Tướng lĩnh quân đội Việt Nam phân tích tình hình Biển Đông


Không sợ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền khu vực đó, vừa giữ được hòa khí. Cách đó phải học lịch sử. Kể cả lịch sử gần đây nhất”, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trò chuyện về câu chuyện biển Đông.

‘Người dân Trung Quốc muốn hòa bình’

Đại tướng Lê Đức Anh nhận xét: “Không phải người dân Trung Quốc bất chấp lẽ phải đâu. Họ cũng muốn hòa hiếu, muốn ổn định, hòa bình”.

Đồng ý kiến này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nhận định: “Tôi tin rằng 1,3 tỷ dân Trung Quốc đều là những người hòa hiếu, muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Tin rằng đa phần lãnh đạo Trung Quốc thiện chí với Việt Nam”.

Vả lại, Việt Nam cũng không thể trông đợi bên ngoài. Phải dựa vào mình là chính. Ta vững thì họ lùi. Đó là quy luật của quan hệ rồi”, thiếu tướng nói.

Chứng cứ đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại cắt đứt.

Chứng cứ đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại cắt đứt.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, trong thế giới toàn cầu hóa, Trung Quốc cần một hình ảnh tốt đẹp để phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế, xã hội…Trong không gian phát triển của Trung Quốc, phía nam là hướng tương đối ổn định, khu vực ASEAN là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra xa hơn. Liệu Trung Quốc có thể “cắt” cái cửa này được không, làm cho khu vực này có những quốc gia không bằng lòng với chính sách của Trung Quốc được không?

“Chúng ta tin tưởng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được vấn đề này. Trên cơ sở nhận thức như vậy, nhưng giải pháp của chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta và lợi ích cho chính Trung Quốc, và có thể sẽ được hiện thực hóa trong tương lai, tất nhiên nó sẽ vô cùng lâu dài và khó khăn, nhưng phải kiên trì”, Trung tướng Vĩnh nói.

Đuối lý mới phải dùng vũ lực

Tại Hội nghị An ninh Châu Á vừa được tổ chức tại Singapore, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định sự sai trái của Trung Quốc trong sự việc tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp. Đại tướng nhấn mạnh việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vào sâu tới hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là điều không chấp nhận được trong bất cứ văn bản luật pháp nào. Chủ trương Việt Nam trên biển Đông là kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và công khai minh bạch để cộng đồng thế giới phân biệt đúng sai.

Trao đổi với báo chí, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: vụ tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động xâm phạm trắng trợn. Đó là vụ hành xử bằng bạo lực, hành động bạo lực khoác áo dân sự. Hành động này của phía Trung Quốc chứng tỏ một điều chính người gây hấn cũng không có cơ sở pháp lý để giải quyết mà phải sử dụng đến bạo lực để phá hoại một hoạt động lao động hoà bình trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Sự việc này lại diễn ra sau một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, ngay trước thềm Hội nghị An ninh châu Á. Vì thế, đây còn là sự thách thức dư luận quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, không cho ai xé rào khỏi luật pháp.

Nếu không làm cho phía Trung Quốc chấm dứt ý định đó, thì có thể những sự việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Vấn đề sẽ là sự việc xảy ra ở đâu, vào lúc nào, với ai, ở mức độ nào thôi.

Trung tướng Vịnh đánh giá: “có thêm một sự kiện Bình Minh 02 nữa xảy ra thì đây rõ ràng là một hành động leo thang. Thậm chí, đó còn là một thông điệp đối với không chỉ Việt Nam mà còn đối với các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Điều tôi mong muốn nhất là làm sao người dân hiểu chỉ có dựa vào chính mình mới giải quyết được việc của mình, không thể dựa vào ai để giải quyết được vì đó chỉ là nhân tố bên ngoài. Chúng ta tin rằng có thể giải quyết được trong hòa bình và vẫn giữ được chủ quyền lãnh thổ. Quá khó khăn nhưng nếu phân tích dưới góc độ lợi ích, chúng ta hi vọng”, Trung tướng Vĩnh nói.

Chủ quyền trên hết

Thiếu tướng Cương cũng cho rằng, việc tàu hải giám của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gây hấn, cắt cáp dầu khí là thủ thuật của Trung Quốc để gây hiểu nhầm, và từng bước biến vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp. Hành động này không khác gì việc có anh hàng xóm xấu bụng, chạy sang vườn nhà người ta đào bới, chặt cây, hái quả, sau đó sinh sự để biến cái vườn ấy thành mảnh vườn tranh chấp, Thiếu tướng Cương nhận xét.

Theo Đại tướng Lê Đức Anh, trước sự cố này, phải đặt chủ quyền đất nước là sự quan tâm số 1. Đồng thời, Việt Nam phải giữ hòa hiếu với nhân dân tất cả các nước.

“Về chuyện Biển Đông, ta phải xem chủ quyền của ta tới đâu. Và chủ quyền các nước trong khu vực tới đâu. Phải đối chiếu lại với quy định của luật pháp quốc tế. Chỗ nào của ta, ta phải giữ.

Trường hợp chúng ta tôn trọng quy định chung mà các nước trong khu vực không tôn trọng, phải đối thoại trước khi đưa ra Tòa án quốc tế.  Phải cố gắng tối đa để không xảy ra xung đột vũ trang. Trừ trường hợp mất chủ quyền, phải bảo vệ”, Đại tướng Lê Đức Anh nói.

“Bảo vệ chủ quyền là số 1″, Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén


Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Hôm nay (30/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011.

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận 02/KL-TW và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/NQ-QH12, với các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mức bội chi thấp nhất mấy năm gần đây

Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những “điểm sáng” như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần kế hoạch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ…

Kết quả thu – chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cho thấy, hết tháng 6/2011 tổng thu ngân sách đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán. Chi ngân sách đạt 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Như vậy, bội chi ngân sách 6 tháng là 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Đặc biệt, thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; thu chi ngân sách đạt khá, bội chi giảm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang chậm lại; cắt giảm đầu tư công có hiệu quả nhưng vẫn tăng đầu tư cho “tam nông”; đã có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng giá của thị trường bất động sản; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng đạt thấp; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

Phấn đấu một số chỉ tiêu cơ bản

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào điều hành một số chính sách lớn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, cần thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện kiên trì và nhất quán điều hành giá xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Cần những giải pháp chiến lược dài hạn, vững chắc hơn

Thảo luận về các báo cáo trên, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, sự điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin của nhân dân, nhất là đối với các chính sách an sinh xã hội, tạo ổn định về mặt chính trị – xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhìn nhận, những kết quả về KT-XH trên chỉ mới là kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, do đó, cần có những giải pháp kiên quyết hơn nữa.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, song song với những giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ cần chú trọng đến các giải pháp chiến lược mang tính dài hạn như công tác quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ, tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, cần tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường.

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bên cạnh những “điểm sáng” về thu ngân sách, tăng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp…, nền kinh tế nước ta cũng nổi lên những vấn đề lớn cần sớm được khắc phục. Đó là lạm phát tăng cao, lãi suất huy động và cho vay đều tăng, nhập siêu vẫn cao…

Vì thế, với 6 tháng cuối năm cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Bên cạnh đó, tăng tính đối thoại, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.

Lê Sơn


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Thượng viện Mỹ đề cử Tướng David Petraeus làm Giám đốc CIA


Phung Quang Thanh, Dai Tuong Phung Quang Thanh

Tướng David Petraeus. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP, ngày 28/6, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua quyết định đề cử Tướng David Petraeus làm Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Quyết định trên đồng nghĩa với việc đề cử ông Petraeus có thể được toàn thể Thượng viện Mỹ thông qua ngay trong tuần này để ông này kế nhiệm đương kim Giám đốc CIA sắp mãn nhiệm Leon Panetta, người dự kiến sẽ thay ông Robert Gates làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sỹ Dân chủ Dianne Feinstein và Phó Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Saxby Chambliss cho biết trong tuyên bố chung: “Chúng tôi trông đợi việc nhanh chóng xác nhận trong tuần này để Tướng Petraeus có thể điều hành CIA tại thời điểm then chốt này đối với đất nước chúng ta.”

Họ gọi ông Petraeus là “một công chức nổi bật và một trong những sỹ quan tốt nhất của đất nước”./.

(VIetnam+)

(Theo website Phùng Quang Thanh)

Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông


Ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí Việt Nam về cuộc gặp của Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 25-6-2011. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

* Phóng viên: Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, với tư cách là đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung Thông điệp của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam?

 

Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Hoang Sa Truong Sa

Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Internet

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Thông tin về chuyến đi đã được báo chí đưa tin, còn nội dung Thông điệp tập trung vào 3 điểm chính sau:

1. Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới.

2. Bày tỏ quan ngại về những vụ việc vừa qua ở Biển Đông; đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” DOC, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

3. Nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội.…

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết rõ những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, về việc giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị là gì?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc. Theo đó, hai bên khẳng định quan tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước”.

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết tiến trình đàm phán “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Như các bạn đã biết, sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cuối tháng 12-2008, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận chuyển trọng tâm đàm phán về công tác biên giới lãnh thổ sang vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trước khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể cần đàm phán ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đó là những định hướng lớn, quan trọng mà hai bên cần tuân thủ.

Với tinh thần đó, từ đầu năm 2010 đến nay, ta và Trung Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số nguyên tắc cơ bản như: nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác…Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet


Chiều 27/6, tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng tiếp tục đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

 

Nguyen Tan Dung, Thu Tuong, Thuy Sy, Viet Nam, Jean Hubert Lebet

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Thụy Sỹ đang phát triển tích cực, tạo điều kiện cho hai nước phát triển nhiều lĩnh vực.

Đánh giá cao nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của Đại sứ Jean Hubert Lebet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những đóng góp của Đại sứ đã góp phần tích cực đưa quan hệ chính trị, ngoại giao, giáo dục – đào tạo Việt Nam – Thụy Sỹ ngày càng gắn bó, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Hiện, Thụy Sỹ là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Âu.

Thủ tướng mong muốn, với những hiểu biết và tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh Đại sứ mới của Thụy Sỹ và khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại sứ mới có nhiệm kỳ công tác thành công tốt đẹp.

Đại sứ Jean Hubert Lebet cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với cá nhân Đại sứ trong thời gian công tác tại Việt Nam.

Đại sứ Jean Hubert Lebet khẳng định, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và cho biết, trong năm nay, hai bên sẽ phối hợp tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Thu Cúc


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới


Phát biểu tại Tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cần phải dồn nhiều sức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng thành công nông thôn mới.

 

truong tan sang

Toàn Cảnh Cuộc Họp

Ngày 26/6 tại Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và  Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Liên hoan văn nghệ và thi đấu thể thao quần chúng 11 xã điểm.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới dự Tọa đàm.

Về tình hình thực hiện tiêu chí văn hóa nông thôn mới tại 11 xã  điểm, tính đến tháng 5/2011, 81/130 thôn được công nhận thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 62%. 8/11 xã được phê duyệt dự án và đang thi công xây dựng nhà văn hóa xã, 3 xã đã hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa.

Các đại biểu đại diện cho các xã điểm đều cùng thống nhất quan điểm, cùng với việc thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới tập trung vào 4 nội dung: nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa thôn, làng, ấp, bản văn hóa; hoàn thiện trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa – khu thể thao thôn; phát triển hoạt động văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới; và nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật ở nông thôn.

Nhấn mạnh vai trò bảo tồn và phát huy văn hóa ở nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, cần đặt giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những tiêu chí ưu tiên hàng đầu.

 

truong tan sang

Trương Tấn Sang

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, mục đích xây dựng nông thôn mới hết sức toàn diện với nhiều nội dung, các xã thí điểm đã nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp, cơ bản đạt được nhiều tiêu chí đặt ra. Đời sống văn hóa ở 11 xã điểm có sự chuyển động khá lớn so với hơn 2 năm trước khi thực hiện

Tuy nhiên, đồng chí lưu ý với các địa phương, để nhân rộng mô hình thí điểm ra toàn tỉnh và toàn quốc thì đòi hỏi phải dồn sức, phát huy tối đa tất cả các nguồn lực, cần có sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân. Bởi qui mô càng mở rộng thì các địa phương sẽ càng gặp khó khăn khi tính chất và nội dung chương trình sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Đồng chí cho biết, sau khi kết thúc thực hiện thí điểm 11 xã nông thôn mới, Trung ương sẽ rà soát lại 19 tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn với sự phát triển của đất nước và của từng địa phương.

Từ đây đến cuối năm là giai đoạn nước rút để các xã thí điểm hoàn thiện những tiêu chí đạt được và kiến nghị  những vấn đề xoay quanh Chương trình để nhân rộng trên toàn quốc, để nông thôn có một diện mạo mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo PV.


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tiếp Bộ trưởng Tài chính Lào


Những hỗ trợ quý báu của Việt Nam về hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực đã giúp hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào phát triển nhanh và bền vững.

 

nguyen sinh hung

Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng

Chiều 26/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước ngày càng phát triển và coi đó là tài sản vô giá để Việt Nam – Lào hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và các cấp, các ngành của Việt Nam sẽ luôn làm hết sức mình để thúc đẩy phát triển quan hệ Việt – Lào và cho rằng trong 10 năm qua, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thuế quan đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Việc ký kết Thoả thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2011-2020 đã tạo điều kiện để hợp tác giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính hai nước cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ then chốt trong việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng. Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, cần rà soát, xác định nhu cầu nhân lực của xã hội để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo.

Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy cảm ơn sự giúp đỡ chân tình và quý báu của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý. Thời gian qua, nhiều quy định đã thực sự phát huy tác dụng, tạo cơ chế để hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Tài Chính Lào cũng cho biết, Lào luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hợp tác.

Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Tài chính Lào khẳng định, với sự hợp tác và giúp đỡ của Việt Nam trong việc xây dựng Học viện Kinh tế – Tài chính Duong Kham Xang, nguồn nhân lực của Lào sẽ dần ổn định và có chất lượng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Bộ trưởng Somdy Douangdy cũng cho biết, cuối tháng 6 này, cán bộ, công chức Bộ Tài chính hai nước sẽ có cuộc giao lưu hữu nghị. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa để trao đổi kinh nghiệm và tạo mối gắn kết giữa hai Bộ.

Theo PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)