Hiện nay chúng ta đã nghe nói nhiều đến nhiều cụm từ, trong đó gắn liền với từ “văn hoá” như: “văn hoá ứng xử”, “văn hóa đọc”, “văn hóa giao thông” … nhưng “văn hoá xấu hổ” có lẽ chỉ nghe lần đầu.
Nghe thì lạ tai nhưng khi được ông Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, nói tại một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố thì rất chí lý và thấm thía.
Ông Nguyễn Bá Thanh
Chuyện xuất phát từ việc một số vị cán bộ, mặc dù biết mình không làm được nhưng cứ hứa với dân, với cấp dưới, mà không phải hứa một lần, ấy vậy mà chẳng cảm thấy xấu hổ!? Ông Bí thư nói, cán bộ bây giờ phải biết “tập xấu hổ”.
Điều đó có nghĩa là, đối với những cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức.
Nhìn lại trong thực tế vẫn còn những người, dù có địa vị xã hội cao, có học thức nhưng không biết xấu hổ là gì. Thực tế là, tính tự trọng của những vị quan chức này còn ‘hơi bị thiếu”! Làm sai, không một lời xin lỗi lại còn nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ!? Có vị, bản thân nhà cao cửa rộng, xe hơi đời mới, điện thoai loại xịn giá gần trăm triệu đồng…, bằng mắt thường cũng biết là không có được nhờ đồng lương thuần tuý.
Họ không phải là nhà kinh doanh cũng không trúng số độc đắc nhưng đáng buồn thay lại lớn tiếng hô hào chống tham nhũng, chống lãng phí. Sự mâu thuẫn đó có thể thấy rất rõ trong cuộc sống đời thường. Và những vị quan chức này có lẽ, cũng cần nghiên cứu về “Văn hoá xấu hổ”. Ở đây chỉ nói tới khía cạnh “xấu hổ”, về lòng tự trọng. Có thể cấp dưới hay người dân không lên tiếng phê bình, tố cáo những vị cán bộ “không biết xấu hổ” nêu trên, vì ngại, vì sợ bị trù dập… nhưng chắc chắn là họ không được mọi người “tâm phục khẩu phục”. Làm sao mà nể phục được khi, một cán bộ chưa giải quyết việc cho dân, cho cơ sở đã gợi ý “bỏ bì”, gợi ý đi nhà hàng nào, thậm chí phải có kèm khoản này khoản nọ mới chịu.
Tôn trọng sao được khi có vị đi hội họp, chưa lo chuyện nội dung đã đề nghị phải có “bì thư”, thậm chí không đi nhưng vẫn đánh tiếng để cơ sở gửi bì thư tiền, quà cho mình… Ngoài xã hội hiện nay đang lan truyền câu nói vui là, dạo này đã có những người đổi họ thành họ “Hứa” để ám chỉ những vị chỉ giỏi hứa hẹn mà quên thực hiện lời hứa. Càng có thêm nhiều người “họ Hứa” như vậy thì sự phát triển của đất nước sẽ bị kìm hãm, lòng tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước sẽ bị xói mòn. Cần dũng cảm nhìn vào sự thật, đấu tranh một cách kiến quyết đối với những người có phương châm sống: “quyền phải đi đôi với lợi”, dù có “mất mặt” đến đâu cũng không cảm thấy xấu hổ. Để những đối tượng đó tồn tại càng lâu, càng nhiều sẽ càng làm yếu đi bộ máy nhà nước vốn đang cần sự trong sạch, vững mạnh.
Mới đây báo chí rộ lên chuyện cảnh sát giao thông công khai nhận “mãi lộ” trên tuyến Quốc lộ 1A, gây bức xúc trong dư luận. Những cán bộ, chiến sĩ này cũng cần phải học về “Văn hóa xấu hổ”, bởi vì họ đã thản nhiên đi vòi vĩnh, làm tiền nhân dân mà không cảm thấy xấu hổ. Không biết lòng tự trọng của họ ở đâu khi bản thân mình là người đi thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật một cách công khai, hay nói dân dã là “làm luật”, một thứ Luật riêng rất đáng bị lên án. Thật là xấu hổ thay cho những người mang danh là Công an nhân dân mà lại đi “trấn lột” của dân. Những “con sâu” đã làm rầu nồi canh; đã xúc phạm đến những chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chân chính, những người đang ngày đêm không quản hiểm nguy, nắng mưa để giữ gìn sự bình yên của nhân dân, của đất nước thậm chí là đổ máu hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, trong đó có cả những chiến sĩ cảnh sát giao thông.
Cuối cùng cũng cần đề cập đến chuyện “Văn hoá xấu hổ” trong cuộc sống thường nhật. Những người “vô tư” vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, phóng uế giữa thanh thiên bạch nhật…, mà chúng ta vẫn bắt gặp đây đó trên phố phường …cũng nên được học thêm về “Văn hoá xấu hổ”. Và cũng không thể làm ngơ trước hình ảnh các em học sinh, đồng phục chỉnh tề, huy hiệu Đoàn cài trên ngực áo, khăn quàng đỏ thắm trên trên vai và… cười nói tự nhiên cùng nhau… vượt đèn đỏ. Không làm cho các em “biết xấu hổ” từ bây giờ thì sau này khi trưởng thành, các em sẽ “đứt dây thẹn” trong cuộc sống, để rồi xã hội sẽ đối mặt với nhiều chuyện tiêu cực, nhiều kết cục không mong muốn mà bậc cha anh hiện nay đang ra sức đấu tranh, ngăn chặn. Phải có nhiều người biết xấu hổ, có lòng tự trọng cao, dám nhận khuyết điểm, dám xin lỗi… từ những chuyện nhỏ rất đời thường đến những chuyện lớn ở cấp vĩ mô, thì xã hội ta, đất nước ta mới có điều kiện tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển, sớm hoà nhập cùng khu vực và thế giới.
Dân Hùng (theo Vnexpress)
(Theo website Phùng Quang Thanh)