Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng giai cấp công nhân là nhiệm vụ quan trọng


Ngày 17/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

phung quang thanh

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Báo cáo tình hình công nhân viên chức lao động và kết quả hoạt động công đoàn sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nêu rõ: Công nhân viên chức lao động cả nước tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành của Chính phủ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. 3 năm qua, cả nước đã thành lập mới được 12.333 công đoàn cơ sở, kết nạp 1.863.887 đoàn viên. Tính đến tháng 12/2010, cả nước có gần 7,1 triệu đoàn viên và hơn 106.000 công đoàn cơ sở. Công đoàn các cấp đã chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp ngoài nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đông đoàn viên; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng. Năm 2010 đã có 15.221 công nhân lao động được kết nạp Đảng, tăng 4,85%. Các cấp công đoàn đã động viên cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất “năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”… góp phần phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn. Trên lĩnh vực đối ngoại, Công đoàn Việt Nam đã phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 tổ chức quốc tế, công đoàn quốc tế, công đoàn quốc gia… bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao vị thế đất nước và Công đoàn trên thế giới.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 20/NQ-TW mới chỉ tập trung ở khu vực kinh tế nhà nước, chưa được quan tâm thỏa đáng ở khu vực ngoài nhà nước. Nhiều vấn đề cấp bách như mục tiêu Nghị quyết đề ra, chưa thật sự được tập trung giải quyết quyết liệt và chưa tạo được sự chuyển biến đáng kể. Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động và cơ chế phối hợp giữa nhà nước, chủ doanh nghiệp, công đoàn để giải quyết những vấn đề về tranh chấp lao động, bảo hiểm xã hội, Luật tiền lương tối thiểu… chưa được tập trung triển khai. Việc thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm lo lao động nữ… chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ của Công đoàn, mà của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, việc triển khai Nghị quyết 20/NQ-TW đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, mà nhằm xây dựng và phát triển vững mạnh, toàn diện giai cấp công nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 20, trước hết cần bám sát các nội dung, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra; nhìn nhận, đánh giá đúng những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, những nội dung cần bổ sung, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm; từng bước tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, tầm quan trọng của việc xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng nước ta. Các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 20/NQ-TW đã đề ra phải được cụ thể hóa thành các đề án, chương trình hành động cụ thể. Tuy nhiên, để tránh dàn trải, trong giai đoạn sắp tới, cần lựa chọn, xây dựng các đề án, chương trình hành động có tính khả thi cao, tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách, như thu nhập, tiền lương, bảo hiểm, y tế, phúc lợi công cộng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phải quyết liệt hơn, bảo đảm tính tập trung, thống nhất cao hơn, trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, vai trò chủ động tổ chức, tham mưu, đề xuất của tổ chức Công đoàn các cấp.

* Cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm các phân xưởng sản xuất, khu nhà ở, gặp gỡ công nhân lao động và làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Thăng Long; đến thăm, làm việc tại Công ty cổ phần xích líp Đông Anh, tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Qua tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh, công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, công tác quần chúng và tình hình đời sống của công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nói chung và tại một số doanh nghiệp tại đây (như: Công ty TNHH Denso, Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội; Công ty TNHH TOTO Việt Nam; Công ty TNHH Canon Việt Nam…), Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 20, không chỉ nhằm phát huy vai trò quan trọng của giai cấp công nhân trong phát triển sản xuất kinh doanh, mà còn nhằm chăm lo mọi mặt, nâng cao trình độ toàn diện cho công nhân lao động, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, hài hòa mối quan hệ giữa chủ và thợ, giữa doanh nghiệp và địa phương… Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn các cấp chính quyền thành phố, tổ chức Công đoàn, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa đối với công nhân lao động cả về vật chất lẫn tinh thần, hỗ trợ anh chị em học tập, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, văn minh công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả, vì sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó, mỗi công nhân, người lao động cần nâng cao hơn nữa nhận thức chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong doanh nghiệp, đối với gia đình và xã hội.

Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy, nhiều doanh nghiệp tại đây đã phát triển nhanh chóng, làm thay đổi bộ mặt ở khu vực phía Bắc Thủ đô, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đông đảo người dân, không chỉ ở huyện Đông Anh, Hà Nội, mà cả các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và cả nước. Tổng Bí thư mong muốn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, không ngừng phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu trở thành những mô hình kiểu mẫu về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tặng quà một số gia đình công nhân tiêu biểu…

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ công trường Thủy điện Sơn La


Ngày 16/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La – Lai Châu đã thị sát công trình thủy điện Sơn La, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm và mục tiêu nhiệm vụ đến cuối năm 2011 của dự án.

 

Pho Thu Tuong Hoang Trung Hai, Hoang Trung Hai, thuy dien, Son La

Hai tổ máy đầu tiên đang hoạt động.

Đến thời điểm này, công tác thi công trên công trường thủy điện Sơn La đang trong giai đoạn hoàn thành phần xây dựng các hạng mục công trình chính. Hai tổ máy đã đi vào vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia. Các tổ máy còn lại đang được khẩn trương thi công để sớm hoàn thành công trình thế kỷ, phục vụ nhu cầu năng lượng phát triển KT-XH đất nước.

 

Pho Thu Tuong Hoang Trung Hai, Hoang Trung Hai, thuy dien, Son La

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn kiểm tra phần bề mặt công trình.

Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra, xem xét từng hạng mục chính đang thi công, công tác cung cấp thiết bị công nghệ theo yêu cầu tiến độ, chất lượng công trình, công tác vận hành, đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường, đi dọc tuyến đấu nối điện từ dự án vào hệ thống điện lưới quốc gia.

 

Pho Thu Tuong Hoang Trung Hai, Hoang Trung Hai, thuy dien, Son La

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải gặp gỡ những người thợ trên công trường.

Ngày mai, 17/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ chủ trì cuộc họp giao ban công trường của Ban chỉ đạo, kiểm điểm, đôn đốc công tác thi công, triển khai dự án thủy điện Sơn La và dự án thủy điện Lai Châu.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh Tiếp Cục Trưởng Cục Chính Sách Singapore


Chiều 15-6, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tiếp Ngài Ga-bri-en Lim (Gabriel Lim), Cục trưởng Cục Chính sách Quốc phòng Singapore.

Nguyen Chi Vinh, Singapore

Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh chào mừng Ngài Ga-bri-en Lim và đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao mối quan hệ về quân sự, quốc phòng giữa quân đội hai nước trong thời gian qua, cho rằng chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của đoàn đã thể hiện rõ quyết tâm chung của lãnh đạo cấp cao hai nhà nước và hai quân đội, nhằm góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam – Singapore.

Ngài Ga-bri-en Lim cảm ơn Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dành thời gian tiếp và thông báo kết quả cuộc Họp nhóm làm việc hỗn hợp Việt Nam – Singapore, bày tỏ mong muốn thời gian tới, mối quan hệ giữa QĐND Việt Nam và Quân đội Singapore sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong mối quan hệ chung giữa hai nước.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Đồng chí Trương Tấn Sang: Nam Định cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng


Ngày 14-6, phát biểu tại buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Nam Định trong triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Nam Định đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như: Kết cấu hạ tầng yếu kém làm ảnh hưởng đến việc khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp so với các địa phương khác trong vùng; đô thị tuy phát triển khá nhanh nhưng tính hiện đại chưa rõ…

Trương Tấn Sang, Truong Tan Sang

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Xuất phát từ thực tế trên, đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng: Trong thời gian tới cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Nam Định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, trong đó phát triển hệ thống giao thông để khai thác tốt những tiềm năng của địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển mạnh công nghiệp theo hướng chuyển dịch từ sản xuất gia công sang sản xuất chuyên sâu, để nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế. Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Nam Định cũng như các tỉnh khác nằm ở vùng Nam Đồng bằng sông Hồng cần suy nghĩ, nghiên cứu về tính liên kết vùng trên cơ sở phân công hợp lý, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Nam Định với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng – an ninh của tỉnh. 5 năm qua, kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả. So với năm 2005, tổng GDP tăng hơn 1,63 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 2,5 lần; thu ngân sách từ kinh tế địa phương tăng hơn 2,2 lần. Sản xuất nông nghiệp ổn định, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho toàn vùng. Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển với tốc độ cao; số lượng doanh nghiệp tăng 3,5 lần. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút 155 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 11.230 tỷ đồng và 150 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng 20 cụm công nghiệp, thu hút 374 dự án với số vốn thực hiện đạt 1.293 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang tích cực hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế biển Ninh Cơ, trình các bộ, ngành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt….

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Thứ trưởng Trần Đại Quang kiểm tra công tác Công an tại Bình Dương


Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, ngày 14/6, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác đảm bảo an ninh chính trị và TTATXH 6 tháng đầu năm 2011 tại Bình Dương, đi cùng đoàn có lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục Bộ Công an. Đồng chí Lê Thanh Cung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cùng đến dự buổi làm việc.

Bình Dương là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, thu hút đầu tư cao, tỉnh đang đẩy mạnh nhiều dự án để xây dựng Bình Dương thành đô thị loại I trước năm 2020. Công tác bảo vệ ANTT có nhiều thuận lợi, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố làm mất ổn định an ninh xã hội, lợi dụng khiếu kiện, đình công để gây rối ANTT. Tội phạm tham nhũng trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, tội phạm mang yếu tố nước ngoài sử dụng công nghệ cao để phạm tội, tội phạm có tổ chức mang tính côn đồ hung hãn….

Tran Dai Quang

Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc.

Sau khi nghe các Tổng cục báo cáo công tác phối hợp, những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn tồn đọng trên địa bàn, Thứ trưởng Trần Đại Quang biểu dương tinh thần phê và tự phê bình của Công an tỉnh Bình Dương đối với các mặt làm tốt và chưa tốt, cũng như đề xuất hướng khắc phục những thiếu sót tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Trước mắt phải làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo tình hình để kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã hội cùng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT, ngăn chặn mọi biểu hiện phá hoại nội bộ, cũng như biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm. Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ về pháp luật; đề cao tinh thần trách nhiệm và tự đề kháng trong CBCS, kiên quyết đấu tranh với mọi biện hiện tiêu cực, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ”; củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực CBCS; rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ, tăng cường lực lượng cho cơ sở và lực lượng trực tiếp chiến đấu đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phương Nam


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Nghị sỹ lưỡng đảng đệ đơn kiện Tổng thống Obama


Theo AFP, một nhóm các nghị sỹ lưỡng đảng của Mỹ ngày 15/6 đã đệ đơn kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tòa án Liên bang vì đã tiến hành “bất hợp pháp” các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Libya mà không có sự chuẩn thuận của Quốc hội.

Tong thong Obama, Barack Obama, Nghi si luong dang, vu luc quan su, chien dich quan su, Libya

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Dennis Kucinich cùng 9 thành viên khác trong Hạ viện Mỹ đã ký vào đơn kiện miêu tả việc ông Obama đã “lách” Quốc hội, cơ quan được Hiến pháp Mỹ cho quyền tuyên bố chiến tranh, trong việc cho phép sử dụng vũ lực quân sự Mỹ ở nước ngoài.

Ông Kucinich nói: “Liên quan tới cuộc chiến tại Libya, chúng tôi tin rằng luật pháp Mỹ đã bị vi phạm. Chúng tôi đã yêu cầu các tòa án hành động để bảo vệ nhân dân Mỹ khỏi những hậu quả của những chính sách sai trái kể trên.”

Trước đó, ngày 13/6, với tỷ lệ phiếu ủng hộ 248/163, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm sử dụng các quỹ cho các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Libya. Dự luật sửa đổi trên, do nghị sỹ Đảng Dân chủ Brad Sherman của bang California, đưa ra viện dẫn theo Nghị quyết các quyền hạn chiến tranh, bộ luật năm 1973 hạn chế các quyền hạn tổng thống trong vấn đề triển khai quân đội tại các vùng chiến sự ở nước ngoài mà không cần đến sự nhất trí của quốc hội. Một số nghị sỹ Mỹ gần đây đã bày tỏ thái độ không hài lòng đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc tiến hành các chiến dịch ở Libya hồi tháng Ba vừa qua và ông Obama vẫn tiếp tục thực hiện việc này mà không cần đến sự cho phép của Quốc hội Mỹ.

PV


(Theo website Phùng Quang Thanh)

Hội nghị các bên tham gia Công ước LHQ về luật biển UNCLOS


Ngày 14/6, Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) đã khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Chủ tịch Hội nghị, Camillo Gonsalves, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế và các nước thành viên Liên hợp quốc tham gia Công ước được hưởng lợi ích từ chế độ pháp lý quốc tế mạnh, được thừa nhận và thực hiện trên toàn cầu đối với các đại dương trên thế giới.

Đây là công cụ pháp lý quốc tế thiết yếu để duy trì hòa bình và an ninh cũng như sử dụng bền vững các đại dương, hàng hải và bảo vệ môi trường biển.

UNCLOS, cong uoc, hoi nghi

Ảnh minh họa

Hội nghị lần thứ 21 lần này sẽ tập trung vào các vấn đề hành chính và ngân sách liên quan đến Tòa án quốc tế về luật biển (ITLS), báo cáo của Tổng Thư ký Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) và Chủ tịch Ủy ban giới hạn thềm lục địa (CLCS).

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề luật pháp và cố vấn luật pháp của Liên hợp quốc, Patricia O’Brien, cho biết sau khi Thái Lan và Malawi phê chuẩn Công ước, số nước thành viên tham gia UNCLOS đã lên tới 162 và con số này sẽ còn tăng.

Bà Patricia O’Brien nhấn mạnh với số đơn đệ trình CLCS hiện đã lên tới 56 cộng với 10 đơn nữa sẽ được đệ trình, tải trọng công việc của CLCS phải giải quyết vẫn là vấn đề then chốt. Nhóm làm việc không chính thức đang phải nỗ lực hợp tác với Ủy ban và Ban Thư ký Liên hợp quốc để đánh giá các biện pháp cần thiết có thể đáp ứng tải trọng công việc này, trong đó có đề nghị tăng thời gian làm việc của CLCS lên 26 tuần hàng năm.

Về công việc của Tòa án quốc tế về luật biển, bà Patricia O’Brien nêu bật ý kiến tư vấn được Phòng Tranh chấp đáy biển đệ trình về trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước bảo trợ cho các cá nhân và thực thể hoạt động tại các khu vực đáy biển.

Chủ tịch Tòa án, José Luís Jesus, nhấn mạnh trong 162 nước thành viên UNCLOS, 44 nước đã tuyên bố các thủ tục giải quyết tranh chấp về giải thích hoặc ứng dụng UNCLOS, trong đó 30 nước chọn Tòa án quốc tế về luật biển để giải quyết tranh chấp.

UNCLOS được coi là “Hiến pháp của các đại dương,” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1982 và có hiệu lực quốc tế ngày 16/12/1994. UNCLOS bao gồm 320 điều khoản và chín phụ lục chi phối tất cả các vấn đề biển và không gian các đại dương từ quyền thông thương, các giới hạn biển, nghiên cứu khoa học biển, đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, giải quyết tranh chấp. Công ước thiết lập Tòa án quốc tế về luật biển, Cơ quan đáy biển quốc tế và Ủy ban giới hạn thềm lục địa.

PV


(Theo www.phungquangthanh.com)