế, hiện vật quý giá tượng trưng cho tình đoán kết của nhân dân Việt - Xô cũng được trưng bày tại một khu thuộc Bảo tàng trung tâm các lực lượng vũ trang Liên bang Xô Viết (thành phố Moscow).

Những hình ảnh dưới đây tại Bảo tàng Quân đội Liên Xô do thành viên tên Hùng - Thành viên diễn đàn Dựng nước - Giữ nước (vnmilitryhistory.net) sưu tầm:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khẩu súng ngắn 7,63mm Mauzera của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Từ trái qua: Mũ bay của Anh hùng phi công Phạm Thanh Ngân; khẩu Ak-47 của Anh hùng Trần Hữu Bảo, bằng khẩu súng này trong trận đánh ngày 6/7/1968 anh đã tiêu diệt 78 tên địch; Súng phóng lựu chống tăng phản lực RPG-2 (B-40) được chuyển giao cho Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1965, khẩu súng này đã bắn cháy 36 phương tiện kỹ thuật chiến đấu của đối phương.
Thượng sĩ N.N Colesnik được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ khi tham gia nhiệm vụ quốc tế tại Việt Nam.  
Các huân (huy) chương của thượng sĩ N.N.Colesnik, trong đó có Huy hiệu Việt Nam được làm từ kim loại của chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị tên lửa SA-2 bắn rơi ngày 25/7/1965.
Chỉ huy Tiểu đoàn tên lửa phòng không F.P. Ilinưkh cùng các chiến sĩ Trung đoàn 236 Quân đội nhân dân Việt Nam. 
Đại tá F.P.Ilinưkh từng tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 10/7/1965 đến 7/3/1966. Ông đã tham gia 18 trận đánh với Không quân Mỹ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông24 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi.

Bộ quân phục và mũ của Đại tá F.P.IIinưkh.
Giấy chứng nhận của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho Đại tá Ilinưkh.
Mảnh vỡ của máy bay cường kích F-105D (Mỹ). Chiếc máy bay này bị bắn rơi trên không phận miền bắc Việt Nam ngày 7/8/1966. Quà tặng cho Nguyên soái Liên Xô R.Ia. Malinovski từ Bộ trưởng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Con trâu kéo xác máy bay được làm từ chính vỏ máy bay Mỹ bị bắn rơi – quà tặng dành cho Thiếu tướng R.V.Tsvetkov – nguyên phó trường phòng Tổng cục hợp tác quân sự quốc tế trong việc xây dựng lực lượng vũ trang của hơn 20 quốc gia Châu Phi, Trung - Cận Đông, Đông Nam Á và Châu Phi.
Một số hình ảnh về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam tại Bảo tàng Liên Xô.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Xây dựng Viện Vũ khí theo hướng hiện đại


Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết BQP sẽ đầu tư xây dựng Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) theo hướng hiện đại, đồng bộ, tiện ích.

Sáng 7/4, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm và làm việc tại Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng). Cùng đi có Thượng tướng Trương Quang Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành nhiều thời gian để đi thăm, kiểm tra nơi làm việc, xưởng chế thử, hầm bắn… của Viện.

Báo cáo với Bộ trưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Viện Vũ khí thời gian qua, Đại tá An Văn Thắng, Viện trưởng khẳng định, với tinh thần tích cực, chủ động vượt khó, đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, nhân viên của Viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2000 đến nay, Viện Vũ khí đã hoàn thành hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học. Các đề tài đều bám sát thực tiễn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Nổi bật là Viện đã nghiên cứu thành công các loại vũ khí trang bị cho sư đoàn bộ binh mang vác; bước đầu tham gia nghiên cứu, thiết kế chế tạo một số loại vũ khí có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, bảo đảm kỹ thuật cho sản xuất công nghiệp quốc phòng…



Đại tá An Văn Thắng cũng kiến nghị cấp trên tiếp tục bổ sung cán bộ khoa học cho Viện; có cơ chế đãi ngộ tốt hơn nữa với các cán bộ làm công tác nghiên cứu vũ khí; quan tâm đầu tư xây dựng Viện Vũ khí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Kết luận buổi làm việc, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà các thế hệ cán bộ, nhân viên Viện Vũ khí đã đạt được trong suốt 65 năm qua.

Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, Viện Vũ khí cần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi; phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học…

Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư xây dựng Viện Vũ khí theo hướng hiện đại, đồng bộ, tiện ích. Bộ trưởng cũng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất các chế độ đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí; nâng trần quân hàm cho chức vụ Viện trưởng Viện Vũ khí…

Sáng cùng ngày, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đi thăm, kiểm tra tại Nhà máy Z199 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) và Nhà máy Z157 (Tổng cục Kỹ thuật).

VN chế tạo pin nhiệt cho tên lửa phòng không


Mới đây, Học viện Kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu chế tạo thành công loại pin nhiệt cung cấp năng lượng đầu tự dẫn hồng ngoại của tên lửa phòng không tầm thấp.

Các nhà khoa học thuộc Bộ môn Hóa, Khoa Hóa lý kỹ thuật (Học viện Kỹ thuật quân sự) vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng: “Hoàn thiện công nghệ chế tạo pin nhiệt cho tên lửa phòng không tầm thấp”.

Quy trình công nghệ chế tạo pin nhiệt gồm: Chế tạo cực dương (tẩm phủ các hoạt chất cực dương lên lưới nhằm bảo đảm đủ thành phần, đúng tỷ lệ, phân bố đồng đều các cấu tử); chế tạo cực âm (nấu canxi, hàn điểm cực âm canxi (Ca) và magiê (Mn) với vành khuyên dẫn điện); chế tạo vỏ pin đơn; chế tạo lá hỏa thuật; chế tạo vỏ và nắp inox; lắp ghép pin đơn và tổng lắp pin nhiệt…

Cùng với các sản phẩm pin nhiệt chế thử đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra, qua thử nghiệm bảo đảm chất lượng tốt, đề tài đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo pin nhiệt; xây dựng dây chuyền lắp ráp đạt công suất 300 sản phẩm/năm và hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm.

Pin nhiệt (còn gọi là pin hoạt hóa nhiệt) sử dụng chất điện ly rắn ở trạng thái lưu trữ, nóng chảy ở trạng thái làm việc. Cũng như các loại nguồn điện hóa học khác, pin nhiệt rất đa dạng về cấu tạo và thành phần hóa học.


Pin nhiệt đã được nghiên cứu và đưa vào sản xuất công nghiệp ở nhiều nước từ những năm 1950 nhưng hiện còn mới đối với nước ta. 

Ưu điểm của pin nhiệt là có thời gian bảo quản dài, thời gian hoạt hóa nhanh, mật độ năng lượng cũng như cường độ dòng cao nhờ độ dẫn điện tốt của chất điện ly nóng chảy. Pin còn có độ tin cậy cao, thuận tiện trong sử dụng và không cần bảo dưỡng. 

Hiện nay pin nhiệt luôn là lựa chọn số một trong kỹ thuật quân sự và hàng không vũ trụ. Chúng được sử dụng trong ngòi nổ đạn pháo, ngòi nổ chậm của bom, hệ thống mục tiêu giả, ghế nhảy dù… 

Trong kỹ thuật tên lửa, pin nhiệt được dùng cho tên lửa phòng không tầm thấp với nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho đầu tự dẫn hồng ngoại để bắt mục tiêu.

Công nghệ sản xuất pin nhiệt luôn được các quốc gia giữ bí mật, do đó thành công của đề tài là cơ sở để các cán bộ khoa học nước ta tiếp cận và làm chủ công nghệ chế tạo pin nhiệt phục vụ việc chế tạo pin cho tên lửa phòng không tầm thấp nói riêng và tên lửa nói chung.