Người mẹ vượt hơn 1000 hải lý ra Trường Sa thăm con


Hơn 60 tuổi, nhưng mẹ Trần Thị Tịnh, quê thị trấn cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, không sợ sóng to, gió lớn. Tháng 6 vừa qua, mẹ đã ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) thăm con rể là Trung tá Vũ Văn Cường, hiện đang giữ cương vị Chỉ huy phó Tham mưu trưởng xã đảo Song Tử Tây. Những ngày con tàu HQ936 (Vùng 4 Hải quân) rong ruổi vượt hơn 1.000 hải lý suốt hành trình từ đất liền ra Trường Sa và từ huyện đảo Trường Sa trở về đất liền, chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng mẹ Tịnh. Trong số gần 100 thân nhân của chuyến tàu đi Trường Sa vừa qua, mẹ Tịnh là người phụ nữ cao tuổi nhất. Ngoài 60, lại là lần đầu đi biển trong hành trình dài ngày, cả tàu ai cũng lo mẹ say sóng. Vậy mà mẹ Tịnh chịu sóng biển thật giỏi, suốt hành trình từ đất liền ra đảo 3 ngày, 2 đêm mẹ không say sóng. Chỉ khi tàu trở về đất liền, do gặp phải áp thấp nhiệt đới, sóng cấp 5, cấp 6 mẹ mới bị say nhẹ.

 

Con rể đón mẹ Tịnh trên cầu cảng xã đảo Song Tử Tây

Con rể đón mẹ Tịnh trên cầu cảng xã đảo Song Tử Tây

Mẹ tâm sự: “Tôi rất yêu quý và tự hào có chàng rể là sỹ quan Hải quân, nên dù đi lại khó khăn, tôi vẫn quyết ra đảo thăm và động viên con. Đây cũng là chuyến thực tế để hiểu thêm về biển đảo của Tổ quốc, cuộc sống và nhiệm vụ của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Trước ngày rời Nam Định vào TP Hồ Chí Minh để lên tàu ra huyện đảo Trường Sa, người thân trong nhà đã chuẩn bị cho mẹ cả thuốc chống say sóng”.

Được biết, quê hương Nam Định của mẹ Tịnh có nhiều con em đang công tác sinh sống ngoài các đảo, xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và đã thành truyền thống, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đón Xuân mới là các cấp chính quyền huyện Trực Ninh và tỉnh Nam Định lại tổ chức gặp mặt, động viên, biểu dương gia đình có con em đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi lần được mời dự gặp mặt như thế, mẹ Tịnh thấy thật tự hào, và càng thêm quý mến chàng rể thảo.

Vốn là giáo viên nên mẹ Tịnh thật vui tính, dễ gần với mọi người. Hai buổi tối trong hành trình từ đất liền ra đảo, trên boong tàu HQ936, mẹ Tịnh cùng một số thân nhân quây quần tập văn nghệ để khi ra đảo sẽ giao lưu, hát động viên con em. Mẹ Tịnh cứ mải mê hát đi hát lại ca khúc: “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Mẹ bảo chàng rể của mẹ thích nghe ca khúc này(!). Và buổi tối giao lưu văn nghệ trên xã đảo Song Tử Tây, mẹ Tịnh lên sân khấu hát ca khúc Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây thật hay. Nghe mẹ Tịnh hát, bộ đội và nhân dân xã đảo Song Tử Tây cứ vỗ tay theo nhịp điệu của ca từ. Nhiều cán bộ, chiến sỹ còn ùa lên sân khấu tặng cho mẹ những đóa hoa bàng vuông vừa hái.

Ba ngày lưu lại trên xã đảo Song Tử Tây, mẹ Tịnh có dịp tìm hiểu cuộc sống lao động, học tập công tác của quân và dân xã đảo. Mẹ thấu hiểu hơn nỗi vất vả, gian lao của những người con nơi đầu sóng, ngọn gió. Mẹ tâm sự: “Cuộc sống vật chất và tinh thần của bộ đội và nhân dân xã đảo đã bớt thiếu thốn so với trước. Đảo đã có nhà cửa khang trang, có điện năng lượng mặt trời, trữ được nước mưa cho sinh hoạt và trồng rau xanh quanh năm, có sóng điện thoại di động và xem được ti vi…Huyện đảo Trường Sa bây giờ không còn xa xôi như trước nữa. Nhưng mẹ thương quân, dân trên đảo luôn phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và bão giông. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo lại hết sức nặng nề, nhiều khi đòi hỏi sự hy cả máu xương. Nhưng những gì mẹ tận mắt thấy trên xã đảo Song Tử Tây đủ để mẹ tin rằng con rể của mẹ, cùng đồng đội và nhân dân trên xã đảo này luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!”. Trước lúc rời tàu HQ936 vào đất liền, kết thúc chuyến thăm huyện đảo Trường Sa, mẹ Tịnh còn làm một bài thơ, ca ngợi biển đảo và những người con đang ngày đêm vững chắc tay súng canh giữ trên vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Vùng B Hải quân: Khai mạc học kỳ quân đội cho 100 “chiến sỹ trẻ”


Giúp tuổi trẻ có thêm trải nghiệm và vốn hiểu biết về biển đảo quê hương, đó là nội dung của chương trình học “Thanh niên Việt Nam, biển đảo Việt Nam” do Đoàn M71, TP. Vũng Tàu, Nhà văn hoá thanh niên (VHTN) TP. Hồ Chí Minh tổ chức bắt đầu từ sáng 26-6.

Đại tá Lâm Bá Khanh, Chính uỷ Đoàn M71, cho biết, Đoàn sẽ đón 100 học sinh bao gồm: 80 nam và 20 nữ, độ tuổi 14 đến 22 tuổi, tham gia khoá học qua trải nghiệm về biển đảo quê hương. Tham gia chương trình này, các em sẽ được tìm hiểu, học tập và rèn luyện kỹ năng sống, lý tưởng sống của người chiến sỹ hải quân; được giáo dục truyền thống anh hùng của quân đội, quân chủng Hải quân và giao lưu làm quen với đời sống người chiến sỹ…

Đại tá Lâm Bá Khanh, Chính uỷ  M71-Vùng B, trao cờ lệnh cho ban quản trại

Đại tá Lâm Bá Khanh, Chính uỷ M71-Vùng B, trao cờ lệnh cho ban quản trại

Anh Nguyễn Xuân Cường, Phó giám đốc Nhà VHTN TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 8 ngày học từ 26-6 đến 3-7, các em sẽ tham gia 7 nội dung chính gồm: Chân dung người lính, hành quân xa, rèn bản lĩnh, tự tin năng động, hành trình biển, nhật ký trưởng thành và chia sẻ yêu thương. Chương trình học được xen kẽ với các trò chơ vui nhộn như: đấu trường 101 câu hỏi; nhận thức bản thân tôi là ai; quản lý thời gian, làm chủ tư duy; hoạch định tương lai, giá trị yêu thương; kỹ năng giải quết mâu thuẫn, tình bạn, tình yêu…

Trong thời gian tới, ngoài khóa học “Thanh niên Việt Nam, biển đảo Việt Nam”,  Nhà VHTN TP. Hồ Chí Minh còn dự kiến tổ chức một loạt chương trình giúp giới trẻ hiểu thêm về đời sống quân đội và rèn luyện kỹ năng sống trong môi trường quân đội.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Phóng sự: Con đường “Nam quốc sơn hà” (Kỳ 1)


Kỳ 1: Từ cột mốc đến con đường chiến lược

Đường tuần tra biên giới ra đời không chỉ từ khát vọng ngàn đời của cha ông về một biên cương bình yên, no ấm mà còn từ cả những câu hỏi thực tiễn nóng bỏng. Những câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn đọc hình dung được sự ra đời của con đường này…

Từ sự cố cái cột mốc…

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người từng dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng con đường từ những ngày đầu. Qua điện thoại, khi tôi đặt vấn đề, nghe nói đến con đường, giọng ông sôi nổi: Đó là con đường chiến lược quốc gia! Một buổi sáng Hà Nội mưa tầm tã, trong căn phòng nhỏ ở Trạm khách 66, ông đã kể về sự ra đời của con đường…

“Cuối thập niên 80, tôi đang làm Tư lệnh Quân khu 3. Nhiều lần tới vùng biên giới Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi rất băn khoăn khi nhận thấy, còn nhiều nơi sâu vào nội địa 5-7km không có dân ở. Trong khi đó, bên kia biên giới, dân cư ở rất sầm uất và họ còn thả cả trâu bò sang đất ta. Mặc dù đã có Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ, nhưng đi 5-7 km sát đường biên không hề thấy bóng dáng một người dân. Tự nhiên trong tôi xuất hiện cảm giác chống chếnh, bất ổn. Đó là chưa kể gần các cột mốc, đường biên chỉ có trục đường ra theo trục ngang. Từ đó, định hình ý tưởng phải đưa dân ra sát biên giới, rồi từ ý tưởng trở thành quyết tâm lớn của tôi. Mà muốn đưa dân ra được thì phải có đường đi.

Nhưng đó là mình nghĩ vậy, còn tâm tư nguyện vọng của dân thì sao? Tôi nhiều lần đi nắm tình hình, gặp người dân dò hỏi. Bà con nói rằng, rất muốn ra biên giới, sinh sống gần đường biên nhưng còn “ngại”, phần vì mìn còn chưa gỡ hết, phần vì…

Đoạn đường tuần tra biên giới ở Bù Gia Mập (Bình Phước) năm 2008...

Đoạn đường tuần tra biên giới ở Bù Gia Mập (Bình Phước) năm 2008...

Thế rồi, lại thêm một “sự cố” xảy ra. Đầu năm 1988, tại một cuộc họp Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Biên phòng báo cáo bị mất một cột mốc ở Quảng Ninh. Bộ đội Biên phòng và Quân khu 3 nhận lệnh phải đi tìm bằng được. Cuối cùng, người tìm ra cột mốc là một già làng 78 tuổi. Câu chuyện ấy càng thôi thúc tôi ý tưởng đưa dân ra biên giới. Tôi bàn với lãnh đạo Quân khu, đưa bộ đội ra trước, tổ chức rà mìn, làm nương rẫy. Sau đó, xin ý kiến của tỉnh Quảng Ninh để đưa dân về các bản cũ sát biên giới. Từ một xã thí điểm, dần mở rộng ra 2-3 xã. Người dân được làm nhà, giao đất, giao rừng quản lý, đồng thời cũng “giao” cho dân phối hợp với bộ đội quản lý đường biên, cột mốc. Dự án vùng kinh tế – quốc phòng ở Tiên Yên, Ba Chẽ đã hình thành. Ý tưởng làm đường càng thôi thúc. Tôi đặt vấn đề với Bộ Quốc phòng và được đồng ý. Thế là, chúng tôi triển khai xây dựng những đoạn “đường vành đai biên giới” đầu tiên. Sau đó, anh Tư Sang (đồng chí Trương Tấn Sang – Thường trực Ban Bí thư – PV) và một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi kiểm tra đường tại Quảng Ninh đều đánh giá, khen ngợi cách làm này rất tốt, rất cần nhân rộng”.

Từ đoạn đường đầu tiên đó, các địa phương khác cũng từng bước xây dựng đường “vành đai biên giới”, tuy chỉ là đường nhỏ hẹp, cấp phối hoặc rải đá dăm nhưng rất thiết thực. Tính đến năm 2005, đã có 21 dự án dài 484 km do Bộ đội Biên phòng các tỉnh thực hiện.

…Đến “khoảng rừng nóng” Bù Gia Mập

Mùa hè năm 2004, vụ gây rối diễn ra ở Tây Nguyên. Đại tướng Phạm Văn Trà vào tìm hiểu tình hình, càng thấy rõ đòi hỏi hàng đầu đặt ra lúc này là phải có đường tốt hơn phục vụ tuần tra, kiểm soát biên giới. “Khó khăn nhất là từ Bình Phước đi Đắc Nông không có đường đi, phải xuyên qua rừng hoặc đi vòng 200km mới ra được biên giới. Lúc đó, tôi đã quyết định phải làm cho được đoạn đường gần 60km ở Đắc Nông, nhờ đó thông suốt tuyến biên giới từ Tây Ninh tới Đắc Nông. Tôi giao cho Bộ đội Công binh làm nhanh, với cơ chế đặc thù như xây dựng các công trình chiến đấu. Cùng với đó, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện một đề án tổng thể về đường tuần tra biên giới đặt ra cấp bách và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất ủng hộ. Theo tôi, đó là một bước đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta”- Đại tướng Phạm Văn Trà kể.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban quản lý dự án 47 khi đó là Tư lệnh Binh chủng Công binh nhận lệnh vào Tây Nguyên khảo sát, nhớ lại: “Chúng tôi tới rừng quốc gia Bù Gia Mập thuộc xã Đắc Ơ, là địa bàn có nhiều người vượt biên trái phép. Để làm gấp đoạn đường Bù Gia Mập, tôi đã chọn Trung đoàn Công binh 293, một trong những “quả đấm thép” của binh chủng. Sau một năm trời, với bàn tay miệt mài của người lính công binh 293, tuyến đường đầu tiên màu đất đỏ ba-dan như một sợi chỉ đỏ vắt ngang rừng đại ngàn”.

“Bản vẽ” con đường mang dáng hình đất nước

Thời gian này, việc xây dựng đề án tổng thể đường tuần tra biên giới được triển khai gấp rút. Trung tướng Phạm Hồng Lợi, lúc đó là Phó tổng tham mưu trưởng, Phó ban chỉ đạo Đường tuần tra biên giới liên tục đi khảo sát dọc biên cương. Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại: “Thủ tướng Chính phủ đã có tới 3 cuộc họp nghe lãnh đạo Bộ Quốc phòng báo cáo đề án con đường này. Lúc đầu, do nhiệm vụ cấp bách, Bộ Quốc phòng chỉ chuẩn bị phương án làm đường nhỏ, nền đường 3m, trải nhựa cấp phối hoặc đá dăm, đủ cho xe u-oát đi hoặc chỗ nào khó hơn thì đủ cho người, ngựa biên phòng đi tuần tra”. Đất nước còn nghèo, dù nhiệm vụ bảo vệ biên cương rất quan trọng, người lính không dám đòi hỏi sự ưu tiên, nhưng Chính phủ cùng các bộ, ngành lại có một câu hỏi được bàn thảo khá nhiều: “Nếu làm đường chỉ đủ đi tuần tra thì hơi phí? Liệu có thể làm một con đường lớn hơn, vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh được không?”.

... và năm 2010.

... và năm 2010.

Ngày 4-11-2004, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị thường trực Chính phủ nghe Bộ Quốc phòng báo cáo dự thảo kế hoạch củng cố và xây dựng tuyến đường biên giới đất liền đến năm 2010. Sau khi nghe Thượng tướng Phùng Quang Thanh, khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng báo cáo, Thủ tướng đã kết luận: “Đã làm thì làm cho “đàng hoàng”, kết hợp tốt giữa kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh. Không làm đường rộng 3m nữa mà phải làm đường lớn hơn”.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó tư lệnh Công binh, được giao làm giám đốc đầu tiên của Ban quản lý dự án 47 kể: “Sau đó, chúng tôi đã xác định quyết tâm năm 2005 sẽ lập xong dự thảo đề án. Hàng loạt đơn vị khảo sát thiết kế tinh nhuệ nhất của Bộ Quốc phòng vào cuộc khẩn trương nên đến đầu tháng 8-2005 đã khảo sát được gần 5000km biên giới, dù xăng dầu, kinh phí chưa bảo đảm. Một phương án tuyến của con đường từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) đã ra đời. Có phương án tuyến, chúng tôi lại lên đường đi khảo sát cụ thể nhiều khu vực trọng điểm. Đoàn cán bộ, đa số đã kinh qua đánh Mỹ, dạn dày với mưa bom bão đạn, nay lại khoác ba lô trèo đèo, lội suối, băng rừng xác định từng cọc mốc, từng hướng tuyến sao cho ngắn nhất, hợp lý nhất, kinh tế nhất. Suốt mấy tháng trời, chúng tôi đi từ Bình Phước, dọc theo dòng suối sát biên, từ bìa rừng Bù Gia Mập sang Đắc Nông, đến những cánh rừng khộp Gia Lai, nơi còn in dấu đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Hết Tây Nguyên, chúng tôi lại ra Nghệ An, Thanh Hóa. Tới Sơn La, ngược dòng sông Mã, chúng tôi đi từ Chiềng Khương sang Sốp Cộp, từ Sông Mã sang Điện Biên rồi lại về biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Càng đi càng thấy đất nước ta hùng vĩ, dân tộc ta anh hùng, nhân dân ta cần cù chịu khó. Chúng tôi hiểu sứ mệnh của mình. Đau, yếu, sai khớp, chuột rút, có đồng chí bị ngã vì núi cao, đường trơn nhưng không ai chịu bỏ cuộc”.

Dự thảo đề án ở mức hoàn chỉnh hơn ra đời. Con đường bây giờ là đường ô tô có thể chạy suốt dọc dài biên giới, nền đường rộng 5,5m, mặt đường 3,5m, kết cấu bê tông xi măng; các công trình trên đường làm bằng thép và bê tông cốt thép.

Một ngày cuối năm 2005, tại Hội nghị thường trực Chính phủ, nghe Bộ Quốc phòng báo cáo dự thảo đề án, Thủ tướng Phan Văn Khải khá hài lòng. Phát biểu kết luận, ông nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng giao cho Bộ Quốc phòng, làm sao cho “nhanh, bền, tốt, rẻ, không có tiêu cực”. Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng sớm bổ sung hoàn chỉnh đề án.

Con đường theo đề án phác thảo dài 14.250km, trong đó xây dựng mới hơn 10.196km, qua 25 tỉnh, dài hơn cả Vạn Lý Trường Thành, dự kiến sẽ phải làm trong hàng chục năm mới hoàn thành. Từng có nhiều cuộc tranh luận khác nhau về hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu? Nhưng đây là con đường sẽ được làm trong điều kiện vô cùng gian khó mà có lẽ chỉ những người lính Bộ đội Cụ Hồ với truyền thống “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” mới có thể gánh vác. Vì vậy, khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép xác định đây là công trình quốc phòng an ninh, quản lý theo cơ chế đặc thù, sử dụng lực lượng quân đội thi công theo hình thức chỉ định thầu, Thủ tướng tán thành. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nói ngay: Việc này không thể một mình cá nhân Thủ tướng quyết được mà phải có một nghị quyết của Chính phủ.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 12-2006, Chính phủ đã ra Nghị quyết về đường tuần tra biên giới, nhất trí với đề nghị trên. Ngày 14-3-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định mang số 313/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Quy hoạch xây dựng đường TTBG đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”.

Quyết định của Thủ tướng đã trở thành một cột mốc quan trọng, khẳng định tầm vóc chiến lược quốc gia của đường tuần tra biên giới, con đường mang dáng hình đất nước…

————————-

Kỳ 2: Cuộc ra quân “nhớ đời”

Phóng sự của NGUYÊN MINH – ĐỨC TOÀN


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp song phương Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản


Trong cuộc gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh ngày 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tô-si-mi Ki-ta-da-oa (Toshimi Kitazawa) đã cảm ơn sự chia sẻ, hỗ trợ của quân đội và nhân dân Việt Nam với nhân dân Nhật Bản trong thảm họa động đất-sóng thần. Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, quân đội và nhân dân Việt Nam coi sự mất mát, đau thương của nhân dân Nhật Bản như là của chính mình. Đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ hy vọng nhân dân Nhật Bản sẽ sớm khắc phục được hậu quả của thảm họa.

 

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phung Quang Thanh

Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.

Hai Bộ trưởng nhất trí đánh giá quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đang phát triển tích cực. Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục dành cho Việt Nam các suất học bổng đào tạo sĩ quan. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tô-si-mi Ki-ta-da-oa mời Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm chính thức Nhật Bản và ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương.

Hai Bộ trưởng cũng dành thời gian trao đổi về tình hình an ninh trên Biển Đông. Bộ trưởng Tô-si-mi Ki-ta-da-oa hy vọng qua tham vấn, ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm xây dựng được Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và nhanh chóng đưa Quy tắc này vào thực hiện vì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Ngày 5-6, Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể mang chủ đề “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới”.

 

Bảo Trung


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XI


Diễn ra từ ngày 4 – 10/7, Hội nghị lần thứ hai BCH TƯ Đảng khóa XI sẽ tập trung vào các nội dung chính là thảo luận, quyết định chương trình, quy chế làm việc, chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và công tác nhân sự.

Hội nghị khai mạc hôm nay, 4/7 tại Hà Nội, trong bối cảnh cả nước vui mừng trước thành công tốt đẹp của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XI

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ trước mắt theo tinh thần các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, tích cực cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII.

Quyết định chương trình, quy chế làm việc

Hội nghị sẽ thảo luận và quyết định về Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Về Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là công việc rất quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu khóa, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ra nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới mà Đại hội XI đã xác định. Ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết hoặc những khâu cần đột phá như tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; chính sách pháp luật về đất đai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường; chính sách an sinh xã hội…

Về quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là sự cụ thể hóa Điều lệ Đảng, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan đảng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Về triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Báo cáo chính trị của Đại hội XI xác định rõ mục tiêu, định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Đại hội đã quyết định phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất khó và hệ trọng, cần được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói.

Giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt

Một nội dung quan trọng nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề cập đó là việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, ngay sau Đại hội XI, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã thành công tốt đẹp. Theo quy định của pháp luật, ngày 21/7/2011 sắp tới, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, việc chuẩn bị nhân sự lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung.

Theo chương trình dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra tới hết ngày 10/7/2011.

Nguyễn Hoàng


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp cao QĐND Việt Nam


Sáng 3/7, tại Hà Nội, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm cấp tướng cho cán bộ cấp cao trong QĐND Việt Nam.

Tới dự có: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

phung-quang-thanh-bo-nhiem

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quyết định bổ nhiệm cho Trung tướng Nguyễn Thành Cung.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lương Cường, Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Đào Duy Minh, Chính uỷ Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược, Phó Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 3; Thiếu tướng Đinh Văn Cai, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 9; Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Phó Chính uỷ Quân khu 1 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 1; Đại tá Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 5 và được thăng quân hàm cấp thiếu tướng; Đại tá Đỗ Căn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chính uỷ Quân khu 3 và được thăng quân hàm thiếu tướng.

Thay mặt Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, chúc mừng các đồng chí được Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao cho cương vị, trọng trách mới. Đại tướng mong rằng, trên cương vị chủ chốt của đơn vị, các đồng chí được bổ nhiệm và thăng quân hàm cấp tướng lần này luôn phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng mối đoàn kết thống nhất, luôn luôn giữ vững ngọn cờ đoàn kết của Đảng trong quân đội; chăm lo xây dựng tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp cao QĐND Việt Nam


Sáng 3/7, tại Hà Nội, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm cấp tướng cho cán bộ cấp cao trong QĐND Việt Nam.

Tới dự có: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

phung-quang-thanh-bo-nhiem

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quyết định bổ nhiệm cho Trung tướng Nguyễn Thành Cung.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lương Cường, Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Đào Duy Minh, Chính uỷ Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược, Phó Chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 3; Thiếu tướng Đinh Văn Cai, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 9; Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Phó Chính uỷ Quân khu 1 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 1; Đại tá Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 5 và được thăng quân hàm cấp thiếu tướng; Đại tá Đỗ Căn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chính uỷ Quân khu 3 và được thăng quân hàm thiếu tướng.

Thay mặt Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, chúc mừng các đồng chí được Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao cho cương vị, trọng trách mới. Đại tướng mong rằng, trên cương vị chủ chốt của đơn vị, các đồng chí được bổ nhiệm và thăng quân hàm cấp tướng lần này luôn phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong xây dựng mối đoàn kết thống nhất, luôn luôn giữ vững ngọn cờ đoàn kết của Đảng trong quân đội; chăm lo xây dựng tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)