Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việc tăng cường hải quân diễn ra theo kế hoạch


Tiếp xúc báo chí bên lề Đối thoại Shangri-La, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay việc tăng cường hải quân của Việt Nam là theo kế hoạch. Sự việc chưa quá nghiêm trọng đến mức phải tăng cường đột xuất.

- Đề nghị ông cho biết, Việt Nam có tiếp tục thăm dò dầu khí ở những vùng biển tranh chấp hay không? Quân đội Việt Nam sẽ có biện pháp nào để bảo vệ hoạt động này?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi khẳng định, Việt Nam không hoạt động ở những vùng biển đang tranh chấp. Đó là những vùng hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ví dụ như vụ việc của tàu Bình Minh 02, ngay sau khi sự việc xảy ra, tàu đã khắc phục sự cố và tiếp tục hoạt động thăm dò.

Hải quân nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên những vụ việc liên quan tới trách nhiệm dân sự, sẽ do những cơ quan pháp luật giải quyết vấn đề này.

hình ảnh

 

Việt Nam có tính tới việc tăng cường các đơn vị Hải quân ở các khu vực xảy ra căng thẳng gần đây hay không?

Việc tăng cường hải quân của chúng tôi diễn ra  theo một kế hoạch đã diễn ra từ trước. Tuy nhiên chúng tôi chưa cho rằng sự việc quá nghiêm trọng đến mức là phải tăng cường một cách đột xuất. Chúng tôi kiên trì và tin rằng có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Trong đó tiếng nói của báo chí, của cộng đồng quốc tế là vô cùng quan trọng.



- Ông có nghĩ rằng các thành viên của  ADMM+ không có tranh chấp chủ quyền hoặc không liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông có thể giúp làm giảm căng thẳng cũng như giải quyết vấn đề Biển Đông?

Tôi cho rằng các diễn đàn đa phương rất quan trọng. Nó thể hiện thái độ của thế giới đối với các hành vi của các quốc gia.



- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.  Gates tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á. Một trong những bước tăng cường đó là bố trí thêm tàu ở vùng Singapore. Tôi muốn biết Việt Nam có hoan nghênh thông tin này không?

Việc Mỹ có tăng cường sự hiện diện ở châu Á hay bố trí thêm tàu ở Singapore. là vì lợi ích của Mỹ. Nếu sự hiện diện ấy mang lại hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, mang lại sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia thì Việt Nam hoan nghênh.



- Chính phủ Việt Nam gần đây tuyên bố mở cửa cảng Cam Ranh cho cộng đồng quốc tế. Liệu  việc mở của đó có đồng nghĩa với việc cho phép tàu quân sự của Mỹ, Nga và các quốc gia khác vào cảng Cam Ranh hay không?

Vịnh Cam Ranh thì trước hết chúng tôi đã tuyên bố không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự và trú đóng tàu quân sự ở đấy. Một phần ở Vịnh Cam Ranh chúng tôi sẽ xây dựng thành căn cứ Hải quân của Việt Nam . Còn một phần thì sẽ xây dựng thành một khu dịch vụ, kỹ thuật, hậu cần cho tàu quân sự và dân sự của tất cả các nước sử dụng. Khi đó, khu dịch vụ, kỹ thuật và hậu cần sẽ đón tàu của tất cả các nước vào sữa chữa, làm dịch vụ hậu cần theo luật pháp quốc tế và luật Việt Nam.

  • Trung Phương (từ Shangri – La, Singapore)

 


(Theo www.phungquangthanh.com)

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc


Bên lề Đối thoại Shangri-La 10 tại Xin-ga-po, chiều 3-6, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Thượng tướng Lương Quang Liệt đã vui mừng gặp lại nhau tại Xin-ga-po sau các chuyến thăm của hai bên tới Trung Quốc và Việt Nam. “Tôi vẫn còn nhớ chuyến thăm Việt Nam khi Việt Nam tổ chức ADMM+ đầu tiên, một hội nghị rất thành công với nhiều vấn đề quan trọng đã được thảo luận”, Thượng tướng Lương Quang Liệt nói.

Thượng tướng Lương Quang Liệt cho biết, trong lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La, Thượng tướng sẽ có bài phát biểu về Tương lai hợp tác an ninh của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh đến cam kết của Trung Quốc về việc phát triển hòa bình, mọi bên “cùng thắng”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh chúc mừng Bộ trưởng Lương Quang Liệt lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La để đóng góp vào hòa bình và ổn định chung của khu vực. “Tôi nghĩ với nội dung như vậy, phát biểu của đồng chí sẽ được Việt Nam và cộng đồng quốc tế quan tâm”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Đại tướng Phùng Quang Thanh cảm ơn Thượng tướng Lương Quang Liệt đã sang dự và đóng góp tích cực vào thành công của ADMM+ đầu tiên. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đánh giá cao chuyến thăm vừa qua của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng; cho rằng chuyến thăm đã để lại những tình cảm và ấn tượng tốt đẹp.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá quan hệ Việt – Trung đang phát triển tốt đẹp. Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quan hệ tốt đẹp giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. “Đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà hai bên không mong muốn”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Trên tinh thần láng giềng đoàn kết, hữu nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nêu rõ sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26-5 đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi tàu Bình Minh 02 đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Vụ việc  đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại. Tại Hội nghị này, một số quan chức và báo giới cũng hỏi tôi về sự việc”, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước. Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), một văn kiện đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, hai bên cần tích cực hợp tác, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, điều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.

Theo đề nghị của Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La, Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể về chủ đề “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới”. “Bài phát biểu của tôi sẽ đề cập đến sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng. Dù tôi không đề cập thì thế giới cũng biết rõ vì trên tàu Bình Minh 02 có thuyền trưởng là người Nga và có thủy thủ đoàn mang nhiều quốc tịch khác nhau”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Thượng tướng Lương Quang Liệt nhất trí với đánh giá của Đại tướng Phùng Quang Thanh về quan hệ Việt – Trung đang phát triển tốt đẹp và cũng cho rằng vấn đề còn tồn tại giữa hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thượng tướng Lương Quang Liệt cho biết, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao. “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này ở các diễn đàn đa phương và phản đối các hành động đơn phương. Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và thực thi đầy đủ DOC”, Thượng tướng Lương Quang Liệt nói.

Thượng tướng Lương Quang Liệt nhất trí với ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh về việc hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. “Quân đội hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai. Chúng tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra”, Thượng tướng Lương Quang Liệt khẳng định.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông có thể phải giải quyết lâu dài. Do vậy, ngành ngoại giao hai nước cần đàm phán hòa bình và lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đối thoại, đưa ra những quyết sách mà hai bên có thể chấp nhận được. Việt Nam cũng sẵn sàng cùng Trung Quốc hợp tác cùng phát triển ở khu vực hai nước có tranh chấp thực sự chiểu theo UNCLOS 1982.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị quân đội hai nước cần bình tĩnh, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, gương mẫu thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là phấn đấu trở thành những người đồng chí, láng giềng, bạn bè, đối tác tốt của nhau.

Tin, ảnh: Bảo Trung


(Theo www.phungquangthanh.com)

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh gặp đoàn New Zealand và Mông Cổ


Bên lề Diễn đàn an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-la 10) diễn ra tại Singapore, chiều 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Tiến sĩ Waynne Mapp và Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Luvsanvandan Bold.

Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh

Tại cuộc gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Waynne Mapp chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên. Bộ trưởng Waynne Mapp cho biết hiện New Zealand đang tích cực triển khai kết quả của ADMM+ khi cùng Philíppin đồng bảo trợ sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cảm ơn New Zealand đã tích cực đóng góp để ADMM+ đầu tiên thành công tốt đẹp và đánh giá cao việc New Zealand và Philippines đang tích cực hiện thực hóa một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên mà ADMM+ đã xác định.

Hai Bộ trưởng đánh giá quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp và nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao. Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng Waynne Mapp khẳng định New Zealand sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan. Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng cũng trao đổi các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Luvsanvandan Bold, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2010 của Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ là dấu mốc quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn ở tất cả các cấp. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đề nghị các cơ quan liên quan của hai bên nhanh chóng triển khai công việc cụ thể để có thể ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Mông Cổ vào thời điểm thích hợp.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt./.


(Theo www.phungquangthanh.com)

Ông Trương Tấn Sang: Việt Nam sẵn sàng tham gia tái thiết Nhật Bản


Ngày 1/6, ông Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định “Việt Nam sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết Nhật Bản,” sẵn sàng “cung cấp nhân lực, vật liệu xây dựng và hàng hóa cần thiết phục vụ công tác tái thiết.” Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh như vậy trong cuộc gặp với các lãnh đạo lưỡng viện trong Quốc hội, Nhật Bản hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và gặp nguyên Thủ tướng Shinzo Abe cùng nhiều nghị sỹ khác. 

Ông Trương Tấn Sang hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Takahiro Yokomichi. (Ảnh: Hồng Hà)

Tại các cuộc gặp, ông Trương Tấn Sang cũng bày tỏ tình đoàn kết, sự chia sẻ và cảm thông về những tổn thất do thảm họa động đất-sóng thần gây ra đối với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ Nhật Bản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Về sự phát triển quan hệ hai nước trong 40 năm qua, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao quan hệ với Nhật Bản và chủ trương thúc đẩy phát triển toàn diện quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa hai nước. Việt Nam tiếp tục thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn đã thỏa thuận trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2010 của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và xem xét hợp tác trong các dự án mới.

Ông Trương Tấn Sang cũng bày tỏ cảm ơn Nhật Bản đã ưu tiên và liên tục dành mức viện trợ phát triển chính thức (ODA) cao cho Việt Nam, vì điều này không chỉ thể hiện thiện chí hợp tác của Nhật Bản đối với Việt Nam mà còn là cam kết chính trị của Nhật Bản cho sự nghiệp phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Ông Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn quan tâm phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA và đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, ủng hộ việc duy trì nguồn vốn này ở mức cao cho Việt Nam. Ngoài ra, ông Trương Tấn Sang cũng đề nghị tăng cường hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị lấy năm 2013 – năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước – làm “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.”

Về phần mình, lãnh đạo hai viện Quốc hội Nhật Bản gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự giúp đỡ quý giá và chân tình đối với Nhật Bản trong thảm họa động đất-sóng thần hôm 11/3. Phía Nhật Bản đã giải thích về tình hình sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và cam kết sẽ công khai tất cả thông tin liên quan đến sự cố.

Về quan hệ hai nước, Chủ tịch Hạ viện Takahiro Yokomichi bày tỏ vui mừng vì sự phát triển trong quan hệ Nhật Bản-Việt Nam, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kan tháng 10/2010.

Ông Yokomichi cho biết sẽ nỗ lực củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Takeo Nishioka đề nghị quốc hội hai nước tăng cường hợp tác để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo hai viện Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Ông chúc mừng thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam và cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản sau thảm họa ngày 11/3.  Trong khi đó, thay mặt Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Chủ tịch JBIC Hiroshi Watanabe bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Trước đó, ông Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tới thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và đại diện của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước này. Ông khẳng định quan hệ Việt-Nhật đang ở giai đoạn tốt đẹp hơn bao giờ hết và bây giờ là lúc hiện thực hóa, sâu sắc hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.

Vietnam+

 


(Theo www.phungquangthanh.com)

Công ước Luật Biển Quốc tế năm 1982: Các vùng biển của quốc gia ven biển


Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (thường được gọi tắt là Công ước Luật Biển năm 1982) được thông qua tại thành phố Môn-tê-gô-bay của Gia-mai-ca vào ngày 10-12-1982. Công ước đã có hiệu lực và hiện nay có 161 thành viên tham gia, trong đó có các nước ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po và Bru-nây.

Công ước quy định các quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định rất rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển.

a. Nội thủy (Internal Waters)

Điều 8 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định, nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

b. Lãnh hải (Territorial Sea)

Lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài đường cơ sở. Theo luật biển quốc tế cho đến những năm 60 của thế kỷ 20, chiều rộng của lãnh hải của quốc gia ven biển chỉ có 03 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m). Theo luật biển quốc tế hiện đại, cụ thể là điều 3 của Công ước Luật Biển năm 1982 thì chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý.

Đại diện các quốc gia tham gia ký Công ước Luật Biển năm 1982. Ảnh: un.org

Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình. Chủ quyền đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải là tuyệt đối. Chủ quyền đối với vùng trời phía trên lãnh hải cũng là tuyệt đối. Tuy nhiên, chủ quyền đối với vùng nước lãnh hải không được tuyệt đối như trong nội thủy bởi vì ở lãnh hải của quốc gia ven biển, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền qua lại không gây hại.

Quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tàu thuyền nước ngoài thực hiện việc qua lại lãnh hải của mình trong một số vấn đề (an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, nhập cư, y tế) và quy định hành lang để tàu thuyền đi qua .

c. Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous Zone)

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài và sát với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải cũng không quá 12 hải lý. Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình. Quốc gia ven biển cũng có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải để trừng trị việc vi phạm các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

d. Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone)

Đó là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Đây là một chế định pháp lý hoàn toàn mới vì theo luật biển quốc tế cho đến những năm 50 của thế kỷ 20, các quốc gia ven biển không có vùng biển này.

Theo điều 56 của Công ước Luật Biển năm 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Cho đến nay, tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế mà các quốc gia ven biển đang khai thác chủ yếu là tôm, cá.

Quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định các quốc gia khác, bất kể là quốc gia có biển hay không có biển, được hưởng một số quyền nhất định ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển như quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không.

đ. Thềm lục địa (Continental Shelf)

Thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Trên thực tế, rìa ngoài của thềm lục địa ở các khu vực có khác nhau: Có nơi hẹp, không đến 200 hải lý; nhưng có nơi rộng đến hàng trăm hải lý. Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định rất rõ ràng. Thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m. Tuy nhiên, để mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý thì quốc gia ven biển liên quan phải trình cho Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Sau đó, Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ xem xét và ra khuyến nghị.

Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Hiện nay, các nước ven biển đang khai thác dầu và khí để phục vụ phát triển đất nước. Sau này, khi các nguồn tài nguyên ở trên đất liền khan hiếm thì các quốc gia ven biển sẽ khai thác các tài nguyên khác ở thềm lục địa của mình. Cần lưu ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Điều cần nhấn mạnh là, một mặt các quốc gia ven biển được hưởng các quyền tương ứng như đã nêu trên đối với các vùng biển của mình, nhưng mặt khác họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển khác.


(Theo www.phungquangthanh.com)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Hội đồng bầu cử


Chiều 30/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp thứ năm Hội đồng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng bầu cử cho ý kiến vào báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Trí Dũng)

Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử do ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử trình bày cho biết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã diễn ra trong không khí dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp.Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử đạt rất cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước trong đó, có 4 tỉnh cao nhất, đạt 99,99% là Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn.

Thảo luận, đóng góp ý kiến, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng báo cáo cần làm rõ hơn tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đã góp phần làm nên thành công của cuộc bầu cử. Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quốc hội, cần phải đánh giá vai trò của Hội đồng bầu cử, các tiểu ban giúp việc cho Hội đồng bầu cử, cũng như tổ chức bầu cử các cấp…

Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh đề nghị báo cáo cần đánh giá và làm nổi bật nội dung, ý nghĩa của cuộc bầu cử đã được nhân dân và cử tri cả nước hết sức quan tâm, những kết quả đạt được thể hiện trách nhiệm cao của cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là ý nghĩa của việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một thời điểm.

Tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có sự phân tích, đánh giá để làm rõ hơn tính chất dân chủ, bình đẳng và những kết quả đã đạt được của cuộc bầu cử.

Phát biểu kết luận phiên họp thứ năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đánh giá báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử về cơ bản đã phản ánh đúng thực chất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên, Tổng Bí thư đề nghị trong Báo cáo cần nêu rõ bối cảnh, đặc điểm, yêu cầu, tính chất của cuộc bầu cử lần này, đồng thời làm nổi bật những điểm mới của cuộc bầu cử (bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng trong một ngày…).

Trên tinh thần làm rõ hơn về thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đồng chí đề nghị cần có sự phân tích cụ thể kết quả của cuộc bầu cử để thấy được chất lượng của cuộc bầu cử.

Báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên, trước khi trình Thường vụ Quốc hội xem xét vào đầu tháng Sáu tới./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

 


(Theo www.phungquangthanh.com)

Bộ đội biên phòng Quảng Nam sát cánh bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển


Với phương châm bám biển để bảo vệ ngư dân và vùng biển, từ đầu năm 2011 đến nay, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã đẩy đuổi hàng chục tàu thuyền ngư dân của Trung Quốc xâm phạm biển của khu vực Quảng Nam để khai thác nguồn lợi thủy sản. Khi ngư dân gặp nạn hay có tàu lạ đến xâm phạm vùng biển thì các chiến sĩ quân hàm xanh của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam sẵn sàng có mặt kịp thời để bảo vệ chủ quyền vùng biển. Chính vì thế, khi tàu thuyền ngư dân xứ Quảng vươn khơi, họ luôn an tâm sẽ đi đến nơi về đến chốn và bội thu sau những lần ra khơi.

Các chiến sĩ của Hải đội 2 đang kiểm tra máy móc, thiết bị trên tàu định kỳ, sẵn sàng để bảo vệ vùng biển.

Ăn sóng, nằm gió cùng dân

Chúng tôi đến cảng Kỳ Hà trong một buổi cuối tháng 5/2011, giữa cái nắng như thiêu đốt của mùa hè xứ Quảng, đi đâu cũng nghe những lời cảm ơn của các ngư dân dành tặng cho các chiếc sĩ Hải đội 2. Vì những lần tàu thuyền ngư dân gặp nạn thì các sĩ quan, chiến sĩ của Hải đội 2 vượt sóng gió, bão táp để cứu lấy các ngư dân và bảo vệ chủ quyền biển của chúng ta khi các tàu thuyền các nước xâm phạm đến vùng biển.

Chính vì thế mà ngư dân khắp vùng ven biển Quảng Nam luôn thấy an tâm khi ra khơi đánh bắt hải sản, vì theo họ đã có Hải đội 2 khi gặp nguy cấp. Ông Trần Công Chi (thuyền trưởng tàu QNa 94619, Bình Tân, Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) không giấu nổi xúc động: “Chúng tôi như được sống lại lần 2 vậy các anh ạ. Tàu bị hỏng máy từ ngày 24/8/2006, mấy ngày lênh đênh trên biển và bị đói khát nên ai cũng suy nhược, không còn khả năng tự ứng cứu được nữa. Khi thấy tàu của Hải đội 2 tiếp cận, chúng tôi mừng chảy nước mắt. Chúng tôi mang ơn họ mà không biết làm thế nào để đền đáp”.

Thượng úy Nguyễn Văn Hùng – Thuyền phó tàu BP 431302, được ngư dân ở đây xem là anh hùng biển khơi. Anh tâm sự: “Mình là một người lính Bộ đội Cụ Hồ thì phải có trách nhiệm với nhân dân. Chẳng lẽ khi dân gặp khó khăn mà mình lại bỏ quên họ sao”. Còn Trung tá Nguyễn Văn Mỹ – Hải đội trưởng Hải đội 2, cười vui vẻ tâm sự: Hải đội 2 xem việc cứu hộ cứu nạn và bảo vệ vùng biển là nhiệm vụ. Vừa tâm sự với chúng tôi, thì đồng chí Mỹ nói tiếp: “Sáng nay nhận được tin ngư dân Tam Quang, huyện Núi Thành đi khơi về, chúng tôi phải dành ít thời gian ra thăm hỏi, kiểm tra tình hình”.

Tôi được đồng chí Mỹ dẫn đi thực tế. Cùng các anh Bộ đội Biên phòng đi khắp cảng cá Kỳ Hà, chúng tôi mới nhận ra một điều: Hải đội 2 luôn nhận được sự tin yêu của nhân dân trong vùng.

Ngư dân Quảng Nam yên tâm ra khơi vì Hải đội 2 luôn sát cánh cùng.

Một lòng canh giữ biển đảo quê hương

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Văn Mỹ – Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết thêm: Từ đầu năm 2011 đến nay, Hải đội 2 đã đẩy đuổi hàng chục tàu thuyền ngư dân của Trung Quốc xâm phạm biển của khu vực Quảng Nam để khai thác nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra thời gian qua, Hải đội 2 cũng nhiều lần phối hợp với ngư dân vùng biển Quảng Nam nếu tàu thuyền ra khơi phát hiện tàu thuyền lạ hay tàu của Trung Quốc thì phải báo ngay về cho Hải đội 2 để có cách đề phòng và ngăn chặn kịp thời. Sau khi tàu Trung Quốc vừa cắt dây cáp của tàu Bình Minh 02, trong mấy ngày vừa qua, Hải đội 2 đã điều động tàu có công suất lớn tuần tra trên vùng biển Quảng Nam 24/24h để bảo vệ vùng biển và ngư dân xứ Quảng.

Luôn luôn bám biển để bảo vệ ngư dân và vùng biển của chúng ta dù có khó khăn đến mấy, đó là phương châm của các chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam.

Tuy vậy, các anh luôn cố gắng hết mình để giành giật lại sự sống cho ngư dân gặp nạn từ tay hung thần biển cả. Nhiều năm qua, hơn trăm lần Hải đội 2 vượt bão tố biển Đông đi cứu nạn và bảo vệ vùng biển, nhưng chưa một lần nghe các cán bộ, chiến sĩ ở đây than khó hay bỏ nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Tin – Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Núi Thành nơi đơn vị đóng quân cho biết: “Những lúc khó khăn, người dân vùng biển này luôn nhận được sự giúp đỡ hết mình của Hải đội 2. Nếu không có các anh thì khi bão lũ, khi gặp tai nạn trên biển chúng tôi không biết dựa vào ai để bảo vệ an toàn cho toàn bộ nhân dân vùng biển này. Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam thời gian qua đã bảo vệ vùng biển một cách an toàn, đẩy đuổi tàu thuyền lạ xâm nhập vùng biển”

An Khang


(Theo www.phungquangthanh.com)