Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được trang bị hiện đại


Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị cấp làm việc chuẩn bị cho Hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển châu Á lần thứ 7 (HACGAM 7) tại Hà Nội, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng) cho biết, Cảnh sát biển Việt Nam đang được trang bị ngày càng hiện đại nhằm gia tăng sự có mặt thường xuyên hơn, duy trì trật tự, an ninh trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung tướng Phạm Đức Lĩnh (hàng đầu, thứ sáu từ bên phải sang) cùng các đại biểu dự Hội nghị cấp làm việc chuẩn bị cho HACGAM 7.

Trung tướng Phạm Đức Lĩnh (hàng đầu, thứ sáu từ bên phải sang) cùng các đại biểu dự Hội nghị cấp làm việc chuẩn bị cho HACGAM 7.

-Trước thực tế ngư dân Việt Nam hoạt động trên chính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gặp những rủi ro như bị nước ngoài bắt giữ…, cảnh sát biển Việt Nam có những phương án như thế nào để bảo vệ họ?

- Chúng tôi đã tổ chức lại phương thức hoạt động để duy trì sự có mặt của cảnh sát biển trên biển càng nhiều ngày càng tốt, đặc biệt là các vùng biển giáp ranh và chồng lấn giữa các nước. Việc này giúp các ngư dân yên tâm hơn vì thấy họ được bảo vệ và khi cần thì được giúp đỡ, ứng cứu kịp thời. Trường hợp bà con vô tình vượt sang vùng biển nước khác, chúng tôi cũng kịp thời nhắc nhở bà con quay lại vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

- Vậy còn đối với việc bảo đảm cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam thì nhiệm vụ của cảnh sát biển như thế nào, thưa Trung tướng?

- Cảnh sát biển có trách nhiệm phối hợp hoạt động với các lực lượng chức năng. Trong trường hợp phát hiện sự cố trên biển, chúng tôi có trách nhiệm thông báo cho đơn vị có chức năng chính và sau đó phối hợp cùng giải quyết.

­- Cảnh sát biển Việt Nam gặp những khó khăn gì khi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển chủ quyền Việt Nam?

- Với đường bờ biển dài và vùng biển chủ quyền rộng, cảnh sát biển chưa thể đi hết và duy trì sự có mặt thường xuyên, nhất là ở những vùng biển xa. Một phần do trang bị còn hạn chế, chưa bảo đảm hoạt động trong thời tiết phức tạp như gió cấp 9, cấp 10 hoặc đi dài ngày trên biển. Hiện chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, cả về chủng loại phương tiện và số lượng phương tiện để hoạt động trên biển. Vì nhiệm vụ chính trị và an ninh, hiện chính phủ rất chú trọng đầu tư cho cảnh sát biển mặc dù kinh tế khó khăn. Đề án phát triển giai đoạn hai xây dựng mô hình hoàn chỉnh của cảnh sát biển đang được xây dựng, trong đó bao gồm việc tăng cường trang, thiết bị cho cảnh sát biển.

- Cụ thể như thế nào, thưa Trung tướng?

- Trước hết là ưu tiên trang bị tàu, máy bay trực thăng và tăng cường nhân lực. Về tàu thì sẽ được trang bị dần, từng bước theo hướng ngày càng lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, hiện đại hơn có khả năng hoạt động xa bờ, dài ngày và trong điều kiện thời tiết phức tạp. Sẽ có trong trang bị cả tàu có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, có sàn đỗ cho máy bay, buồng quân y, nhiều giường bệnh cùng lúc cấp cứu được 120 người.

Dự kiến đầu năm tới, cảnh sát biển sẽ được trang bị tàu đi được 40 ngày đêm, trong điều kiện gió cấp 12, sóng cấp 9.

- Xin Cục trưởng cho biết, chương trình nghị sự của hội nghị lần này là gì?

- Hội nghị lần này thảo luận chung về bảo vệ an ninh, trật tự và duy trì môi trường hòa bình trên biển. Chúng tôi xác định, phải tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển các nước nhằm đối phó với các thách thức chung như chống ô nhiễm môi trường, ứng phó thảm họa, tìm kiếm cứu nạn trên biển, chống tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, buôn bán vận chuyển ma túy trên biển, buôn người, vận chuyển chất nổ…

- Việc phối hợp hoạt động và hợp tác quốc tế giữa cảnh sát biển Việt Nam với các nước hiện được thực hiện ra sao?

- Chúng tôi đã đề nghị chính phủ cho phép cảnh sát biển lập đường dây nóng giữa cảnh sát biển Việt Nam với Trung Quốc. Nếu chưa được toàn bộ thì trước mắt giữa các tỉnh có liên quan. Đường dây nóng nếu được thiết lập, chúng tôi sẽ có quy chế hoạt động chung. Qua đó, hai bên sẽ thông báo cho nhau nếu có vấn đề gì xảy ra trên biển. Hai bên sẽ đưa ra những quy định tốt nhất để tạo điều kiện cho ngư dân, tránh những việc giải quyết đơn phương chưa phù hợp. Trước mắt, chúng tôi sẽ đề xuất với lực lượng biên phòng của khu tự trị Choang Quảng Tây và Hải Nam của Trung Quốc. Còn các khu vực khác, chúng tôi chưa đặt vấn đề.

- Xin cảm ơn Trung tướng!


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Bộ Công an – Bộ Quốc phòng phối hợp xử lý tội phạm trên bộ, trên biển


Thời gian qua, cơ quan chức năng hai Bộ phối hợp tích cực trong phòng, chống các loại tội phạm. Điển hình là việc phối hợp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội khu vực biên giới; triển khai thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam – Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người; Hiệp định giữa Việt Nam – Lào về phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán…

 

Công an và Bộ đội Biên phòng phối hợp tuần tra, bảo vệ ANTT biên giới.

Công an và Bộ đội Biên phòng phối hợp tuần tra, bảo vệ ANTT biên giới.

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, chỉ đạo tổng kết 5 năm (2005-2010) thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, An Giang và Tây Ninh…

Lực lượng Cảnh sát kinh tế chủ động phối hợp với một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cục Điều tra hình sự – Bộ Quốc phòng) tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm… tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới. 6 tháng đầu năm đã phát hiện 50 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả thu giữ hàng hóa trị giá trên 20 tỷ đồng…

Về phòng, chống ma tuý, các cơ quan chức năng hai Bộ phối hợp bắt giữ 682 vụ, 947 đối tượng, thu 78,5kg heroin. Lực lượng CSĐT tội phạm ma tuý. Trong đó đã phối hợp với Cảnh sát biển – Bộ Quốc phòng bắt giữ 96 vụ, 184 đối tượng, phối hợp với Bộ đội Biên phòng phòng bắt giữ 586 vụ, 763 đối tượng.

Đặc biệt, hai bên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho đồng bào các dân tộc nhận thức rõ tác hại của ma túy và tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy…

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam


Chiều 6-7, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp đồng chí Tôn Quốc Tường, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, đến chào nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Đồng chí Phùng Quang Thanh và đồng chí Tôn Quốc Tường trong buổi tiếp.

Đồng chí Phùng Quang Thanh và đồng chí Tôn Quốc Tường trong buổi tiếp.

Phát biểu tại buổi tiếp, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định: Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao những đóng góp xứng đáng của đồng chí Tôn Quốc Tường vào củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có quan hệ giữa quân đội hai nước. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc; Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, đều kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và là hai nước xã hội chủ nghĩa, có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua. Đại tướng Phùng Quang Thanh tin tưởng mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển, trên tinh thần 16 chữ; hai bên cùng giải quyết thỏa đáng những vấn đề do lịch sử để lại và những vấn đề mới nảy sinh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; mong rằng ở cương vị công tác mới, đồng chí Tôn Quốc Tường tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Đồng chí Tôn Quốc Tường cảm ơn Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành thời gian tiếp; chúc mừng thành công Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và thành tựu của Việt Nam trong những năm qua. Đồng chí Tôn Quốc Tường nhấn mạnh: Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam; khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hàn Quốc


Chiều 6/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan-ho đến chào xã giao.

Bày tỏ sự vui mừng được làm việc tại Việt Nam và những ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam, Đại sứ Ha Chan-ho cho biết, sau hơn hai tháng nhận nhiệm vụ, ông đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại Việt Nam và chính quyền các địa phương, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.

Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hàn Quốc

Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hàn Quốc

Đại sứ đánh giá Việt Nam và Hàn Quốc hiện đang có mối quan hệ hết sức tốt đẹp và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ Ha Chan-ho cũng thông báo với Bộ trưởng về các hoạt động tích cực của các cơ quan chức năng Hàn Quốc trong việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm ngày hai nước Việt Nam – Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2012). Theo Đại sứ, sự kiện đặc biệt này sẽ đánh dấu một mốc son mới, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng tiến triển tốt đẹp hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đại sứ Ha Chan-ho sẽ có đóng góp thiết thực và quan trọng trong việc chuẩn bị các hoạt động nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc.

Về phần mình, các cơ quan hữu quan và địa phương của Việt Nam đã và đang khởi động các chương trình, hoạt động cụ thể cho đợt kỷ niệm này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, gần 20 năm qua, quan hệ hai nước ngày càng có những bước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại chính sách nhất quán của Việt Nam là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và công dân Hàn Quốc làm ăn, sinh sống tại Việt Nam trên cơ sở tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Hàn Quốc dành sự quan tâm nhiều hơn đến công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động tại Hàn Quốc.

Lê Sơn


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Nga giao 6 chiếc tàu ngầm cho Việt Nam vào năm 2014


Phát biểu với giới báo chiều 1/7 tại Triển lãm hải quân ở Saint-Peterburg, Trưởng đoàn đại biểu của Tập đoàn xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronoexport, ông Oleg Azizov, tuyên bố Nga sẽ chuyển giao tàu ngầm cho Việt Nam vào năm 2014.

 

Tàu ngầm của Nga

Tàu ngầm của Nga

Theo ông Azizov, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm chạy dầu diezel-điện thuộc dự án 636 và từ năm 2014, Nga sẽ bắt đầu chuyển giao các tàu ngầm này cho Hải quân Việt Nam.

Ông Azizov xác nhận tàu ngầm dự án 636 thuộc loại “Klab” tấn công, nhưng không cho biết thêm chi tiết về tính năng kỹ thuật và giá cả của những tầu này.

Tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) diễn ra ở Singapore, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Liên bang Nga 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo 686.

“Các tàu ngầm này sẽ chỉ hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. Việc làm bình thường này rất công khai và minh bạch,” ông nói.

 

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Người mẹ vượt hơn 1000 hải lý ra Trường Sa thăm con


Hơn 60 tuổi, nhưng mẹ Trần Thị Tịnh, quê thị trấn cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, không sợ sóng to, gió lớn. Tháng 6 vừa qua, mẹ đã ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) thăm con rể là Trung tá Vũ Văn Cường, hiện đang giữ cương vị Chỉ huy phó Tham mưu trưởng xã đảo Song Tử Tây. Những ngày con tàu HQ936 (Vùng 4 Hải quân) rong ruổi vượt hơn 1.000 hải lý suốt hành trình từ đất liền ra Trường Sa và từ huyện đảo Trường Sa trở về đất liền, chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng mẹ Tịnh. Trong số gần 100 thân nhân của chuyến tàu đi Trường Sa vừa qua, mẹ Tịnh là người phụ nữ cao tuổi nhất. Ngoài 60, lại là lần đầu đi biển trong hành trình dài ngày, cả tàu ai cũng lo mẹ say sóng. Vậy mà mẹ Tịnh chịu sóng biển thật giỏi, suốt hành trình từ đất liền ra đảo 3 ngày, 2 đêm mẹ không say sóng. Chỉ khi tàu trở về đất liền, do gặp phải áp thấp nhiệt đới, sóng cấp 5, cấp 6 mẹ mới bị say nhẹ.

 

Con rể đón mẹ Tịnh trên cầu cảng xã đảo Song Tử Tây

Con rể đón mẹ Tịnh trên cầu cảng xã đảo Song Tử Tây

Mẹ tâm sự: “Tôi rất yêu quý và tự hào có chàng rể là sỹ quan Hải quân, nên dù đi lại khó khăn, tôi vẫn quyết ra đảo thăm và động viên con. Đây cũng là chuyến thực tế để hiểu thêm về biển đảo của Tổ quốc, cuộc sống và nhiệm vụ của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Trước ngày rời Nam Định vào TP Hồ Chí Minh để lên tàu ra huyện đảo Trường Sa, người thân trong nhà đã chuẩn bị cho mẹ cả thuốc chống say sóng”.

Được biết, quê hương Nam Định của mẹ Tịnh có nhiều con em đang công tác sinh sống ngoài các đảo, xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và đã thành truyền thống, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đón Xuân mới là các cấp chính quyền huyện Trực Ninh và tỉnh Nam Định lại tổ chức gặp mặt, động viên, biểu dương gia đình có con em đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi lần được mời dự gặp mặt như thế, mẹ Tịnh thấy thật tự hào, và càng thêm quý mến chàng rể thảo.

Vốn là giáo viên nên mẹ Tịnh thật vui tính, dễ gần với mọi người. Hai buổi tối trong hành trình từ đất liền ra đảo, trên boong tàu HQ936, mẹ Tịnh cùng một số thân nhân quây quần tập văn nghệ để khi ra đảo sẽ giao lưu, hát động viên con em. Mẹ Tịnh cứ mải mê hát đi hát lại ca khúc: “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Mẹ bảo chàng rể của mẹ thích nghe ca khúc này(!). Và buổi tối giao lưu văn nghệ trên xã đảo Song Tử Tây, mẹ Tịnh lên sân khấu hát ca khúc Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây thật hay. Nghe mẹ Tịnh hát, bộ đội và nhân dân xã đảo Song Tử Tây cứ vỗ tay theo nhịp điệu của ca từ. Nhiều cán bộ, chiến sỹ còn ùa lên sân khấu tặng cho mẹ những đóa hoa bàng vuông vừa hái.

Ba ngày lưu lại trên xã đảo Song Tử Tây, mẹ Tịnh có dịp tìm hiểu cuộc sống lao động, học tập công tác của quân và dân xã đảo. Mẹ thấu hiểu hơn nỗi vất vả, gian lao của những người con nơi đầu sóng, ngọn gió. Mẹ tâm sự: “Cuộc sống vật chất và tinh thần của bộ đội và nhân dân xã đảo đã bớt thiếu thốn so với trước. Đảo đã có nhà cửa khang trang, có điện năng lượng mặt trời, trữ được nước mưa cho sinh hoạt và trồng rau xanh quanh năm, có sóng điện thoại di động và xem được ti vi…Huyện đảo Trường Sa bây giờ không còn xa xôi như trước nữa. Nhưng mẹ thương quân, dân trên đảo luôn phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và bão giông. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo lại hết sức nặng nề, nhiều khi đòi hỏi sự hy cả máu xương. Nhưng những gì mẹ tận mắt thấy trên xã đảo Song Tử Tây đủ để mẹ tin rằng con rể của mẹ, cùng đồng đội và nhân dân trên xã đảo này luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!”. Trước lúc rời tàu HQ936 vào đất liền, kết thúc chuyến thăm huyện đảo Trường Sa, mẹ Tịnh còn làm một bài thơ, ca ngợi biển đảo và những người con đang ngày đêm vững chắc tay súng canh giữ trên vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Vùng B Hải quân: Khai mạc học kỳ quân đội cho 100 “chiến sỹ trẻ”


Giúp tuổi trẻ có thêm trải nghiệm và vốn hiểu biết về biển đảo quê hương, đó là nội dung của chương trình học “Thanh niên Việt Nam, biển đảo Việt Nam” do Đoàn M71, TP. Vũng Tàu, Nhà văn hoá thanh niên (VHTN) TP. Hồ Chí Minh tổ chức bắt đầu từ sáng 26-6.

Đại tá Lâm Bá Khanh, Chính uỷ Đoàn M71, cho biết, Đoàn sẽ đón 100 học sinh bao gồm: 80 nam và 20 nữ, độ tuổi 14 đến 22 tuổi, tham gia khoá học qua trải nghiệm về biển đảo quê hương. Tham gia chương trình này, các em sẽ được tìm hiểu, học tập và rèn luyện kỹ năng sống, lý tưởng sống của người chiến sỹ hải quân; được giáo dục truyền thống anh hùng của quân đội, quân chủng Hải quân và giao lưu làm quen với đời sống người chiến sỹ…

Đại tá Lâm Bá Khanh, Chính uỷ  M71-Vùng B, trao cờ lệnh cho ban quản trại

Đại tá Lâm Bá Khanh, Chính uỷ M71-Vùng B, trao cờ lệnh cho ban quản trại

Anh Nguyễn Xuân Cường, Phó giám đốc Nhà VHTN TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 8 ngày học từ 26-6 đến 3-7, các em sẽ tham gia 7 nội dung chính gồm: Chân dung người lính, hành quân xa, rèn bản lĩnh, tự tin năng động, hành trình biển, nhật ký trưởng thành và chia sẻ yêu thương. Chương trình học được xen kẽ với các trò chơ vui nhộn như: đấu trường 101 câu hỏi; nhận thức bản thân tôi là ai; quản lý thời gian, làm chủ tư duy; hoạch định tương lai, giá trị yêu thương; kỹ năng giải quết mâu thuẫn, tình bạn, tình yêu…

Trong thời gian tới, ngoài khóa học “Thanh niên Việt Nam, biển đảo Việt Nam”,  Nhà VHTN TP. Hồ Chí Minh còn dự kiến tổ chức một loạt chương trình giúp giới trẻ hiểu thêm về đời sống quân đội và rèn luyện kỹ năng sống trong môi trường quân đội.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)