Thăm và giao nhiệm vụ cho lực lượng tàu ngầm trước khi đi đào tạo ở nước ngoài, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh yêu cầu phải nỗ lực học tập để có thể làm chủ vũ khí rất hiện đại như tàu ngầm. Dịp này, TPHCM tặng lực lượng tàu ngầm 500 triệu đồng.
Chiều 16-4, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đã đến thăm, động viên các sĩ quan, thủy thủ lực lượng tàu ngầm đi đào tạo nước ngoài tại Trung tâm huấn luyện 125 thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự.
Đại tá Lê Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng Khung thường trực quản lý lực lượng tàu ngầm, đã báo cáo kết quả học tập, huấn luyện, rèn luyện, cùng kết quả công tác chuẩn bị cho đợt học tập nước ngoài của các học viên diện quân chủng Hải quân.
Đến nay, 100% học viên được tuyển chọn vào lực lượng tàu ngầm đều quyết tâm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ học tập và rèn luyện tại Trung tâm huấn luyện 125. Kết quả học tập tiếng Nga có 100% đạt yêu cầu, trong đó tỉ lệ khá, giỏi của môn học tiếng Nga cơ sở, cơ bản và chuyên ngành lần lượt là 46,5%, 79,2% và 71,4%.
Các môn học khác như: Đại cương về tàu ngầm, Điện tử số; Kỹ thuật điều khiển tự động; huấn luyện thể lực đều đạt 100% yêu cầu, trong đó tỉ lệ khá, giỏi luôn đạt trên 70% trở lên.
Điều đáng chú ý là các học viên của lực lượng tàu ngầm đều thấy được niềm vinh dự và niềm tự hào khi được tuyển chọn vào công tác ở một binh chủng đặc biệt, hiện đại. Nên trong suốt thời gian học tập và làm công tác chuẩn bị đi nước ngoài đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, tổ chức học tập ôn bài theo nhóm, tích cực trao đổi phương pháp, tự học và kèm cặp nhau, từng bước nâng cao chất lượng công tác.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Bách, thay mặt các học viên, hứa với Bộ trưởng Quốc Phòng sẽ không ngừng phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và bộ đội Hải quân anh hùng, đoàn kết khắc phục khó khăn, học tập thật giỏi, nắm vững chức trách, chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ vũ khí trang bị mới.
Phát biểu và giao nhiệm vụ cho lực lượng tàu ngầm chuẩn bị đi đào tạo nước ngoài, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Tàu ngầm là loại vũ khí trang bị rất hiện đại, được Quân đội ta sử dụng vào mục đích bảo vệ Tổ quốc - một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa Quân đội của Đảng và Nhà nước hiện nay".
Do đó, người đứng đầu Bộ Quốc phòng yêu cầu, lực lượng được tuyển chọn cần phải quán triệt và thực hiện sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, tuyệt đối trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
"Ngay từ lúc ban đầu phải xác định tốt quyết tâm, phải tận dụng mọi thuận lợi để học tập, nắm chắc cấu tạo, tính năng, tác dụng … làm chủ vũ khí, trang bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao", Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ.
Dịp này, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã gửi lời cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã quan tâm, tặng số tiền trị giá 500 triệu đồng cho lực lượng tàu ngầm đi đào tạo tại nước ngoài.
Trước đó, trả lời Báo Người Lao động, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, theo kế hoạch dài hạn đến năm 2020, Việt Nam sẽ sở hữu 6 tàu ngầm cùng các máy bay chiến đấu hiện đại. Trước mắt, phấn đấu trong 5 - 6 năm tới, Việt Nam sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại với 6 tàu ngầm lớp Kilo 636.
“Tuy nhiên, tôi cũng muốn khẳng định là chúng ta có mua tàu ngầm hiện đại, tên lửa, máy bay và các khí tài kỹ thuật khác cũng chỉ là để phòng thủ, tự vệ, bảo vệ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước, chứ hoàn toàn không có ý định đe dọa, không có ý đồ tấn công xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ.
Thực hiện kế hoạch từng bước hiện đại hóa quân đội để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, trong năm 2011, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đưa vào hoạt động 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Đây là 2 con tàu thuộc dự án 11661 Gepard-3.9 được Nga đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam. Tàu được thiết kế rất hiện đại, có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.
(Theo QĐND)