Tại lễ tiếp nhận đá chủ quyền Trường Sa vừa diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội, Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh, Chính ủy Cục Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã trao đổi với PV về nhiệm vụ của CSB trong tình hình hiện nay, cũng như những việc xây dựng lực lượng CSB đủ khả năng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Cảnh sát biển là lực lượng quan trọng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và bảo vệ ngư dân.
- Được tin chi nhánh Tây Ban Nha của Hãng Airbus đã bàn giao chiếc máy bay trinh sát đa năng CASA C212-400 đầu tiên cho CSB Việt Nam. Đồng chí có thể cho biết khi nào phương tiện này sẽ được đưa vào hoạt động và những thông số kỹ thuật của loại máy bay này?
-
CASA C212-400 là máy bay trinh sát đa năng hiện đại, tầm hoạt động rộng, bán kính lên đến hàng nghìn kilômét, thời gian bay khoảng 8 – 9 tiếng, đủ sức hoạt động trên vùng biển của Việt Nam. Năm 2012, việc bàn giao chiếc máy bay đầu tiên mới được thực hiện. CSB Việt Nam đã chuẩn bị để khai thác và sử dụng hiệu quả loại máy bay này vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, quản lý an ninh trật tự và an toàn trên các vùng biển nước ta.
- Ngoài việc trang bị máy bay trinh sát đa năng đầu tiên, CSB Việt Nam dự định đầu tư, hiện đại hóa lực lượng ra sao trong tương lai để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới?
- Việc trang bị phương tiện phải tùy thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước. Trước mắt, CSB Việt Nam sẽ được trang bị 3 chiếc máy bay trinh sát và một số tàu. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện dự án xây dựng lực lượng CSB Việt Nam giai đoạn 2001-2010 mà Chính phủ đã cho kéo dài đến năm 2012 và xây dựng dự án mới nối tiếp dự án nói trên đến năm 2020. Mục tiêu phấn đấu là xây dựng lực lượng CSB mạnh, đủ sức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao với nhiều phương tiện cùng những trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ dài ngày, ở vùng biển xa. Cùng với hiện đại hóa trang thiết bị, yếu tố con người cũng phải tương xứng, nên chúng tôi sẽ đào tạo cán bộ chuyên môn nhiều ngành và ngày càng chuyên sâu hơn.
- Ngư dân Việt Nam khi vi phạm vùng biển một số nước thì bị xử lý rất nặng. Trong khi đó, đối với ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, mức xử phạt lại rất nhẹ. Thực tế có đúng như vậy?
- Vừa qua, một số nước quản lý biển theo chính sách mới hết sức khắt khe, nếu so với Việt Nam là quá nặng. Đối với tàu nước ngoài vi phạm, chúng tôi chủ yếu dùng biện pháp xua đuổi và giải thích. Những vi phạm sẽ được quay phim, chụp ảnh, lập biên bản làm tài liệu phục vụ đấu tranh ngoại giao. Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng chúng ta cũng xử lý mạnh. Nếu tàu nước ngoài đánh bắt hải sản hoặc đi vào vùng biển của Việt Nam như vùng đặc quyền kinh tế, vùng tiếp giáp, vùng nội thủy thì trước hết, chúng tôi nhắc nhở, xua đuổi. Trường hợp tiếp tục vi phạm, vi phạm nghiêm trọng, chúng tôi sẽ lập biên bản bắt giữ, đưa về cảng, xác minh rõ các yếu tố vi phạm và xử phạt hành chính. Những trường hợp mà CSB Việt Nam xử phạt chưa có trường hợp nào chống đối.
- Ngoài nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát vùng biển, CSB Việt Nam giúp đỡ ngư dân ra sao trong tình huống bị tàu nước ngoài đe dọa tính mạng, tài sản trên vùng biển chủ quyền của ta?
- Khi phát hiện ngư dân bị tàu nước ngoài có những hành động làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng trong tọa độ thuộc vùng biển Việt Nam, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng và chủ động, trực tiếp đến tọa độ đó để ứng cứu ngư dân. Cứu dân là mệnh lệnh của trái tim và là nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi. Còn trường hợp tàu ngư chính, hải giám của nước ngoài đi vào vùng biển của Việt Nam chúng tôi sẽ xua đuổi ngay. Khi họ xâm phạm vùng biển của mình, CSB sẽ có mặt, trước hết là thông báo cho họ biết về vi phạm của họ, khẳng định chủ quyền của ta. Thông thường thì họ sẽ rời khỏi khu vực vi phạm, trường hợp nghiêm trọng mới phải đẩy đuổi.
- Để duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông hiện nay cũng như bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ ngư dân, việc hợp tác với các nước trong khu vực rất cần thiết. CSB Việt Nam đã hợp tác với các lực lượng CSB trong khu vực như thế nào?
Hợp tác quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Mình sẽ học hỏi được kinh nghiệm, trao đổi nghiệp vụ, phối hợp thực hiện một số nghiệp vụ chung như chống ô nhiễm môi trường chẳng hạn. CSB Việt Nam đã quan hệ, hợp tác với nhiều nước và sẽ tiếp tục tăng cường việc này. Tinh thần là quan hệ với tất cả các nước có bộ phận chức năng như CSB. Chúng tôi đã có trao đổi đoàn với nhiều nước, thậm chí đặt đường dây nóng với nhau để khi xảy ra sự vụ gì kịp thời liên lạc, trao đổi cùng giải quyết.
- Xin cảm ơn đồng chí
PV
(Theo website Phùng Quang Thanh)